Ngay sau khi có Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 4/7/2008 của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã xây dựng kế hoạch triển khai học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện chỉ thị; chỉ đạo các sở, ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể của tỉnh và các huyện, thành, thị nghiêm túc nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện tốt các yêu cầu của chỉ thị về phát triển nền đông y và Hội đông y Việt Nam.
Xây dựng và tập trung kế hoạch về phát triển nền đông y trên địa bàn tỉnh
Chăm sóc cây Sâm Bố Chính tại Phúc Yên. (Ảnh: V.P) Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, các huyện, thành, thị uỷ; các xã, phường, thị trấn đã xây dựng kế hoạch tổ chức học tập, triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW đến cán bộ, đảng viên thuộc ngành, đơn vị quản lý. Hội Đông y tỉnh Vĩnh Phúc đã bám sát vào chỉ đạo của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 33-KH/TW, ngày 22/7/2008 của Trung ương Hội Đông Y Việt Nam về việc tổ chức triển khai Chỉ thị số 24-CT/TW, đã triển khai nhiều hoạt động đến các cấp hội.
Xác định rõ vai trò phát triển của nền Đông y và Hội đông y là nhiệm vụ rất quan trọng với mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, góp phần cải thiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh. Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Thông báo Kết luận số 154-TB/TW, ngày 20/2/2014 “về 5 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 4/7/2008 về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y trong tình hình mới”, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã ban hành Thông tri số 29-TTr/TU, ngày 28/8/2014 về phát triển nền Đông y và Hội Đông y tỉnh Vĩnh Phúc trong tình hình mới. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 2394/UBND-VX3 về việc thực hiện chính sách phát triển y dược cổ truyền đến năm 2020 và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW và Thông tri số 29-TTr/TU bằng các chương trình, kế hoạch, đề án,…nhằm huy động các cấp, các ngành, nhân dân tham gia xây dựng, phát triển đông y, Hội Đông y của tỉnh. 100% các hội, chi hội đông y huyện, thành phố đã xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW và Thông báo kết luận số 154-TB/TW.
Các hoạt động kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, Thông báo kết luận số 154-TB/TW và Thông tri số 29-TTr/TU được tỉnh quan tâm chỉ đạo, thực hiện lồng ghép trong chương trình giám sát các hoạt động kinh tế - xã hội hằng năm của Hội đồng nhân dân tỉnh, chương trình kiểm tra của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Y tế, Hội Đông y tại các địa phương, đơn vị, nhằm đánh giá chuyển biến và những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện.
Công tác sơ kết Chỉ thị được cấp ủy các cấp thực hiện nghiêm túc. Năm 2013, Tỉnh uỷ đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 24, trên cơ sở đánh giá những ưu điểm, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện; đồng thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong việc thực hiện Chỉ thị số 24 trên địa bàn tỉnh và căn cứ vào Thông báo kết luận số 154-TB/TW của Ban Bí thư, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tiếp tục đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chỉ thị trong giai đoạn tiếp theo.
Những kết quả đáng khích lệ
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 04/7/2008 và Thông báo Kết luận số 154-TB/TW ngày 20/12/2014 của Ban Bí thư, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tiếp tục nhận thức rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng, xác định y học cổ truyền có vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; các cấp, các ngành, các địa phương phối hợp chặt chẽ trong tuyên truyền, triển khai thực hiện nghiên cứu kế thừa, bảo tồn và phát triển YHCT, kết hợp YHCT với YHHĐ nhằm xây dựng, phát triển nền YHCT ngày càng phát triển theo xu hướng hiện đại.
Hội thảo kinh nghiệm điều trị bệnh tim mạch bằng Đông y. (Ảnh: V.P) Hội Đông y tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập năm 1959, sau gần 60 năm thành lập, Hội Đông y tỉnh ngày càng lớn mạnh, số lượng hội viên ngày càng tăng, đến nay, toàn tỉnh có 985 hội viên; có 15 Hội Đông y cấp xã, 18 chi hội liên xã. Công tác xây dựng và phát triển tổ chức Hội Đông y thường xuyên được các cấp uỷ đảng, chính quyền quan tâm. Đến nay, toàn tỉnh có 01 bệnh viện y học cổ truyền thuộc tuyến tỉnh, 9 bệnh viện đa khoa các huyện có khoa y học cổ truyền hoặc tổ y học cổ truyền; 100% các trạm y tế xã được bố trí biên chế cán bộ đông y và xây dựng được vườn thuốc nam theo danh mục quy định của Bộ Y tế; ngoài các cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước, trên địa bàn tỉnh hiện có 224 phòng chẩn trị đông y đang hành nghề, tạo màng lưới đều khắp trong tỉnh.
Công tác khám, chữa bệnh bằng đông y, kết hợp giữa khám, chữa bệnh bằng đông y và tây y đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Toàn tỉnh có 15 đơn vị trực thuộc; trong đó có 6 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh; 9 Trung tâm Y tế huyện, thành phố. Các đơn vị đã triển khai ngày càng nhiều danh mục kỹ thuật YHCT theo phân tuyến như: Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh thực hiện đạt 82,3%; Bệnh viện đa khoa tỉnh, đa khoa khu vực Phúc Yên thực hiện trên 55,5%; Trung tâm Y tế các huyện, thành phố thực hiện trung bình đạt 57,2%; tuyến xã có 129/137 Trạm Y tế có khám, chữa bệnh bằng YHCT.
