|
Ảnh minh họa: HNV |
(ĐCSVN) – Năm học 2011-2012, ngành Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Vĩnh Phúc đã phát huy kết quả những năm học trước, tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ; đổi mới công tác quản lý, phát huy năng lực sáng tạo của thầy và trò gắn yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn cho học sinh.
Nhờ đó, ngành GD-ĐT tỉnh đã tiếp tục ghi thêm nhiều kết quả và thành tích mới, đưa các chỉ số chất lượng lên các mức cao hơn ở các ngành học, bậc học từ GDMN, tiểu học đến THCS, THPT và ĐH. Năm học 2011-2012, riêng GD phổ thông Vĩnh Phúc đã có 5.902 học sinh đoạt giải cấp tỉnh, 265 học sinh đoạt giải nhất; 102 lượt học sinh đạt giải quốc gia và 02 giải quốc tế (01 huy chương bạc môn vật lý Châu Á- Thái Bình Dương, 01 huy chương đồng Olympic Sinh học Quốc tế) là những con số rất đáng tự hào.
Đáng phấn khởi hơn nữa là trong mặt bằng chất lượng giáo dục phổ thông, điểm bình quân của học sinh Vĩnh Phúc thi đỗ vào các trường Cao đẳng, Đại học (CĐ, ĐH) đang ổn định và ở thứ hạng cao trong cả nước. Tỷ lệ thi đỗ vào ĐH, CĐ hàng năm được tăng dần: Năm 2008 là 40,12%; năm 2009 là 58,05%; năm 2010 là 57,35% và năm 2011 là 63,43% ứng với 8.327 học sinh vào các trường CĐ và ĐH.
Và tính tổng trong 4 năm từ 2008 đến 2011, Vĩnh Phúc có 27.204 học sinh đã vào học các trường Cao đẳng, Đại học. Tổng số học sinh đỗ ĐH năm 2012 theo thống kê chưa đầy đủ là hơn 3500 học sinh; năm 2011 điểm bình quân thi ĐH của học sinh Vĩnh Phúc đạt 12,44 xếp thứ 2 trong toàn quốc thì năm 2012 đã vượt lên là 13,04 và xếp thứ nhất trong toàn quốc.
Thêm vào đó, một điều rất có ý nghĩa nữa là tuy tỷ lệ học sinh Vĩnh Phúc ở vùng nông thôn, vùng còn khó khăn lớn hơn nhiều so với nhiều tỉnh như Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, TP Hồ Chí Minh… nhưng lại có điểm bình quân thi ĐH rất cao, nhiều học sinh nông thôn thi đỗ vào ĐH, CĐ. So sánh ngay trong tỉnh thì cũng rất nhiều học sinh ở các trường khu vực nông thôn thi đỗ vào CĐ, ĐH và thi đỗ với điểm cao so với các trường ở trung tâm tỉnh.
Nếu phấn đấu giữ ổn định chất lượng này cùng với việc hỗ trợ để 100% học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT không học ĐH được vào học nghề trình độ trung cấp trở lên thì sau 10 năm, tới 2015 – 2020 Vĩnh Phúc sẽ có sự thay đổi đáng kể và rất quan trọng về nguồn nhân lực, trong đó có cả chất lượng dân số của tỉnh.
Để phát huy thành quả đã đạt, trong thời gian tới ngành GD-ĐT tỉnh cần chú ý triển khai tốt một số việc cụ thể sau:
Một là, cần quan tâm, giúp đỡ để các học sinh của tỉnh đủ điểm vào các trường ĐH, CĐ chuẩn bị tốt về tâm lý, sức khỏe, cơ sở vật chất, được hưởng các chính sách ưu đãi quy định để nhập học kịp thời và đủ điều kiện theo học trong trường ĐH, CĐ đã chọn. Cần tư vấn, hướng dẫn rộng rãi để các học sinh không đỗ vào trường CĐ, ĐH chuyên nghiệp kịp thời lựa chọn vào các trường dạy nghề của tỉnh, của Trung ương, với đối tượng học tại tỉnh, các em được hưởng trợ cấp của tỉnh đủ để theo học thuận lợi trong suốt thời gian học tại trường; ra trường sẽ được giới thiệu việc làm để nhanh ổn định.
Hai là, các em trúng tuyển các trường ĐH năm 2012 và cả các em đỗ ĐH các năm trước cần tiếp tục cố gắng để học tập tốt, rèn tốt ở bậc đại học, đặc biệt là khả năng giao tiếp tiếng nước ngoài, năng lực hoạt động xã hội và hình thành được phương pháp học tập làm việc khoa học để tạo nền tảng cho việc vào cuộc sống sau này và kế thừa xứng đáng sự nghiệp xây dựng Vĩnh Phúc giàu đẹp, phồn vinh, xây dựng đất nước Việt Nam phát triển thịnh vượng.
Ba là, các địa phương, sở ngành, đoàn thể tiếp tục có sự quan tâm, chăm lo thiết thực đầy đủ tới sự nghiệp GD-ĐT của tỉnh; các cán bộ quản lý giáo dục của ngành, các nhà trường, các thầy cô giáo cần làm tốt việc quản lý, giữ gìn kỷ cương, nền nếp nhà trường; giành nhiều tâm huyết cho việc dạy dỗ, rèn luyện, chăm lo cho sự phát triển toàn diện của học sinh; để mọi học sinh Vĩnh Phúc từ mầm non đến giáo dục phổ thông đều được hưởng một nền giáo dục nhà trường chuẩn mực, chất lượng. Tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt, giữ ổn định, đi vào chiều sâu và nâng cao các chỉ số chất lượng toàn diện ở các lĩnh vực, các vùng miền trong tỉnh./.