(ĐCSVN) - Sau hơn 3 năm thực hiện Thông báo kết luận số 1060 ngày 6/02/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc về nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và chất lượng hoạt động của các Trung tâm bồi dưỡng chính trị (BDCT), Trung tâm BDCT các huyện, thành phố, thị xã đã đi vào hoạt động có nền nếp, đạt hiệu quả.
Hiệu quả bước đầu của việc nâng cao chất lượng hoạt động các Trung tâm BDCT huyện, thành phố, thị xã
Hiện nay, tỉnh có 9/9 đơn vị cấp huyện đều có Trung tâm BDCT. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ của Trung tâm có trình độ cơ bản về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, trải qua thực tiễn, có kinh nghiệm giảng dạy, chất lượng giảng dạy từng bước được nâng lên; đã dần dần đổi mới phương pháp giảng dạy, một số Trung tâm đã sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy mang lại hiệu quả cao hơn, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Trung tâm. Tuy nhiên, còn một số giảng viên, nhất là giảng viên mới vào ngành năng lực giảng dạy còn hạn chế nhiều mặt cả về kiến thức sư phạm, lý luận và thực tiễn.
Hiện tại, 7 Trung tâm đã có khuôn viên riêng, trụ sở làm việc độc lập, được đầu tư xây dựng kiên cố cao tầng, tương đối đầy đủ các phòng chức năng như phòng làm việc, phòng giảng viên, phòng họp, hội trường (phòng học), ...Các trang thiết bị như loa, đài, âm ly, máy vi tính, đèn chiếu... được trang bị đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập. Một số Trung tâm Bồi dưỡng chính trị đã xây dựng nhà ăn cho học viên và một số công trình phụ trợ khác.
Cũng theo Thông báo kết luận 1060, mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến hết năm 2010 xây dựng xong Trung tâm BDCT huyện Tam Dương và thành phố Vĩnh Yên. Theo thống kê, đến nay, Trung tâm BDCT thành phố Vĩnh Yên đã hoạt động tại trụ sở mới; Trung tâm BDCT Tam Dương được xây dựng hiện đại, dự kiến đầu năm 2013 sẽ ra trụ sở mới; Trung tâm Sông Lô do huyện mới thành lập nên đã được cấp 6.000m2 đất, dự kiến năm 2013 triển khai xây dựng.
Hơn 3 năm, tính từ tháng 6/2009 đến tháng 12/2012, các Trung tâm BDCT cấp huyện đã mở được 729 lớp với 83.412 học viên. Trong đó, chương trình Bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên: 222 lớp, 23.163 học viên; chương trình Bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ khối Đảng: 83 lớp, 10.080 học viên; chương trình Bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Chính quyền: 60 lớp, 7.892 học viên; chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ khối đoàn thể chính trị - xã hội: 219 lớp, 25.279 học viên; chương trình sơ cấp lý luận chính trị : 2 lớp, 125 học viên; chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu cấp ủy: 143 lớp, 16.873 học viên. Đánh giá chất lượng học tập: số học viên đạt loại giỏi: 45,3%; Khá 49%; Trung bình 5,7%. Qua đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên và nhân dân đã thấm nhuần quan điểm lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng một cách cơ bản, đầy đủ và có hệ thống hơn. Nhiều học viên đã nâng cao trình độ tư duy lý luận, bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao được năng lực, kỹ năng lãnh đạo, vận dụng kiến thức đã học vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.
Cụ thể là chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, áp dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Số quần chúng ưu tú học qua chương trình bồi dưỡng kết nạp Đảng, được kết nạp vào Đảng ngày càng nhiều. Đồng thời, qua học tập, học viên nắm vững hơn nghiệp vụ, kỹ năng công tác xây dựng đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội, vận dụng được những kiến thức đã học vào thực hiện nhiệm vụ chuyên môn có hiệu quả hơn.
Vẫn còn khó khăn, thách thức
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Trung tâm BDCT cấp huyện vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Một số Trung tâm chưa tích cực chủ động tham mưu, đề xuất với cấp uỷ để có những giải pháp tích cực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Trung tâm như: kinh phí, xây dựng, mua sắm trang thiết bị, kiện toàn tổ chức bộ máy.