Việc kết hợp giữa đông y và tây y được chú trọng và mang lại hiệu quả tốt trong khám, chữa bệnh. Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh là tuyến cao nhất trong hệ thống khám, chữa bệnh bằng YHCT của tỉnh, quy mô 170 giường bệnh kế hoạch, thực kê 230 giường với 12 khoa, phòng; nhiều trang thiết bị hiện đại được đầu tư như: Máy sinh hóa tự động; máy xét nghiệm miễn dịch; máy Siêu âm màu; máy XQ kỹ thuật số; máy nội soi dạ dày - đại tràng ống mềm; máy nội soi tai - mũi - họng; máy tán sỏi ngoài cơ thể; hệ thống sắc thuốc bằng lò hơi; máy đóng bao viên hoàn cứng; Bệnh viện đã bào chế, sản xuất được 30 mặt hàng thuốc phục vụ công tác điều trị cho người bệnh như: thuốc sắc đóng túi, viên hoàn cứng, viên hoàn mềm, viên nén, thuốc cốm, trà túi lọc, thuốc cao, thuốc bột, thuốc mỡ, rượu thuốc…các chế phẩm được điều chế hoàn toàn bằng thảo dược, hiệu quả điều trị cao.
Bệnh viện đa khoa tỉnh, đa khoa khu vực Phúc Yên khoa YHCT với số giường thực kê 25 - 30 giường bệnh; Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đều có khoa YHCT hoặc liên khoa YHCT&PHCN với tổng số giường bệnh là 244; hàng năm các đơn vị tích cực điều trị cho hàng nghìn lượt bệnh bằng phương pháp YHCT và YHCT kết hợp với YHHĐ đạt kết quả cao. Các phòng khám đa khoa và Trạm Y tế xã, phường, thị trấn (08 phòng khám Đa khoa khu vực, 137 Trạm y tế) có tổ hoặc bộ phận YDCT theo quy định của Bộ Y tế, 130/137 trạm Y tế xã có xây dựng vườn thuốc nam mẫu để hướng dẫn người dân biết cách sử dụng cây thuốc có sẵn tại địa phương điều trị một số bệnh thông thường.
Trong 10 năm (từ năm 2008 đến nay) đã khám, chữa bệnh bằng phương pháp YHCT và YHCT kết hợp với YHHĐ cho 8.965.502 lượt bệnh nhân (trong đó: hệ thống khám chữa bệnh công lập của tỉnh là 1.731.186 lượt bệnh nhân, Hội Đông y các cấp 7.234.316 lượt bệnh nhân). Trong đó Hội Đông y tổ chức khám chữa bệnh miễn phí được 243.262 lượt bệnh nhân. Nhiều phương pháp chữa bệnh bằng YHCT ngày càng được các cơ sở y tế áp dụng và được người bệnh tin tưởng điều trị có hiệu quả trong việc khám chữa bệnh như dùng đèn chiếu, chữa bệnh bằng châm cứu, điện châm, thuỷ châm, xoa bóp, day ấn huyệt, chữa bệnh bằng ống hút giác hơi, cứu mồi ngải, dùng thuốc nam sắc uống... Nhìn chung số lượng bệnh nhân điều trị bằng y học cổ truyền ngày càng tăng, việc sử dụng các phương pháp đông y ngày càng hiệu quả hơn góp phần tích cực vào sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Công tác nghiên cứu, ứng dụng, bảo tồn và phát triển cây con thuốc cũng được chú trọng, thời gian qua nghiên cứu phát triển cây thuốc đã đạt được bước tiến mới là cơ sở cho việc chủ động nguồn cung cấp dược liệu của tỉnh và cho cả nước trong tương lai. Từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện được 24 đề tài, dự án khoa học cấp tỉnh và cấp Bộ đến lĩnh vực YHCT. Các đề tài nghiên cứu khoa học đã tạo ra những sản phẩm thực tiễn góp phần vào việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, nhiều đề tài được ứng dụng hiệu quả trong công tác điều trị cho người bệnh tại Bệnh viện YHCT, như: Đề tài “Hóa ứ thông mạch” điều trị cho bệnh nhân tai biến mạch máu não; “Tiêu đàm thang” trong điều trị rối loạn chuyển hóa Lipid; “Thăng áp thang” điều trị Cao huyết áp; “Tiêu gout thang” điều trị bệnh gout; “Khang thanh” điều trị bệnh nhân Hội chứng chuyển hoá; “Thư cân hoạt huyết thang” điều trị bệnh nhân đau vai gáy do thoái hóa cột sống cổ…
Hội Đông y tỉnh trong 10 năm đã tổ chức được 8 cuộc hội thảo và thu thập được 216 bài thuốc kinh nghiệm chữa bệnh hiệu quả từ các lương y trong tỉnh, từng bước phổ biến những bài thuốc quý nhằm bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu.
Công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực đông y đã đóng góp quan trọng vào việc kết thừa, bảo tồn, nuôi trồng, khai thác, chế biến dược liệu đến các phương pháp khám, chữa bệnh bằng đông y. Công tác xã hội hóa được tỉnh đã quan tâm khuyến khích, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh trong việc thành lập các cơ sở khám, chữa bệnh, đào tạo nhân lực, sản xuất kinh doanh thuốc đông y, phát triển các vùng dược liệu trên địa bàn được đẩy mạnh. Việc khuyến khích, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh thành lập các cơ sở khám, chữa bệnh, sản xuất kinh doanh thuốc đông y, phát triển các vùng dược liệu trên địa bàn được đẩy mạnh.
Một số hoạt động xã hội hóa, dịch vụ khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân bằng phương pháp YHCT của các cơ sở y tế công lập và các phòng khám đa khoa tư nhân được thành lập như: Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt đã đưa khoa YHCT vào hoạt động, hàng năm KCB bằng YHCT cho hàng trăm lượt bệnh nhân. Một số phòng khám đa khoa tư nhân tích cực đầu tư về nhân lực, trang thiết bị về YDCT để khám, chữa bệnh bằng phương pháp YHCT kết hợp với YHHĐ cho người dân như: Phòng khám đa khoa Nam Long, Phòng khám đa khoa Bạch Mai, Phòng khám đa khoa Phúc Thắng…. Các phòng chẩn trị YHCT cũng phát triển mạnh ở các huyện, thành phố. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 115 phòng chẩn trị YHCT, góp phần không nhỏ vào công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ở địa phương.
Công tác đào tạo và phát triển cán bộ y học cổ truyền luôn được tỉnh quan tâm, tỉnh đã có những chủ trương, chính sách ưu đãi tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị y tế trong toàn tỉnh nâng cao công tác đào tạo; trong đó có y, bác sĩ chuyên khoa về Đông y. Hội Đông y tỉnh phát huy tốt vai trò trong bồi dưỡng chuyên môn, kế thừa, bảo tồn và phát triển y dược cổ truyền Việt Nam tại địa phương, đã phối hợp với Trường trung cấp y tuệ tĩnh, Viện Châm cứu Trung ương, Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh từ 2008 đến nay đã mở được 14 lớp đào tạo cho 510 hội viên về Lý luận cơ bản về Đông y; châm cứu; điện châm giảm đau; đo kinh lạc; lương y đa khoa; xoa bóp bấm huyệt; xoa bóp tác động cột sống...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn: Hệ thống quản lý khám chữa bệnh bằng phương pháp YHCT tại tuyến huyện còn thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn về YHCT, còn kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau, do đó việc tham mưu cho phát triển YHCT còn khó khăn. Mạng lưới các cơ sở khám chữa bệnh YHCT trong tỉnh hoạt động chưa được đồng đều, nhân lực khám, chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở còn thiếu về số lượng và chất lượng. Kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư chưa đủ để phát huy hết tiềm năng khám chữa bệnh YHCT kết hợp với YHHĐ. Công tác kế thừa và phát huy truyền thống của nền YHCT chưa thật sự được trú trọng. Chất lượng khám, chữa bệnh bằng YHCT chưa cao, nhất là tuyến huyện và tuyến xã, phường, thị trấn. Tỉnh chưa có quy hoạch cụ thể vùng chuyên nuôi trồng dược liệu ...
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác đông y trên địa bàn tỉnh, thời gian tới Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, Thông báo Kết luận số 154-TB/TW của Ban Bí thư, Thông tri số 29-TTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện hơn trong nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân về vai trò của Hội đông y trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Tăng cường công tác phối hợp triển khai thực hiện Chỉ thị giữa các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức trong tỉnh một cách thường xuyên, hiệu quả. Tiếp tục rà soát, xây dựng hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ, nhằm thu hút được đội ngũ cán bộ y học cổ truyền có trình độ, năng lực, phẩm chất tốt về công tác tại tỉnh. Thường xuyên củng cố tổ chức hội, phát triển hội viên, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Đông y, các tổ chức nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y học cổ truyền hoạt động và phát triển. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ hội đông y các cấp; tăng cường kết hợp YHCT và YHHĐ trong phòng bệnh, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, nâng cao sức khỏe nhân dân theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”. Tăng cường nghiên cứu, sưu tầm các cây, con dược liệu, xây dựng kế hoạch, bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu của địa phương. Sưu tầm, thừa kế các bài thuốc gia truyền chữa bệnh có hiệu quả của các Lương y trên địa bàn tỉnh. Quy hoạch các vùng trồng cây dược liệu chủ đạo.
Phát huy những thành tích đã đạt được trong 10 năm qua, cùng với sự nhiệt tình của đội ngũ cán bộ y, bác sỹ, hội viên về YHCT, tin tưởng rằng trong thời gian tới việc phát triển nền đông y trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc sẽ đạt được những kết quả cao hơn, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới./.