Vĩnh Phúc hấp dẫn các nhà đầu tư

Thứ sáu, 15/12/2023 16:12
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Trong bối cảnh kinh tế thế giới liên tục biến động, suy giảm tăng trưởng xuất hiện ở nhiều quốc gia khiến nguồn vốn đầu tư toàn cầu bị thu hẹp, hoạt động thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn, Vĩnh Phúc vẫn ghi nhận những kết quả thu hút đầu tư tích cực. Điều này cho thấy, môi trường đầu tư ở Vĩnh Phúc nói riêng, Việt Nam nói chung ngày càng hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư.
Khu công nghiệp Khai Quang, Vĩnh Phúc

Công ty TNHH Ohashi Tekko Việt Nam (KCN Bình Xuyên) chuyên sản xuất các loại bàn đạp chân ga xe ô tô xuất khẩu sang thị trường châu Âu, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Đầu tháng 12 vừa qua, dự án Công nghiệp cơ khí Lioho Machine Works Việt Nam đã được nhà đầu tư là liên danh Công ty Lioho Machine Works Ltd và Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1 chính thức khởi công xây dựng trên diện tích 5ha thuộc Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc.

Đây là một trong những dự án FDI mới nhất được khởi công trên địa bàn tỉnh trong năm 2023. Dự án có tổng vốn đầu tư 75 triệu USD, với mục tiêu sản xuất các sản phẩm phụ tùng ô tô xe gắn máy, linh kiện máy nông nghiệp, linh kiện kim loại của thiết bị mạng internet, linh kiện kim loại của máy bơm, bán buôn máy móc thiết bị và phụ tùng máy khác.

Dự kiến trong năm 2024 dự án sẽ đi vào hoạt động, giai đoạn đầu của dự án sẽ có công suất khoảng 750 nghìn sản phẩm mỗi năm, doanh thu khoảng 400 tỷ đồng và tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

Trước đó, Vĩnh Phúc đã thu hút thành công dự án trong lĩnh vực lắp ráp động cơ xe máy, ô tô, phương tiện giao thông từ Tập đoàn Polaris (Hoa Kỳ). Đây là tập đoàn nằm trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất Hoa Kỳ.

Dự án có tổng vốn đầu tư 40 triệu USD được xây dựng trên diện tích hơn 12ha, tại KCN Bá Thiện II (Bình Xuyên) với mục tiêu sản xuất mô tô, xe máy, phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe ô tô, xe có động cơ khác.

Đây là nhà máy thứ 2 của tập đoàn tại Vĩnh Phúc và là nhà máy thứ 20 trên toàn thế giới, điều này cho thấy doanh nghiệp thực sự tin tưởng và kỳ vọng Vĩnh Phúc sẽ là mảnh đất tạo nên những thành công mới cho doanh nghiệp.

Dự kiến khi hoàn thành đi vào hoạt động, dự án sẽ có công suất khoảng 300 nghìn sản phẩm mỗi năm. Ngoài tiêu thụ nội địa, các sản phẩm sẽ được xuất khẩu sang các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tạo việc làm cho khoảng 600 lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Tổng giám đốc Tập đoàn Polaris Matthew Justin Kantrud đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và môi trường đầu tư tại Việt Nam nói chung. Đồng thời nhấn mạnh sự quan tâm giúp đỡ và hỗ trợ nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc và các sở, ban, ngành chức năng trong tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp được mở rộng đầu tư theo đúng kế hoạch.

Tổng giám đốc Tập đoàn Polaris Matthew Justin Kantrud tin tưởng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ hiệu quả, cùng các giải pháp đồng hành chia sẻ, tháo gỡ khó khăn của tỉnh với các nhà đầu tư, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, thành công của các nhà đầu tư trong tương lai.

Ngoài hai dự án trên, trong năm 2023, nhiều dự án khác cũng được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư; đồng thời, hoàn thiện các thủ tục khởi công, động thổ hàng chục dự án khác.

Cùng với đó, nhiều dự án khác được khánh thành, đi vào hoạt động như Dự án Công nghiệp TYC Việt Nam; Nhà máy Enplas Vĩnh Phúc; Dự án Nhà máy sản xuất của Công ty TNHH UniCalsonic Việt Nam…

Tính chung từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được hơn 560 triệu USD vốn FDI, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2022, vượt 40% so với kế hoạch năm 2023 đề ra. Thu hút vốn FDI đạt gần 21 nghìn tỷ đồng, tăng 67% so với năm 2022, vượt hơn 4 lần so với kế hoạch năm 2023 đề ra.

Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có gần 1.300 dự án đầu tư còn hiệu lực, bao gồm 460 dự án FDI đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư trên 7,9 tỷ USD; gần 840 dự án DDI với tổng vốn đầu tư trên 140 nghìn tỷ đồng.

Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp.

Trong đó, tập trung nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút nhà đầu tư chiến lược; rà soát, cải cách đơn giản các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư.

Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, đa dạng các hình thức xúc tiến đầu tư, chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ. Đẩy mạnh các hình thức tìm kiếm, chọn lọc các nhà đầu tư, doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư thuộc các lĩnh vực mà tỉnh thu hút để trực tiếp giới thiệu, quảng bá các dự án, lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

Tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh theo hướng coi hoạt động này là hoạt động thu hút đầu tư tại chỗ, đầu tư mở rộng và là cơ sở để kêu gọi đầu tư nước ngoài.

Duy trì và đổi mới nội dung các hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, các hiệp hội, phòng thương mại nước ngoài ở Việt Nam, các tổ chức hỗ trợ kinh doanh để nắm bắt được vấn đề vướng mắc một cách khách quan và có giải pháp tháo gỡ.

Công khai các chủ trương, chính sách, quy định của Nhà nước, của tỉnh; danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các sở, ban, ngành, huyện, thành phố đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, hữu ích cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư…

 

N.K

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực