Vĩnh Phúc: Hiệu quả từ công tác củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở

Thứ hai, 15/10/2012 14:12

(ĐCSVN) - Những năm qua, Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) ở cơ sở, góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ CBCC ở các xã, phường, thị trấn, thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa IX), đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đã có sự thay đổi tích cực, giảm về số lượng nhưng tăng về chất lượng. Tính đến tháng 6/2012, toàn tỉnh có 2.544 cán bộ, công chức cấp xã (giảm 466 người so với năm 2002), trong đó, 100% cán bộ, công chức đạt chuẩn về trình độ văn hoá; 95,7% cán bộ, công chức đạt chuẩn về chuyên môn…

Vai trò lãnh đạo của Đảng ở cơ sở được được tăng cường; hiệu quả công tác điều hành, quản lý của chính quyền cơ sở được nâng cao; hoạt động của MTTQ và các đoàn thể có nhiều đổi mới, phát huy được quyền làm chủ của nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, kiện toàn, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Tỉnh cũng khuyến khích các địa phương chủ động huy động nguồn lực, hỗ trợ từ ngân sách để mở các lớp đào tạo trình độ đại học, chuyên môn phù hợp với yêu cầu của mỗi địa phương. Tỉnh cũng chú trọng đổi mới phương thức đào tạo cán bộ cơ sở theo hướng kết hợp giữa đào tạo lý luận chính trị với kiến thức quản lý nhà nước, bồi dưỡng nghiệp vụ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và kiến thức quốc phòng-an ninh, nghiệp vụ công tác vận động quần chúng... Hàng năm, các cơ sở còn thực hiện tốt công tác tạo nguồn, rà soát, bổ sung quy hoạch, đề xuất, bố trí, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý với nhiều hình thức công khai, dân chủ từ trong chi bộ đảng đến đoàn thể chính trị-xã hội. Nhờ đó, đã lựa chọn được những cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức, có triển vọng phát triển đưa vào diện quy hoạch và luân chuyển.

Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách về ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin cho CBCC cơ sở nhằm tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành nền hành chính nhà nước tại các địa phương. Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương sắp xếp, bố trí, đào tạo đủ số lượng, chất lượng đội ngũ CBCC cơ sở quản lý và chuyên trách về công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước để kịp thời cập nhật và cung cấp thông tin phục vụ cho việc quản lý, điều hành của các cấp chính quyền thông qua hệ thống thông tin điện tử… Bộ máy cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, các xã, phường, thị trấn có sự chuyển biến tích cực; công tác lãnh đạo của đảng uỷ, chỉ đạo điều hành của chính quyền, sự phối hợp của MTTQ và các tổ chức đoàn thể, các thôn, khu dân cư trong triển khai nhiệm vụ chính trị ở cơ sở đạt nhiều kết quả.

Tuy nhiên, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khoá IX), việc xây dựng đội ngũ CBCC ở vài cơ sở trong tỉnh vẫn còn một số tồn tại. Cụ thể: Hiểu biết pháp luật, năng lực quản lý, điều hành của CBCC còn hạn chế; tỉ lệ cán bộ chuyên trách chưa qua đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ chưa cao; công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đội ngũ CBCC ở một số nơi còn hạn chế; một số cán bộ vẫn còn sai phạm trong quản lý và điều hành nền kinh tế chế độ, chính sách đối với cán bộ không chuyên trách và CBCC còn bất cập; chế độ đãi ngộ và chính sách thu hút cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học về công tác tại các xã chưa hấp dẫn, một số cấp uỷ chưa thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, việc điều hành của chính quyền một số nơi chưa hiệu quả; hoạt động của MTTQ, các đoàn thể một số nơi còn hình thức, chưa đi vào chiều sâu; việc đào tạo, bố trí, luân chuyển cán bộ ở một số địa phương chưa tốt; chế độ, chính sách đối với cán bộ cơ sở chưa tương xứng…

Để khắc phục những tồn tại trên, tỉnh tiếp tục chú trọng công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ chuyên trách công chức xã, phường, thị trấn giai đoạn từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo; xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị ở cơ sở; rà soát đội ngũ CBCC cấp xã để thực hiện đào tạo theo tiêu chuẩn chức danh nhằm xây dựng nguồn cán bộ tại chỗ đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết T.Ư 4 (khoá XI) về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực