|
Đô thị Vĩnh Phúc đã phát triển nhiều trong những năm trở lại đây (Ảnh: K.L) |
Trở thành tỉnh công nghiệp phát triển vào năm 2025
Tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân tăng 8,5-9,0%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130-135 triệu đồng. Đồng thời, thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 6- 8%/năm. Theo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, đến năm 2025 Vĩnh Phúc phấn đấu là tỉnh công nghiệp đồng thời là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân tăng 8,5-9,0%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130-135 triệu đồng. Đồng thời, thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 6- 8%/năm.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Vĩnh Phúc đang chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang kết hợp giữa chiều rộng với chiều sâu, trọng tâm là tăng năng suất lao động, hàm lượng khoa học và công nghệ cao; nâng cao năng lực quản trị; thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Đẩy nhanh ứng dụng thành quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất, kinh doanh và quản lý xã hội.
Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt phát triển dịch vụ chất lượng cao. Khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ cùng với duy trì phát triển các ngành sản xuất và lắp ráp phụ tùng ôtô, xe máy; linh kiện điện tử; các sản phẩm điện tử hoàn chỉnh... Đây được xác định là công nghiệp mũi nhọn của tỉnh.
Trên lĩnh vực dịch vụ thương mại, Vĩnh Phúc định hướng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại cùng với hệ thống chợ truyền thống. Trong đó, khuyến khích, xây dựng cơ chế hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ trong các hoạt động tài chính, tín dụng và các dịch vụ thanh toán, thương mại.
Đáng chú ý, địa phương xác định phát triển du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Về vấn đề này, địa phương sẽ chú trọng triển khai làm tốt quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết phát triển du lịch; xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch gắn các giá trị văn hóa, lịch sử, bản sắc dân tộc.
Đặc biệt, để thúc đẩy phát triển kinh tế, Vĩnh Phúc thực hiện phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp” tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, tiếp cận đất đai; giải quyết kịp thời các vướng mắc, kiến nghị hợp lý của các nhà đầu tư. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ để hộ gia đình, cá thể kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Khuyến khích hình thành các doanh nghiệp lớn để làm đầu tàu dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân.
Trên lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, với việc không ngừng tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, do vậy, Vĩnh Phúc đạt mức tăng trưởng bình quân 1,8%/năm. Cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi chuyển dịch tích cực; dồn thửa đổi ruộng đang được triển khai ra diện rộng.
Từ đây, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất áp dụng quy trình VietGAP đạt hiệu quả cao. Đồng thời, năng suất, hiệu quả sản xuất của hầu hết các loại cây trồng đều tăng. Trong đó, giá trị sản xuất đạt trên 145 triệu đồng/ha, giá trị thu nhập đạt trên 65 triệu đồng/ha đất canh tác.
Hướng đến phát triển bền vững
Bên cạnh mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển vào năm 2025, Vĩnh Phúc đang hướng đến nhiều tiêu chí bền vững. Trong đó, xây dựng nền văn hóa bền vững là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Tại hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Còn Đảng ta, trong các Nghị quyết chuyên đề về văn hóa đều nhấn mạnh: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa cần phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
Như thế, chúng ta thấy rằng, phát triển văn hóa chính là xây dựng con người, và đồng thời là mục tiêu chính của sự phát triển đất nước. Vì thế, mọi sự phát triển kinh tế - xã hội cần xoay xung quanh việc phát triển văn hóa, tạo điều kiện cho sự phát triển văn hóa. Còn văn hóa trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại cuộc Hội thảo về văn hóa, con người Vĩnh Phúc mới đây, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan cũng nhấn mạnh: Hòa cùng dòng chảy văn hóa của dân tộc, Vĩnh Phúc đã tạo dựng nên diện mạo một vùng đất vừa mang hồn cốt chung của dân tộc Việt Nam, vừa mang cốt cách riêng của một miền quê văn hiến.
Con người nơi đây hội tụ, giao thoa trong sự thống nhất đa dạng của nền văn minh sông Hồng, có tình yêu quê hương, đất nước nồng nàn, kiên cường, dũng cảm chống giặc ngoại xâm, khắc phục, chế ngự thiên nhiên; có truyền thống hiếu học, khoa bảng với nhiều danh nhân kiệt xuất. Suốt chiều dài lịch sử, các thế hệ người dân Vĩnh Phúc luôn đồng lòng, chung sức vượt qua khó khăn, gian khổ, đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình, khát vọng, sáng tạo, đổi mới cùng dựng xây quê hương, đất nước.
Theo đó, để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gắn với phát triển bền vững, một trong những yếu tố quan trọng là phải tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và làm rõ nét giá trị văn hóa của vùng đất, con người Vĩnh Phúc; về vai trò, vị trí, những đóng góp của Vĩnh Phúc trong tiến trình phát triển của dân tộc; qua đó xác định nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc, đó là một trong những mục tiêu quan trọng của sự nghiệp phát triển bền vững, tạo tiền đề để xây dựng và phát triển tỉnh Vĩnh Phúc giàu có, phồn vinh như lời căn dặn của Bác Hồ khi về thăm tỉnh năm xưa.
Xuất phát điểm là một tỉnh nghèo sau khi tái lập, Vĩnh Phúc thấm nhuần hơn bao giờ hết những gì cần và đủ để có thể xây dựng được một nền văn hóa thực sự bền vững và thấm đẫm bản sắc địa phương. Đó là bằng mọi giá phải đưa nền kinh tế vượt lên phát triển vững chắc, từ đó tạo điều kiện tối đa để đầu tư ngược lại cho xây dựng và phát triển các thiết chế văn hóa.
Với phương châm “Không thể có tỉnh phát triển nếu văn hóa chưa phát triển, không thể là tỉnh đáng sống nếu thiếu cư dân văn minh, văn hóa”, Vĩnh Phúc lấy việc phát triển kinh tế xã hội gắn liền với xây dựng một nền văn hóa bền vững làm kim chỉ nam xuyên suốt quá trình phấn đấu của tỉnh trong những năm qua.
Để văn hóa thực sự trở thành động lực, mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, tỉnh chủ trương tăng cường nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò di sản văn hóa; bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa và đưa nó trở thành một trong những nhiệm vụ chiến lược, thường xuyên của tỉnh như tầm quan trọng của các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trở thành ý thức của cả hệ thống chính trị.
Tỉnh cũng đẩy mạnh phát huy vai trò của cộng đồng, của tổ chức và cá nhân trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các di sản văn hóa tới bạn bè trong nước và quốc tế; gắn chặt di sản văn hóa với phát triển du lịch, xây dựng Vĩnh Phúc thành một điểm đến văn hóa hấp dẫn.