Vĩnh Phúc: Đưa trò chơi dân gian vào trường học

Thứ ba, 01/06/2010 18:12
 

Học sinh trường Mầm non Hoa Hồng (Vĩnh Yên), thực hành
 trò chơi đất nặn. Ảnh Ngọc Thắng
 

Tạo ra những sân chơi đơn giản thông qua các trò chơi dân gian là một cách giúp các em học sinh có được những không gian chơi đùa bổ ích và lành mạnh.

Vấn đề đã và đang được nhiều bậc phụ huynh học sinh quan tâm không chỉ trong các dịp nghỉ hè mà còn trong suốt cả quá trình học tập là vấn đề tổ chức các hoạt động vui chơi đảm bảo tính lành mạnh, tích cực và bổ ích giúp cho học sinh vừa rèn luyện sức khoẻ, khơi dậy trí thông minh, sáng tạo và sự ham học hỏi.

Hiện nay, từ thành thị đến nông thôn, hầu hết mọi người dân cũng như các bậc cha mẹ học sinh đều rất bức xúc về việc trẻ em ở lứa tuổi tiểu học, trung học cơ sở sa đà vào các trò chơi điện tử, các loại đồ chơi bạo lực, các thú vui giải trí không lành mạnh, từ đó gây ra những hậu quả đáng tiếc cho chính bản thân, gia đình và xã hội. Điều đó một phần là do trẻ em ngày nay thiếu chỗ chơi và chưa được người lớn hướng dẫn chơi những trò chơi bổ ích. Việc tạo ra những sân chơi đơn giản thông qua những trò chơi dân gian là một cách giúp các em có được những không gian chơi đùa bổ ích và lành mạnh. Có rất nhiều trò chơi lành mạnh, bổ ích được dân gian đúc kết qua hàng ngàn thế hệ mang ý nghĩa giáo dục, rèn luyện trí và lực về mọi mặt cho các em như các trò chơi “bịt mắt bắt dê”, “trồng hoa, trồng nụ”, “nu na nu nống”, “thả đỉa ba ba”, nhảy dây, kéo co, chơi ô ăn quan, chơi trốn tìm, đua thuyền rồng, nhảy sạp, đánh chắt, đáng chuyền…lànhững trò chơi hàng ngày được các em học sinh rất yêu thích.

Thực hiện chủ trương đưa các trò chơi dân gian vào trường học, những năm gần đây, các trường Tiểu học, THCS đã tạo ra một sân chơi khá bổ ích và lý thú trong các giờ ra chơi, học ngoại khoá tại trường. Cùng với việc áp dụng các trò chơi theo hướng dẫn của ngành giáo dục, mỗi thầy, cô giáo còn tự tìm tòi, sáng tạo tổ chức cho học sinh chơi các trò chơi dân gian có tính địa phương, vùng miền. Giờ ra chơi tại các trường Tiểu học thuộc tỉnh Vĩnh Phúc như: Liên Minh, Đống Đa (Vĩnh Yên), Tề Lỗ , Tam Hồng (Yên Lạc ), Minh Quang II, Minh Quang (Tam Đảo)… có thể ví như một ngày hội văn hóa dân gian với rất nhiều trò chơi từ dễ đến khó. Mỗi lớp diễn ra một trò chơi khác nhau. Cả cô và trò tuy thấm mệt nhưng đều rất vui. Cô giáo Đỗ Thị Yến, giáo viên trường tiểu học Tam Hồng tâm sự: Với sự hiếu động và rất hồn nhiên của các em lứa tuổi tiểu học, các trò chơi dân gian dễ được các em tiếp thu và rất yêu thích. Có sự hướng dẫn và tổ chức trò chơi của giáo viên, từ các trò chơi đơn giản ban đầu, dần dần các em đã tiếp thu được một số trò chơi phức tạp với nhiều độ khó khác nhau. Trước đây, do chưa đưa được các trò chơi dân gian vào trường học, giờ ra chơi, ngoài mấy phút tập thể dục giữa giờ, các em thường hay tụ tập ăn kem, ăn quà vặt hoặc nghịch đất, bụi cát, bẻ cành cây… rất mất vệ sinh.