Chất lượng đội ngũ giảng viên của các Trung tâm còn hạn chế, chưa đảm bảo tỷ lệ giảng viên trực tiếp đứng lớp; đội ngũ giảng viên kiêm chức luôn có sự biến động, ít đầu tư thời gian cho nghiên cứu tài liệu và nâng cao chất lượng bài giảng. Khả năng truyền đạt của đội ngũ giảng viên chưa đồng đều, còn hạn chế về kiến thức và phương pháp sư phạm.
Phương pháp giảng dạy của các Trung tâm còn chậm cải tiến, đổi mới, chưa gắn kết, vận dụng tốt giữa lý luận và thực tiễn, chưa phát huy được tính sáng tạo, tích cực chủ động của học viên vì vậy hiệu quả tiếp thu và vận dụng lý luận chính trị, nghiệp vụ chưa cao. Chưa đa dạng hoá hình thức giảng dạy cho phù hợp với từng đối tượng học.
Ý thức tu dưỡng và rèn luyện nâng cao trình độ lý luận chính trị, nghiệp vụ của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa cao, còn ngại đi học; tham gia học tập chưa nghiêm túc, chưa tích cực vận dụng lý luận và nghiệp vụ vào thực tiễn để nâng cao hiệu quả công tác.
Cơ sở vật chất, diện tích xây dựng các hạng mục công trình, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập, sinh hoạt đầu tư ở một số Trung tâm chưa đồng bộ, thiếu phòng học, phòng ăn, thư viện, phòng nghỉ cho giáo viên và học viên. Trang thiết bị dạy và còn học thiếu.
Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động hơn nữa
Cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp, vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể huyện đối với công tác giáo dục Lý luận chính trị. Đây là điều kiện quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm BDCT. Theo đó, cấp uỷ các cấp cần thống nhất cao về vai trò, nhiệm vụ, tầm quan trọng của Trung tâm BDCT trong tình hình mới; từ đó, tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ để nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm BDCT, mà trọng tâm là hiệu quả việc học tập lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp làm việc của đội ngũ cán bộ cơ sở, đặc biệt là công chức xã, phường, thị trấn; thống nhất việc rèn luyện, học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ của học viên tại Trung tâm với việc sử dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ ở địa phương, đơn vị.
Cấp uỷ, chính quyền các huyện, thành, thị chỉ đạo rà soát lại các nhu cầu cần thiết, ưu tiên đầu tư, bảo đảm đồng bộ về cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, bố trí đủ biên chế giảng viên và kinh phí hoạt động nhằm phục vụ tốt việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các Trung tâm BDCT
Bên cạnh đó, cần xây dựng tinh thần đoàn kết vượt khó, sự năng động sáng tạo của tập thể cán bộ giảng viên của Trung tâm là nhân tố quyết định nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm BDCT; cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự phối hợp của cấp ủy cơ sở thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về bồi dưỡng Lý luận chính trị.
Cần thường xuyên tìm tòi, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng ở các Trung tâm BDCT, phù hợp với đối tượng và yêu cầu thực tiễn địa phương. Các Trung tâm BDCT cần bổ sung thường xuyên, kịp thời những nội dung, quan điểm mới trong các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, các chính sách, pháp luật mới ban hành của Đảng, Nhà nước; đồng thời, liên hệ thực tiễn ở cơ sở, xây dựng giáo án giảng dạy cho phù hợp. Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức dự giờ, trao đổi phương pháp giảng dạy, tổ chức kiểm tra, đánh giá xếp loại chất lượng giảng dạy của giảng viên; tham mưu tuyển sinh đúng đối tượng, sau mỗi khoá học cần có nhận xét quá trình học tập của học viên; đồng thời, theo dõi hiệu quả công tác của học viên sau đào tạo, bồi dưỡng. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị giai đoạn 2012- 2015 cho giảng viên Trung tâm đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn.
Đáng chú ý, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ cần phối hợp với Trường Chính trị tỉnh hàng năm tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ sư phạm, tổ chức nghiên cứu thực tế, nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên Trung tâm nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn hiện nay.