|
Tam Đảo - lợi thế phát triển du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh tư liệu) |
(ĐCSVN) - Vĩnh Phúc nằm ở vị trí cửa ngõ phía Bắc của thủ đô Hà Nội, là cầu nối giữa các tỉnh Việt Bắc với Hà Nội và đồng bằng châu thổ sông Hồng, do vậy có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực nói riêng và cả nước nói chung.
Phát huy ưu thế từ chính điều kiện tự nhiên
Vĩnh Phúc là một tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và là một trong các tỉnh thành tạo nên vùng thủ đô Hà Nội. Theo kết quả điều tra dân số 01/04/2009 dân số tỉnh Vĩnh Phúc là 1.000.838 người. Trong quy hoạch xây dựng, Vĩnh Phúc thuộc vùng Hà Nội. Vĩnh Phúc tiếp giáp với sân bay quốc tế Nội Bài, là điểm đầu của quốc lộ 18 đi cảng Cái Lân (tỉnh Quảng Ninh), đồng thời có đường sắt Hà Nội - Lào Cai, đường quốc lộ 2 chạy dọc tỉnh. Chảy qua Vĩnh Phúc có 4 dòng chính: sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy và sông Cà Lồ. Hệ thống sông Hồng là tuyến đường thuỷ quan trọng, thuận lợi cho tàu bè. Ngoài ra, đây còn là vùng đất địa linh nhân kiệt, là cái nôi của người Việt cổ, với di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu nổi tiếng. Mê Linh, nơi Hai Bà Trưng đóng đô, nằm trong Vĩnh Phúc.
Địa hình của Vĩnh Phúc chia làm ba vùng: rừng núi, trung du và đồng bằng. Vùng rừng núi nằm ở phía bắc, tiếp giáp với khu vực rừng núi của 2 tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên, trong đó có hai dãy núi quan trọng là Tam Đảo và Sáng Sơn, có tiềm năng lớn về tài nguyên rừng và du lịch. Các nhà nghiên cứu khi xem xét vùng đồng bằng sông Hồng dưới góc độ địa lí, văn hoá đã xếp khu vực này vào vùng địa - văn hoá thềm phù sa cổ. Như vậy, Vĩnh Phúc không những là địa phương có bề dày lịch sử về văn hoá, mà còn có thể coi là nơi khởi nguồn của nền văn minh của đồng bằng Bắc Bộ.
Vùng đồng bằng phía nam có tổng diện tích 46.8 nghìn ha, bao gồm 46 xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn các huyện Mê Linh (đã được điều chỉnh về Hà Nội năm 2008), Vĩnh Tường, Yên Lạc và 6 xã của huyện Bình Xuyên, 3 xã của huyện Tam Dương. Vùng đồng bằng có 32,9 nghìn ha diện tích đất nông nghiệp. Đây là khu vực có tiềm năng và có truyền thống trồng lúa nước, cây vụ đông, trồng rau, chăn nuôi lợn,… có đủ các điều kiện để phát triển một nền nông nghiệp thâm canh năng suất cao.
Vùng trung du ở giữa có địa hình đồi gò xen kẽ nhau từ đông sang tây, gồm 8 xã của huyện Tam Dương, 6 xã của huyện Bình Xuyên, 10 xã của huyện Lập Thạch và Sông Lô; 6 phường của thành phố Vĩnh Yên và 2 xã của thị xã Phúc Yên. Tổng diện tích khu vực này là 24,9 nghìn ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 14 nghìn ha. Đây là vùng có quỹ đất đai dồi dào, đặc biệt là đất đồi thích hợp trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, hoa màu và chăn nuôi đại gia súc. Vì vậy, vùng này có điều kiện để chuyển đổi cơ cấu trồng trọt và chăn nuôi theo hướng tăng sản xuất hàng hoá thực phẩm.
