(ĐCSVN) - Theo Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1883/QĐ-TTg ngày 26/10/2011, đô thị Vĩnh Phúc có tổng diện tích tự nhiên khoảng 318,60km2 với phạm vi gồm: Thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên, huyện Bình Xuyên, một phần các huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường, Tam Dương, Tam Đảo. Quy mô dân số dự báo đến năm 2030 khoảng 1 triệu dân.
Để cụ thể hóa Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc làm cơ sở quản lý thu hút đầu tư, triển khai các dự án hạ tầng khung đô thị, từ năm 2012, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục đồ án quy hoạch phân khu theo Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc tại Quyết định số 1860/QĐ-UBND ngày 03/8/2012. Gồm 15 phân khu thuộc 4 phân vùng phát triển đô thị.
Trong năm 2012-2013, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao Sở Xây dựng triển khai các thực hiện quy hoạch phân khu theo Đề án Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc. Trong đó, phân khu A1 - khu vực phát triển đô thị đại học với quy mô 2.089 ha, nằm trên địa bàn TP Vĩnh Yên và huyện Tam Dương đã triển khai xong. Đây là cơ sở để Vĩnh Phúc thu hút các trường đại học trong nước và quốc tế. Phân khu A1 được thực hiện trên cơ sở ý tưởng của Cty Nikken Sekkei Civil Engineering (Nhật Bản) trong Cuộc thi ý tưởng quy hoạch phân khu KĐT Đại học Vĩnh Phúc, do Sở Xây dựng phối hợp với Hội KTS Việt Nam thực hiện, đơn vị đoạt giải Nhất cuộc thi. Đồng thời tiến hành triển khai khảo sát bổ sung địa hình tỷ lệ 1/2000 cho 13 phân khu để đáp ứng tiến độ lập quy hoạch trong giai đoạn 2014-2015.
Năm 2014, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc tích cực triển khai công tác lập, thẩm định các đồ án quy hoạch. Sở Xây dựng đã tổ chức lập cơ bản hoàn thành 13 đồ án quy hoạch phân khu, trong đó đã trình duyệt 5 đồ án, báo cáo UBND tỉnh thông qua 6 đồ án. Vừa qua, đã tổ chức công bố 3 đồ án quy hoạch phân khu A4, C4, D2. Phân khu A4 được quy hoạch trên diện tích 1.797 ha, thuộc các xã, phường của thành phố Vĩnh Yên, Bình Xuyên và Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là khu vực cải tạo và phát triển đô thị trở thành trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, nhà ở, dịch vụ công cộng, du lịch và đầu mối quan trọng của khu vực trung tâm Đô thị Vĩnh Phúc. Trong đó, đất công trình công cộng là 250ha; đất cây xanh, mặt nước, thể dục thể thao là 459ha; đất khu ở có tổng diện tích hơn 640ha;…
Phân khu D2 và C4 là khu vực quy hoạch phát triển công nghiệp và đô thị phụ trợ phía Bắc tại huyện Tam Dương, Tam Đảo và huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc với diện tích hơn 5.300ha. Phân khu C4 thuộc huyện Bình Xuyên là khu vực ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sạch, công nghệ cao cùng với các đô thị phụ trợ đáp ứng các nhu cầu của nhà ở, dịch vụ công cộng,… Phân khu D2, là khu vực cải tạo và phát triển đô thị mới, công nghiệp và dịch vụ của huyện Tam Dương và Tam Đảo, đầu mối giao thông quan trọng của khu vực phía Bắc đô thi Vĩnh Phúc…
Trong thời gian tới, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc tiếp tục hoàn thiện 7 đồ án Quy hoạch phân khu A2, A3, B1, B2, B3, C1, D1 theo Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc. Riêng đối với, quy hoạch phân khu B4 chủ yếu là khu vực nông nghiệp sinh thái sẽ hoàn thiện sau năm 2015, đáp ứng phủ kín 14/15 phân khu theo quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt.
Cùng với thực hiện các quy hoạch phân khu, Vĩnh Phúc đã thực hiện triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng 3 đồ án quy hoạch vùng liên huyện phía Tây, phía Bắc, phía Nam đô thị Vĩnh Phúc, từ đó khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các vùng đô thị. Đối với quy hoạch xây dựng vùng phía Bắc đô thị Vĩnh Phúc có điều kiện phát triển lâm nghiệp, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái và tâm linh và y tế bảo vệ sức khỏe và kết nối giao thông đối ngoại với các tỉnh lân cận. Vùng phía Tây sẽ xây dựng trở thành trung tâm kinh tế tổng hợp, trong đó phát triển công, nông nghiệp, dịch vụ và phát triển kinh tế tri thức. Quy hoạch xây dựng vùng phía Nam đô thị Vĩnh Phúc phát triển vùng nông nghiệp - đô thị chất lượng cao gắn với khu vực cấp thoát nước quan trọng của tỉnh, là bộ phận của vùng ngoại thành thành phố Vĩnh Phúc trực thuộc Trung ương trong tương lai; là khu vực chuyển tiếp giữa đô thị Vĩnh Phúc, Thủ đô Hà Nội và thành phố Việt Trì gắn với hành lang kinh tế dọc tuyến vành đai V.
Việc phủ kín các quy hoạch phân khu theo Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cở sở để Vĩnh Phúc xây dựng và phát triển hệ thống đô thị, tranh thủ thời cơ, điều kiện để đầu tư xây dựng thành phố Vĩnh Phúc trong thời gian sớm nhất.