(ĐCSVN) – 5 năm qua, kể từ khi có Chỉ thị 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị vềề tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh đồng bộ và đạt kết quả toàn diện trên tất các mặt.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân đều nhận thức rõ về vai trò, sự cần thiết của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (XHHT). Đây là sự nghiệp của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và là sự nghiệp chung của toàn nhân dân.
Những năm qua, tổ chức đảng chính quyền các cấp có nhiều chủ trương, biện pháp chỉ đạo phát triển sự nghiệp GD&ĐT, động viên nhân dân tham gia học tập. Phong trào xây dựng gia đình hiếu học dòng họ hiếu học được đẩy mạnh.
Một số chỉ tiêu và nhiệm vụ cụ thể về xây dựng XHHT từ nay đến năm 2015 của tỉnh Vĩnh Phúc là: Tiếp tục nâng cao kết quả xóa mù chữ, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 trở lên đạt 100%; phấn đấu đạt tỷ lệ 100% số cán bộ cấp xã và cấp huyện được học tập, bồi dưỡng cập nhật kiến thức về quản lý, pháp luật, kinh tế và xã hội; phấn đấu đến năm 2015 đạt tỷ lệ 100% số cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước được đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, được tham gia các khoá quản lý, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ; phấn đấu đạt trên 350 sinh viên/1 vạn dân; trên 65% lao động được qua đào tạo. 100% cán bộ quản lý, cán bộ hành chính, sự nghiệp, cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã đạt chuẩn theo qui định. Thực hiện đề cao việc trọng dụng người tài, tôn vinh các gương sáng về hiếu học, các điển hình về vượt khó vươn lên trong học tập. |
Qua 5 năm triển khai thực hiện các mục tiêu, đề án theo Quyết định số 112/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ, Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả đáng kể. Các tiêu chí của mục tiêu xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010 hoàn thành và có hiệu quả. Cụ thể, năm 2002, Vĩnh Phúc được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn Quốc gia về phổ cập giáo duc tiểu học đúng độ tuổi. Tỷ lệ xoá mù chữ tỉnh Vĩnh Phúc đều vượt mức quy định chung của cả nước. Thanh thiếu niên từ 15 đến 18 tuổi có bằng THCS đạt tỷ lệ 93,2%; có 137/137 (100%) xã, phường, thị trấn trong tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS.
Hiện nay, trình độ học vấn của cán bộ, công chức, viên chức (CCVC) của tỉnh đã được nâng lên khá toàn diện. Hầu hết cán bộ CCVC có trình độ chuẩn và trên chuẩn theo yêu cầu của ngạch trong đó chủ yếu là đại học và trên đại học. Thống kê cho thấy, tính đến hết năm 2009 trên địa bàn tỉnh có 63 tiến sỹ, 1.755 thạc sỹ và 24.588 cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng. Số lượng lao động đã qua đào tạo đến hết năm 2010 đạt 51%.
Việc xây dựng phong trào “Cả nước thành một xã hội học tập” được tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT luôn được các cấp uỷ đảng và chính quyền địa phương quan tâm. Các cơ quan đoàn thể, các tổ chức kinh tế xã hội, các dòng họ, các cá nhân ngày càng tham gia một cách tích cực trong các hoạt động khuyến học, khuyến tài thực sự phát huy tác dụng tốt, động viên khuyến khích hỗ trợ hoạt động giáo dục dạy - học và phát triển tài năng cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh. Toàn tỉnh có 9 Hội khuyến học cấp huyện, thị, thành phố, có 137 hội khuyến học cấp xã, phường, thị trấn, 52 hội cơ sở trường học trực thuộc Sở GD&ĐT. Từ năm 2007 đến hết năm 2011, toàn tỉnh đã phát triển thêm được 2.150 chi hội khuyến học thôn, làng, khu phố, cơ quan trường học, dòng họ; đạt tỷ lệ 38% số thôn, làng, khu phố, 40% số dòng họ, 95% số cơ quan trường học trong toàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 125.000 hội viên hội khuyến học, đạt 12% dân số của tỉnh.
Việc xây dựng "gia đình hiếu học" và "dòng họ khuyến học" đã trở thành một phong trào quần chúng rộng khắp trong toàn tỉnh, là nhân tố cần thiết và quan trọng để phát huy phong trào khuyến học, khuyến tài, đặc biệt để xây dựng cả nước trở thành một "xã hội học tập", các "gia đình hiếu học" và "dòng họ khuyến học" đã góp phần tạo nên môi trường giáo dục lành mạnh trong hệ thống nhà trường trong tỉnh.
Hiếu học là truyền thống tốt đẹp của nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, truyền thống này là cơ hội để Vĩnh Phúc phát triển. Tin tưởng vào một tương lai không xa Vĩnh Phúc sẽ trở thành tỉnh công nghiệp, đúng như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về thăm tỉnh năm 1963: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”