Trong hoàn cảnh công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, học sinh hầu hết bị lôi cuốn vào những trò chơi điện tử, các đồ chơi bạo lực trên mạng hoặc đồ chơi bạo lực của Trung Quốc thì việc đưa các trò chơi dân gian vào trường học sẽ tạo điều kiện cho các em được tham gia nhiều hoạt động vui chơi lành mạnh. Đặc điểm chung của trò chơi dân gian được triển khai trong trường học là đơn giản, dễ chơi, dễ hòa nhập. Nhóm các trò chơi vận động tập thể như kéo co, bịt mắt bắt dê, đua thuyền rồng... giúp trẻ tăng cường sức khỏe, thể chất, phát huy tính đoàn kết. Trong khi đó, những trò chơi như chơi ô ăn quan, chơi cờ lại giúp phát triển trí tuệ, đòi hỏi các em biết quan sát, tính toán. Bên cạnh đó, các em cũng có thể thỏa sức phát huy trí tưởng tượng của mình thông qua những sản phẩm do các em tạo nên với trò chơi nặn đất sét, kết con thú bằng rơm, lá cây, gấp con vật bằng giấy. Đây cũng là sân chơi nhà trường tạo ra sau giờ học, trong lúc các bé rảnh rỗi hoặc đợi bố mẹ đến đón. Thực tế cho thấy, đây cũng là khoảng thời gian các em thường dễ gây lộn, đánh nhau hoặc sa đà vào những trò chơi vô bổ, ăn kem bụi, quả xanh gây hại cho chính các em, thậm chí dễ bị những tổn thương, xâm hại về thể chất nếu không được trông nom, chú ý.

Có thể nói, việc đưa các trò chơi dân gian vào trường học đã tạo ra một không gian tâm lý khơi nguồn cảm hứng sáng tạo và lối tư duy khá lành mạnh; là cầu nối cho việc giáo dục hình thành nhân cách ban đầu cũng như việc tổ chức các hoạt động giáo dục cho các em. Sự kết hợp giữa các trò chơi dân gian, trò chơi có tính trí tuệ trong giải toán tuổi thơ, trò chơi có tính ứng xử trên cơ sở xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực đã góp phần tạo ra một diện mạo mới trong giáo dục. Trường Tiểu học Minh Quang II là một trong những trường mới được thành lập cách đây ít năm với tỷ lệ học sinh chiếm trên 70% là con em người dân tộc Sán Dìu. Nhờ đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục trong đó có việc đưa các trò chơi dân gian vào trường học, nhà trường đã trở thành một điển hình tiên tiến xuất sắc khối Tiểu học của tỉnh về xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Cô giáo Nguyễn Thị Tình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Các trò chơi dân gian trong nhà trường đã trở thành nếp sinh hoạt hàng ngày của học sinh các dân tộc. Nhà trường đã lựa chọn, gắn một số bản nhạc làm nền theo từng trò chơi khác nhau. Giờ ra chơi, khi tiếng nhạc cất lên, tất cả học sinh đồng loạt chơi các trò chơi đã được lựa chọn từ các trò chơi dân gian. Ngoài việc chơi ở trường, khi về nhà, lúc rảnh rỗi các em cũng thường chơi các trò chơi dân gian được học trong nhà trường. Ý thức và sở thích lành mạnh của các em đã tác động đến nhiều bậc cha mẹ và chính bản thân các em góp phần hạn chế những trò chơi có tính bạo lực hoặc những trò chơi, đồ chơi đắt tiền khác.

Việc đưa trò chơi dân gian vào trường học gắn với việc tổ chức thường xuyên các hội diễn, hội thi tiếng hát dân ca khối Tiểu học trong các nhà trường đã tạo được tiền đề cho việc nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Tuy nhiên, ngoài thời gian ở trường, nhất là trong dịp nghỉ hè, trẻ em đã và đang chịu nhiều áp lực như thiếu chỗ chơi và các trò chơi có tính tập thể. Vấn đề đặt ra đối với các bậc cha mẹ học sinh cũng như các cấp ủy, chính quyền địa phương cần chủ động tạo sân chơi cho các em, có các vị trí, địa điểm, tạo điều kiện cho trẻ em vui chơi lành mạnh và an toàn.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực