(ĐCSVN) – Trải qua quá trình phát triển 15 năm (từ 1997 đến nay), tỉnh đã xác định được hướng đi đúng đắn, với bước đi thích hợp và trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ luôn giữ vững quan điểm phát triển toàn diện đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhanh và bền vững, ngày càng khẳng định cũng như nâng cao uy tín, vị thế của tỉnh trên phạm vi cả nước.
Những năm đầu tái lập tỉnh (1997-2000), Vĩnh Phúc là một tỉnh nghèo, kinh tế thuần nông, xuất phát điểm nền kinh tế thấp, công nghiệp nhỏ bé, lạc hậu; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém, đội ngũ cán bộ vừa thiếu vừa chưa đồng bộ; tổ chức bộ máy chủ chốt của tỉnh chưa ổn định, việc hoạch định, cơ chế chính sách chưa quan tâm nhiều.
|
Ngày càng nhiều khu đô thị hiện đại được xây dựng ở tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh:bdsdongnama.com) |
Từ năm 2001-2005, tổ chức bộ máy chủ chốt được kiện toàn; Tỉnh uỷ chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư để phát triển; HĐND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết kịp thời cụ thể hoá chủ trương của cấp uỷ Đảng, đúng pháp luật và sát với thực tế đã khuyến khích các nhà doanh nghiệp, nhân dân đầu tư phát triển sản xuất; UBND tỉnh năng động, linh hoạt trong điều kiện thuận lợi để thu hút mọi nguồn lực phát triển kinh tế -xã hội, nhất là phát triển ngành công nghiệp. Trên cơ sở tập trung phát triển công nghiệp, sau 8 năm tái lập tỉnh đã tạo ra sự tăng trưởng kinh tế cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, tăng nhanh thu ngân sách. Năm 2005-2006 Tỉnh ủy ra Nghị quyết 03 về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân và nâng cao đời sống nhân dân; Nghị quyết số 06 về phát triển nguồn nhân lực phục vụ CNH-HĐH đến năm 2015, định hướng đến năm 2020… HĐND tỉnh kịp thời cụ thể hoá thành các nghị quyết chuyên đề, phù hợp với pháp luật, sát thực tế tạo cơ sở để các cấp, các ngành tổ chức triển khai phát triển kinh tế - xã hội.
Toàn bộ hệ thống chính trị từ cấp tỉnh xuống cấp cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương trên, đặc biệt nhận được sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, do đó, đến nay, Vĩnh Phúc đã đạt được thành tựu rất quan trọng, vị thế của tỉnh được nâng cao.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, HĐND tỉnh khoá XIV kỳ họp tổng kết đã nhất trí cao đánh giá kinh tế - xã hội đạt được những thành tựu to lớn toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt trên 17%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực và mạnh mẽ theo hướng CNH-HĐH trong đó giá trị sản xuất công nghiệp, thu ngân sách, thu nội địa hàng năm đều rất cao và vượt kế hoạch, xếp trong tốp 7 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới, văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ vượt bậc. Công tác đối ngoại được mở rộng và nâng cao. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên. An ninh chính trị giữ vững, quốc phòng được củng cố vững chắc, trật tự an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo. Vị thế và uy tín của tỉnh được khẳng định và nâng cao.
Bước sang giai đoạn mới, trong nhiệm kỳ 2011-2016, với thắng lợi của kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh khóa XV 2011-2016 vừa qua, với việc kiện toàn bộ máy lãnh đạo, tổ chức chính quyền của tỉnh nhiệm kỳ mới, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, hăng hái thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, góp phần hoàn thành xuất sắc kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, cùng đồng bào và chiến sỹ cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã đề ra.