Vĩnh Phúc: Hiệu quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-TW về bảo vệ môi trường

Thứ tư, 25/03/2015 14:41

(ĐCSVN) - Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị và các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về bảo vệ môi trường.

 

 Đồng chí Nguyễn Thế Trường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIII của tỉnh tặng Bằng khen cho các tập thể. (Ảnh: V.Hải)

Ngay sau khi Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” được ban hành, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU, ngày 01/6/2005 “về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường của tỉnh Vĩnh Phúc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện tới lãnh đạo chủ chốt các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc, ban cán sự đảng, đảng đoàn các ngành liên quan. Sau hội nghị cấp tỉnh, các lớp quán triệt được tiến hành tổ chức học tập cho toàn thể đảng viên, công chức, viên chức, các đoàn thể chính trị xã hội ở các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy và các chi, đảng bộ cơ sở. Việc học tập, quán triệt Nghị quyết được thực hiện theo đúng kế hoạch của Tỉnh ủy, tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham gia học tập đạt từ 85 đến 90%.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị và các chỉ thị, nghị quyết của tỉnh về bảo vệ môi trường, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả; nhận thức về công tác bảo vệ môi trường của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh từng bước được nâng lên, tạo sự chuyển biến tích cực trong hành động của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, đồng thời kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở; công tác thanh tra, kiểm tra giám sát được tăng cường; từ năm 2004 đến nay sở Tài nguyên - Môi trường đã phối hợp với các cơ quan liên quan thanh, kiểm tra đối với 925 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; giải quyết 143 vụ khiếu nại tố cáo.

Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ được trên 17.000 hầm bioga để góp phần xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi; hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến tích cực bà đi vào nề nếp, từ năm 2004 đến nay tỉnh đã phê duyệt 220 báo cáo đánh giá tác động môi trường, 28 Đề án bảo vệ môi trường chi tiết; cấp huyện đã thẩm định, xác nhận 527 bản cam kết bảo vệ môi trường chi tiết; công tác đầu tư kinh phí cho sự nghiệp môi trường đều tăng, năm sau cao hơn năm trước, năm 2006 với 5.840 triệu đồng, đến năm 2014 với 140.836 triệu đồng; hoạt động bảo tồn thiên nhiêm, bảo vệ đa dạng sinh học và khai thác tài nguyên được quan tâm chỉ đạo, nhiều dự án được nâng cấp mở rộng; nhiều chương trình dự án, đề án về bảo vệ môi trường được thực hiện nhằm đảm bảo phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường.

Công tác xã hội hóa về bảo vệ môi trường được đẩy mạnh với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, xã hội, nhiều mô hình tự quản về bảo vệ môi trường được thành lập với đông đảo người dân tham gia. Đến nay đã có 123/125 xã, thị trấn thành lập được các hợp tác xã hoặc tổ dịch vụ BVMT, hiện nay tỉnh đã phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình xử lý rác nông thôn bằng lò đốt khí tự nhiên, trong đó đầu tư 07 lò đốt rác thải từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường và 11 lò đốt rác thải từ nguồn sự nghiệp Khoa học công nghệ.

Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào đào tạo nguồn nhân lực về môi trường đã được triển khai áp dụng; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt ngày càng cao; tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch được nâng lên đáng kể. Tính đến hết năm 2013, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 80,38% (tăng 16,59% so với năm 2009), trong đó tỷ lệ được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đạt 39,75%; tỷ lệ người nghèo sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 23,82%. Hộ gia đình có nhà tiêu đạt tỷ lệ 94,58% trong đó tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 63,13% (tăng 16,01% so với năm 2009); tỷ lệ hộ nghèo có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 20,10% và tăng lên mỗi năm là 6.931 công trình; hộ gia đình có chuồng trại gia súc hợp vệ sinh đạt 54,48%. Đối với khu vực công cộng, tỷ lệ trường học có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 70,8% (tăng 35,1% so với năm 2009).

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ môi trường của tỉnh còn một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục, đó là: Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về môi trường, tài nguyên thiên nhiên của đa số người dân và nhiều doanh nghiệp chưa cao; hệ thống xử lý nước thải ở các khu đô thị, nhiều khu công nghiệp và hầu hết các cụm công nghiệp còn thiếu; tỉnh ta còn gặp khó khăn trong việc xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và xây dựng nghĩa trang; mức độ ô nhiễm môi trường ở một số nơi vẫn có xu hướng gia tăng, nhất là tại các làng nghề, khu chăn nuôi tập trung; việc huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế...

Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả hơn nữa, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác bảo vệ môi trường. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, hoàn thiện cơ chế chính sách, xây dựng nguồn lực, cơ sở vật chất về bảo vệ tài nguyên, môi trường trong tình hình hiện nay. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường nhằm từng bước khắc phục, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay. Tăng cường chất lượng thẩm định dự án đầu tư, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, công nghệ sạch vào các khu, cụm công nghiệp. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, các hoạt động phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới trong bảo vệ môi trường…

Xác định bảo vệ môi trường có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế và đời sống xã hội; phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế sự nghiệp công tác bảo vệ môi trường của tỉnh sẽ đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong những năm tới đây, phục vụ sự nghiệp CNH- HĐH và hội nhập quốc tế của tỉnh và đất nước./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực