Vĩnh Phúc: Kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19

Thứ hai, 29/06/2020 17:07
(ĐCSVN) - Công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 Vĩnh Phúc cùng cả nước tạo nên một kỳ tích trong chống dịch khiến cộng đồng thế giới ngưỡng mộ “là minh chứng rõ ràng nhất cho những nỗ lực tuyệt vời trong cuộc chiến đầy cam go đẩy lùi dịch COVID-19”, đã để lại nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là với công tác tuyên truyền.

Từ sau tết Nguyên đán Canh Tý, nhân dân cả nước rất lo lắng về dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng COVID-19 gây ra, trong đó Vĩnh Phúc là tỉnh thu hút sự quan tâm của cả nước. Với sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh Vĩnh Phúc, đặc biệt là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 Vĩnh Phúc cùng cả nước tạo nên một kỳ tích trong chống dịch khiến cộng đồng thế giới ngưỡng mộ “là minh chứng rõ ràng nhất cho những nỗ lực tuyệt vời trong cuộc chiến đầy cam go đẩy lùi dịch COVID-19”, đã để lại nhiều kinh nghiêm trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong công tác tuyên truyền.

 Hình ảnh họp báo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về phòng, chống dịch (Ảnh: PV)

Công tác tuyên truyền đi trước một bước, thường xuyên và liên tục

Công tác tuyên truyền phải đi trước một bước, thường xuyên, liên tục không chủ quan trong quá trình phòng chống dịch. Thường xuyên cập nhật diễn biến mới nhất về tình hình dịch bệnh. Tuyên truyền sự quyết liệt, kịp thời với nhiều biện pháp mạnh, quyết đoán của người đứng đầu cấp ủy, các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sát sao lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng, chống dịch.

Ngay từ những ngày đầu của dịch bệnh, Vĩnh Phúc là tỉnh phát hiện những ca dương tính liên tiếp từ ngày 30/01/2020 khi có 5/7 công dân của Vĩnh Phúc đi tập huấn tại tâm dịch thành phố Vũ Hán, Trung Quốc mắc bệnh và gây lây nhiễm thứ phát tại huyện Bình Xuyên, trên địa bàn tỉnh sau đó có 11 trường hợp dương tính với nCoV và 01 Bệnh nhân lây từ ổ dịch Bạch Mai (BN 239), nâng tổng số dương tính với COVID-19 trên địa bàn tỉnh là 12 trường hợp. Đến nay, tổng số là 12/12 trường hợp của tỉnh đã điều trị khỏi, ra viện, sức khỏe hiện tại ổn định. Từ ngày 04/4/2020 đến nay, trên địa bàn Vĩnh Phúc không xuất hiện thêm trường hợp nhiễm COVID-19, đây là thắng lợi bước đầu quan trọng cần rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục phát huy trong thời gian tới.

Công tác tuyên truyền phải thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Đảng trong công tác phòng chống dịch. Thống nhất quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân được đặt lên hàng đầu, có thể chấp nhận thua thiệt về kinh tế để đảm bảo tính mạng, an toàn, cuộc sống bình yên của người dân. Sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Công văn số 79-CV/TW, ngày 29/01/2020 về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút corona gây ra (COVID-19); ngày 31/1/2020 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc ban hành Công văn số 3162-CV/TU “về phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona (nCoV) gây ra” và nhiều văn bản khác để lãnh đạo, chỉ đạo UBND, các sở, ban, ngành đoàn thể, các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc cũng như các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện và làm tốt công tác kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên địa bàn tỉnh; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, cấp bách phải tập trung chỉ đạo, lãnh đạo không để dịch lây lan, đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội, trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân.

Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế, tỉnh Vĩnh Phúc đã đồng bộ triển khai nhiều biện pháp nhằm ứng phó có hiệu quả với tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo cấp tỉnh; thành lập và vận hành Trung tâm điều trị dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại huyện Bình Xuyên (trên cơ sở Phòng khám đa khoa Quang Hà) với quy mô 100 giường bệnh để cách ly theo dõi, điều trị các trường hợp mắc bệnh và nghi ngờ mắc; thành lập cơ sở cách ly tập trung của tỉnh tại Trường quân sự tỉnh cũ với sức chứa khoảng 500 người để thực hiện cách ly tập trung cho các trường hợp tiếp xúc gần với người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh; thành lập Bệnh viện dã chiến phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do nCoV với quy mô 300 giường bệnh. Thực hiện phun khử trùng tiêu độc tại tất cả các trường học, bệnh viện, khu vực công cộng, khu dân cư, đặc biệt nơi có người bị nhiễm COVID-19; khoanh vùng có dịch và có các biện pháp kiểm soát hạn chế mức thấp nhất sự lây lan bên trong và ra bên ngoài vùng dịch (khoanh vùng, kiểm soát cách ly xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên từ ngày 13/02 đến ngày 03/3/2020). Tỉnh đã cử 161 y, bác sĩ được tăng cường về tuyến cơ sở để phòng, chồng dịch COVID-19. Phối hợp với Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, các chuyên gia của Bệnh viện này để thực hiện xây dựng bản đồ dịch tễ bằng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, giám sát có hiệu quả các trường hợp dương tính, nghi ngờ, tiếp xúc gần.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, qua theo dõi tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và trong nước, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản trong lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương trong tỉnh tuyên truyền, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tăng cường theo dõi, nắm bắt diễn biến của dịch bệnh; tiếp tục chỉ đạo, định hướng các cơ quan truyền thông, báo chí, phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn thực hiện tốt công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Tuyên truyền, thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác, minh bạch tới người dân về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, xử lý nghiêm những người đưa tin sai sự thật, ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch bệnh. Nội dung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm với phương châm kịp thời, đầy đủ, chính xác. Hình thức tuyên truyền được triển khai đa dạng, phong phú, hiệu quả thông qua các cơ quan báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng; các trang thông tin của Ban chỉ đạo tỉnh; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và cộng tác viên dư luận xã hội... hàng tuần Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã biên soạn và phát hành tài liệu tuyên truyền gửi cơ sở tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh cơ sở phát sóng ít nhất 2 lần/ngày. Ngày 10/02/2020, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban báo chí, mời lãnh đạo Sở Y tế đến thông tin cho các cơ quan báo chí về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; tổ chức hội nghị đánh giá công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh và triển khai nhiệm vụ tuyên truyền thời gian tới. Qua đó, đã tạo được sự đồng thuận của xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào các chủ trương, giải pháp phòng, chống dịch bệnh của Đảng, Chính phủ, của tỉnh và các cơ quan chức năng, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong phòng, chống dịch bệnh, đồng thời góp phần ổn định tình hình tư tưởng nhân dân, không hoang mang trước dịch bệnh.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Y tế và chính quyền địa phương, khai báo y tế tự nguyện, thông báo kịp thời với cơ sơ y tế về tình hình sức khoẻ nếu có yếu tố, biểu hiện nghi nhiễm bệnh COVID-19. Phối hợp tổ chức vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, trách nhiệm xã hội, cùng tham gia phòng, chống dịch, ủng hộ các lực lượng chức năng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đến ngày 13/5/2020, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các cá nhân... Đã thông qua Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Vĩnh Phúc ủng hộ với tổng số tiền trên 22 tỷ đồng. Trong đó có hơn 11,2 tỷ tiền mặt, và số hàng hóa, vật tư quy ra tiền khoảng 10,7 tỷ đồng. Những việc làm trên đã góp thêm sức mạnh về tinh thần, vật chất, tình đoàn kết và động lực để Vĩnh Phúc chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Việc thông tin kịp thời, nhanh chóng, chính thống qua các kênh, phương tiện tuyên truyền từ tỉnh để cơ sở đã góp phần hạn chế mức thấp nhất tình trạng thiếu thông tin, nhiễu loạn thông tin, hạn chế sự lan truyền các thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong dư luận; các tầng lớp nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tin tưởng vào các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Đảng, Chính phủ và cấp ủy, chính quyền địa phương.

Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực, công tác thông tin tuyên truyền đã góp phần nâng cao hiệu quả trong kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Với phương châm 4 tại chỗ: Dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ; tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức khu vực cách ly, buồng khám cách ly đối với các trường hợp nghi ngờ tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh (tổng số 608 giường bệnh tại các khu cách ly), đặc biệt chú trọng khám, điều trị tại tuyến cơ sở (Trung tâm Y tế các huyện, thành phố), chỉ chuyển tuyến tỉnh hoặc tuyến Trung ương khi quá khả năng của đơn vị. Tỉnh đã thành lập 30 Đội cơ động phản ứng nhanh (12 Đội tuyến tỉnh, 18 đội tuyến huyện) về khám, chữa bệnh sẵn sàng thực hiện khẩn cấp khi có nhiều trường hợp mắc bệnh phải cách ly điều trị tại các cơ sở y tế; thành lập 21 Đội đáp ứng nhanh (3 Đội tuyến tỉnh, 18 đội tuyến huyện) về công tác y tế dự phòng để sẵn sàng tăng cường công tác giám sát, phát hiện, điều tra dịch tễ một cách nhanh nhất các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, xử lý kịp thời.

Với tinh thần chủ động, triển khai các biện pháp quyết liệt, hơn nữa là sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự giúp đỡ của Ban Chỉ đạo quốc gia, các bệnh viện tuyến Trung ương, sự chung tay vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền nên mặc dù giai đoạn đầu số người mắc của Vĩnh Phúc nhiều nhất cả nước (có 11/16 người trong cả nước) nhưng Ngành Y tế Vĩnh Phúc đã có những bước đầu thành công, tính đến ngày 25/02/2020 ngành Y tế đã điều trị khỏi và cho ra viện 5 trong số 11 trường hợp mắc bệnh.

Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp trọng tâm để nâng cao hiệu quả tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19

Để giữ vững và nâng cao hiệu quả tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh và cả nước khống chế hoàn toàn dịch bệnh, Vĩnh Phúc xác định tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp tuyên truyền, trong đó tập trung vào một số nội dung trọng tâm đó là:

Thứ nhất, nắm chắc tình hình dịch bệnh và sự chỉ đạo của Trung ương để chủ động, kịp thời tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, trong đó yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp trong tỉnh tập trung tuyên truyền sự chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, BCĐ quốc gia và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời tuyên truyền, thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đảm bảo duy trì phát triển KT-XH, chăm lo cho người dân, chủ động chuẩn bị các phương án phục hồi kinh tế, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; rà soát, kê khai, chi trả đúng những đối tượng được hưởng gói an sinh xã hội của Thủ tướng Chính phủ; tuyên truyền Kết luận số 77-KL/TW, ngày 5/6/2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước.

Thứ hai, tiếp tục tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh theo nguyên tắc: Ngăn chặn, hạn chế tối đa các nguồn lây nhiễm, nhất là từ nước ngoài; phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh; điều tra dịch tễ, phân loại, sàng lọc, cách ly chặt chẽ; khoanh vùng, dập dịch; điều trị kịp thời, hiệu quả.

Thứ ba, tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng, thực hiện theo quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Y tế và chính quyền địa phương; thực hiện khai báo y tế tự nguyện, thông báo kịp thời với cơ sở y tế về tình hình sức khỏe nếu có yếu tố, biểu hiện nghi nhiễm COVID-19.

Thứ tư, chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh đa dạng hóa hơn nữa các hình thức tuyên truyền; chú trọng qua hình thức báo chí, cổ động trực quan, xe thông tin lưu động, loa truyền thanh cơ sở... Thông tin kịp thời, minh bạch tới người dân về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước và trên thế giới; phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp đưa thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh.

Cùng với sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong tỉnh, công tác truyền thông đã và đang góp phần tích cực trong việc kiểm soát tình hình dịch bệnh COVID-19. Đây là yếu tố quan trọng để ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm duy trì sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, tuyên truyền tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần cùng cả nước từng bước đẩy lùi và khống chế hoàn toàn dịch bệnh./.

 

Nguyễn Thị Duyên, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực