Nhiệm kỳ 2015-2020, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành 03 nghị quyết chuyên đề; 23 chỉ thị, hàng trăm kết luận, thông báo kết luận và nhiều văn bản nhằm lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là phát triển kinh tế gắn với phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân.
Vượt qua nhiều khó khăn, kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá
|
Khánh thành trường chuyên Vĩnh Phúc 18-8-2020 (Ảnh TL - Báo Vĩnh Phúc) |
Tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 7,1%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 là 0,74%. Quy mô nền kinh tế năm 2020 ước đạt trên 122,68 nghìn tỷ đồng, gấp 1,56 lần so với năm 2015. Tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 104,68 triệu đồng/người, tăng 32,5 triệu đồng so với năm 2015. Năm 2019, quy mô GRDP của tỉnh đứng thứ 6 và giá trị GRDP bình quân đầu người đứng thứ 5 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Cơ cấu kinh tế năm 2020 là công nghiệp xây dựng 61,59%; dịch vụ 30,26%; nông, lâm nghiệp thủy sản 8,15% (so với năm 2015, công nghiệp và dịch vụ tăng 2,39%; lâm nghiệp thủy sản giảm 2,39%).
Thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 5,6%/năm . Năm 2019 thu ngân sách của tỉnh đạt hơn 33.000 tỷ đồng, đứng thứ 8 cả nước và thứ 4 Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Thu nội địa trong tốp đầu cả nước và thứ hạng cao của Miền Bắc. Năm 2019, trong số các tỉnh miền Bắc, Vĩnh Phúc điều tiết ngân sách về Trung ương 47%, chỉ đứng sau thành phố Hà Nội. Chi ngân sách đáp ứng mọi nhiệm vụ của tỉnh.
Tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng ước đạt 10,61%/năm; ngành dịch vụ ước đạt 6,21%/năm; nông, lâm nghiệp, thủy sản 1,8%/năm.
Kinh tế ngoài khu vực nhà nước tăng bình quân 9,27%/năm, khu vực kinh tế nhà nước tăng 5,69%/năm. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế.
Trong 5 năm, thu hút 2,86 tỷ USD vốn đầu tư từ các dự án FDI và 56,27 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư từ các dự án DDI. Thu hút được 5 dự án ODA đạt 258 triệu USD, đầu tư vào kết cấu hạ tầng, xử lý và quản lý nguồn nước trên địa bàn. Khi mới tái lập tỉnh (năm 1997), tỉnh chỉ có 8 dự án FDI , nay đã có 384 dự án FDI đến từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ, 755 dự án DDI. Năm 2019, Vĩnh Phúc đứng thứ 19/63 tỉnh, thành phố; đứng thứ 6 trong các tỉnh Đồng bằng sông Hồng về thu hút đầu tư nước ngoài. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 10.500 doanh nghiệp.
Công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính được chú trọng. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Vĩnh Phúc trong nhóm ở mức khá . Chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp (SIPAS) năm 2019 đạt 83,37%, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố.
Nhiều dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, công nghiệp, du lịch, văn hoá, nông nghiệp, nông thôn mới được xây dựng và hoàn thành. Quy hoạch và phát triển đô thị luôn được quan tâm đầu tư. Đô thị Vĩnh Yên và Phúc Yên được quan tâm chỉnh trang, nâng cấp. Hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn tiếp tục được đầu tư, cải tạo nâng cấp. Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đi đầu về tiến độ, hiệu quả, chất lượng xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh huy động được gần 13.000 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4/9 huyện, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới . Công tác quản lý đất đai có chuyển biến tích cực, quản lý khoáng sản được tăng cường.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện
|
Dây chuyển lắp ráp xe ô tô của Công ty Honda Việt Nam tại Vĩnh Phúc
(Ảnh TL - Báo Vĩnh Phúc) |
Các chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Việc chăm lo đời sống cho Nhân dân được coi trọng. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 1%, không còn hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách, người có công.
Hướng đến là trung tâm giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và chất lượng cao của cả nước, giáo dục & đào tạo của Vĩnh Phúc tiếp tục phát triển, chất lượng ổn định. 100% số trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Trường chuyên Vĩnh Phúc - 1 trong 15 trường THPT chuyên trọng điểm của cả nước, trường chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế đã khánh thành. Số lượng và chất lượng học sinh giỏi quốc gia được giữ vững. Nhiều học sinh đạt giải trong các kỳ quốc gia, thi Olympic khu vực và quốc tế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 ước đạt 76%, cao hơn 10% so với năm 2015.
Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được quan tâm thường xuyên. Có 137/137 trạm y tế xã đạt chuẩn. Nhiều thiết bị y tế hiện đại được trang bị. Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên. Y tế cộng đồng, y tế dự phòng, vệ sinh an toàn thực phẩm thực hiện tốt. Công tác phòng chống, dịch bệnh, giám sát dịch bệnh, nhất là công tác phòng chống dịch COVID-19 được thực hiện tốt. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng chỉ còn 8%. Toàn tỉnh có 13,7 bác sỹ/vạn dân .
Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên, các hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông được triển khai có hiệu quả. 92% thôn, làng đạt văn hóa, tỷ lệ gia đình văn hóa ước đạt 92% (năm 2020).
Công nghệ thông tin được đặc biệt quan tâm, hạ tầng công nghệ và truyền thông phát triển mạnh mẽ. Chính quyền điện tử từng bước được triển khai. Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ được quan tâm. Công tác bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu được chú trọng. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị ước đạt 95%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn ước đạt 75%; 100% chất thải nguy hại và chất thải y tế được xử lý.
Công tác quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường; trật tự an toàn xã hội bảo đảm; giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; hoạt động đối ngoại tiếp tục được mở rộng và đi vào thực chất. Nhiệm kỳ qua, tỉnh đã chi hơn 65 tỷ đồng giải quyết các chế độ chính sách cho gần 30.000 lượt đối tượng theo các quyết định 142, 62, 49 của Thủ tướng Chính phủ. Có 17 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh được công nhận là An toàn khu .
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, phát triển kinh tế - xã hội của Vĩnh Phúc vẫn còn những hạn chế nhất định. Tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chậm lại; chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; thu hút các nguồn lực và quản lý, sử dụng các nguồn lực chưa thật sự hiệu quả; chất lượng quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản chưa đáp ứng yêu cầu; nguồn nhân lực thiếu cả về số lượng và chất lượng,…Những hạn chế khó khăn đó đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh cần sớm tìm ra giải pháp hữu hiệu để khắc phục.
Nhiệm kỳ 2015-2020 khép lại với những kết quả đáng tự hào, tạo thế và lực để Vĩnh Phúc tiếp tục vững bước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong nhiệm kỳ 2020-2025. Toàn Đảng, toàn dân Vĩnh Phúc tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của tỉnh trong hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành, nỗ lực quyết tâm thực hiện bằng được lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Vĩnh Phúc ngày 02/3/1963 “Phải làm cho Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”./.
Lê Thị Điều
Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc