Không
phải ngẫu nhiên khi khá nhiều người cùng có chung nhận xét: Những người
làm công tác về tiền tệ hay chính sách về tiền tệ (như Kho bạc, Ngân
hàng, Tài chính…) rất thận trọng và thậm chí còn rất "rắn" khi giải
quyết vấn đề hay thực hiện cơ chế chính sách nào đó. Chưa có điều kiện
để đề cập đến các khía cạnh khác, chỉ biết, thói quen đó, tư duy đó đã
giúp cho những người làm công tác giữ quỹ cho Nhà nước có những đóng góp
thiết thực cho Ngân sách, tích cực góp phần vào việc kiềm chế lạm phát,
ổn định kinh tế vĩ mô. Cán bộ làm tại Kho bạc Nhà nước các huyện, thị
trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng là những người như vậy.
Ngay sau khi có Chương trình hành động của UBND tỉnh và công văn của Kho bạc Nhà nước (KBNN) về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 11, KBNN tỉnh đã xây dựng ngay một chương trình hành động với 8 giải pháp chủ yếu: Tổ chức quản lý quỹ NSNN chặt chẽ, an toàn gắn với thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Phòng chống tham nhũng; tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển; tổ chức tốt công tác kế toán, thanh toán đảm bảo an toàn, cung cấp thông tin, báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác; đảm bảo an ninh trong hoạt động nghiệp vụ, an toàn tuyệt đối tiền và tài sản Nhà nước giao; ổn định tổ chức bộ máy, tăng cường công tác quản lý cán bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; quản lý tài chính, tài sản và XDCB nội ngành tiết kiệm, hiệu quả; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân có giao dịch với KBNN, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của hệ thống KBNN; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, kiểm soát trên các lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ. Chưa đầy một tháng sau khi ban hành Chương trình hành động, KBNN tỉnh còn có công văn số 167 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 11 với những hướng dẫn thuộc phạm vi chức năng nhiệm vụ của KBNN, bao gồm các công tác: tổng hợp, kiểm soát chi, kế toán thanh toán, kho quỹ, tin học, thanh tra, tổ chức cán bộ, tài vụ và hành chính quản trị.
Ông Nguyễn Quang Chung, Giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện Yên Lạc, người đã gắn bó và làm công tác quản lý ngành Kho bạc tới 3 thập kỷ có lẻ không chỉ tâm đắc với những nội dung có trong văn bản, mà còn "chịu tài" về sự chặt chẽ, cụ thể trong mỗi câu từ để cán bộ trong ngành, nhất là KBNN các huyện, thị dễ thực hiện. Theo ông, chưa bao giờ Kho bạc lại có những biện pháp và hướng dẫn thực hiện quyết liệt, cụ thể như việc thực hiện Nghị quyết 11. Với chức năng nhiệm vụ đặc thù, ngành liên quan mật thiết và chịu trách nhiệm về sự an toàn ngân quỹ Nhà nước. Do vậy việc thực hiện Nghị quyết 11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ góp phần chống lạm phát, ổn định kinh tế, mà còn ngăn chặn và giảm thiểu những tiêu cực phát sinh trong sử dụng NSNN ở địa phương. Bởi vậy, ngoài công tác tổng hợp, quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn tuyệt đối tiền và tài sản Nhà nước, xây dựng định mức tồn ngân quỹ hợp lý, điều hành vốn linh hoạt đảm bảo khả năng thanh toán NSNN trên địa bàn và phối hợp với Ngân hàng Thương mại tổ chức thu NSNN hoàn thành vượt chỉ tiêu, KBNN Yên Lạc còn thực hiện tốt công tác kiểm soát chi về việc tạm dừng mua sắm tài sản, dụng cụ công sở, tạm dừng thanh toán hàng chục món không trong danh mục ưu tiên với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng; thu hồi kế hoạch vốn đã phân bổ cho các dự án đầu tư XDCB năm 2011 gần 10 tỷ đồng. Đơn vị đã thực hiện tốt công tác kế toán, thanh toán tổng hợp báo cáo đúng thời gian quy định; thực hiện và khai thác có hiệu quả hệ thống TABMIS. Dự toán giao cho các đơn vị đã có 10% tiết kiệm làm lương; đảm bảo đúng quy định về quản lý tiền và giấy tờ có giá; chủ động xây dựng kế hoạch tự kiểm tra và kiểm tra trong đơn vị để kịp thời khắc phục sai sót; quản lý và tổ chức chi tiêu nội bộ hợ lý, tiết kiệm, đảm bảo cân đối nguồn vốn phục vụ hoạt động của đơn vị.
Thực hiện Chương trình hành động theo tinh thần Nghị quyết 11, chỉ tính riêng 1 tháng, KBNN huyện Vĩnh Tường đã từ chối thanh toán gần 1 tỷ đồng trong danh mục mua sắm tài sản; góp phần đưa tổng số tiền tiết kiệm 10% chi thường xuyên của các đơn vị thụ hưởng NS trung ương và địa phương trên địa bàn lên gần 800 triệu đồng.
Hoạt động trên địa bàn huyện miền núi, có nhiều khó khăn trong xây dựng, đầu tư phát triển, song KBNN Lập Thạch cũng là một trong những đơn vị thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11 trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình. Chỉ trong 1 tháng hưởng ứng Chương trình hành động của KBNN tỉnh, đơn vị đã kiểm soát chi 25 đơn vị hưởng thụ NS trung ương và tỉnh, tiết kiệm được số tiền hơn 200 triệu đồng 10% chi thường xuyên. Hầu hết các đơn vị hưởng thụ NS huyện và NS xã thực hiện nghiêm túc quy định chi từ khi lập dự toán, tờ trình. KBNN Lập Thạch còn thanh toán đầy đủ và kịp thời mọi chế độ cho CBCNV; sắp xếp các nhiệm vụ chi để đảm bảo duy trì hoạt động tại đơn vị; thường xuyên kiểm tra việc sử dụng điện, nước, văn phòng phẩm, đảm bảo tiết kiệm tối đa và gương mẫu trong việc tạm dừng các khoản chi mua sắm trang thiết bị chưa thực sự cần thiết.
Thông qua việc tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, chính sách của Nhà nước và của ngành, nên KBNN huyện Sông Lô chưa phải tạm dừng các món thanh toán chi thường xuyên. Các đơn vị dự toán trên địa bàn đã cơ bản nắm được tinh thần Nghị quyết và những quy định của Kho bạc nên không gửi hồ sơ thanh toán. Cùng với thực hiện kiểm soát chặt chẽ các khoản chi NSNN và hướng dẫn của KBNN tỉnh, KBNN Sông Lô còn thực hiện tốt công tác thu NSNN trên địa bàn, không để những vướng mắc nảy sinh; làm tốt việc quản lý, điều hành tồn ngân quỹ KBNN; đảm bảo an toàn kho quỹ và chủ động trong việc điều hành các hoạt động nghiệp vụ trong phạm vi cho phép.
Cùng với các cấp các ngành trong cả nước, cả tỉnh, những người làm công tác giữ quỹ cho nhà nước nói chung và cán bộ CNV KBNN các huyện, thị của Vĩnh Phúc nói riêng đã và đang tích cực hưởng ứng thực hiện Chương trình hành động của mình trong thực hiện Nghị quyết 11, tích cực góp phần đưa Nghị quyết vào cuộc sống và cùng Chính phủ thực hiện tốt các giải chủ yếu cho công cuộc ổn định nền kinh tế, đảm bảo giữ vững thị trường và đời sống của người dân trên địa bàn.