Về mặt thủy văn, trên địa bàn Vĩnh Phúc, hệ thống sông suối khá đa dạng, trong đó lớn nhất là hai hệ thống sông Lô và sông Hồng. Sông Lô ở phía Tây với chiều dài chảy qua địa bàn tỉnh là 37 km, trở thành ranh giới tự nhiên giữa Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Ở phía Nam, sông Hồng cũng là ranh giới phân tách giữa Vĩnh Phúc với Hà Nội với chiều dài chảy qua là 40 km. Ngoài ra, trên địa phận Vĩnh Phúc còn có nhiều sông ngòi nhỏ bắt nguồn từ dãy núi Tam Đảo chảy xuống vùng đồng bằng như sông Phó Đáy, sông Cà Lồ.
Vĩnh Phúc còn có nhiều đầm, hồ lớn được hình thành bởi kiến tạo địa lí hoặc do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội sau này, như đầm Vạc, đầm Rượu, đầm Đông Mật, đầm Kiên Cương, đầm Dưng, hồ Đại Lải, hồ Thanh Hương, Xạ Hương, Vân Trục, ... Đây là những đầm, hồ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc điều tiết nguồn nước, điều hoà khí hậu, phát triển các ngành sản xuất, dịch vụ, du lịch.
Về khí hậu, chế độ gió mùa và sự thay đổi khí hậu trong năm một mặt tạo điều kiện cho việc thực hiện thâm canh, gieo cấy nhiều vụ, đa dạng hoá sản xuất nông nghiệp, tăng hệ số sử dụng đất nông nghiệp. Song, mặt khác cũng gây ra không ít khó khăn như úng lụt, khô hạn, sương muối, lốc xoáy, mưa đá ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và đời sống nhân dân.
Nguồn tài nguyên khoáng sản của Vĩnh Phúc không phong phú. Tuy có một số loại khoáng sản quý hiếm như thiếc, vàng sa khoáng nhưng trữ lượng thấp, phân tán, do vậy không thuận lợi cho đầu tư khai thác. Khoáng sản có trữ lượng đáng kể nhất là vật liệu xây dựng như đá xây dựng, đá granit (khoảng 50 triệu m3), cao lanh, cát sỏi và đất sét,…
Tài nguyên rừng của Vĩnh Phúc tương đối đa dạng do có địa hình rừng núi và gò đồi, nhất là có vườn quốc gia Tam Đảo, có giá trị về kinh tế lâm nghiệp và du lịch. Hiện đất lâm nghiệp đang sử dụng có 27,3 ngàn ha, trong đó đất có rừng trồng 13,4 nghìn ha, đất có rừng tự nhiên 9,8 nghìn ha và trong tương lai có thể trồng thêm 11 nghìn ha đất trống đồi trọc thuộc đất lâm nghiệp, đất chưa sử dụng và trồng cây phân tán.
Ngoài Tam Đảo, Vĩnh Phúc còn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Tài nguyên du lịch của tỉnh rất đa dạng và phong phú, nhiều điểm du lịch lại nằm trong quy hoạch tổng thể về du lịch của vùng Bắc Bộ.
So với các tỉnh, thành trong cả nước, Vĩnh Phúc là tỉnh có dân số thuộc loại trung bình. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1 triệu người sinh sống, trong đó người Kinh chiếm trên 97%, người Sán Dìu chiếm 2,5%, dân cư thuộc các thành phần dân tộc khác có số lượng ít chủ yếu đến Vĩnh Phúc do quá trình chuyển cư và hôn nhân.
Khắc phục khó khăn để phát triển kinh tế - xã hội
|
TP Vĩnh Yên, trung tâm của tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh: HNV) |
Bên cạnh những thuận lợi rất căn bản, sự phát triển kinh tế của Vĩnh Phúc cũng có nhiều khó khăn và hạn chế. Một trong những khó khăn lớn nhất là nền kinh tế có xuất phát điểm thấp, chưa có tích luỹ, đời sống của một bộ phận cư dân còn khó khăn, dẫn đến hạn chế khả năng tự đầu tư phát triển.
Cơ sở hạ tầng còn yếu kém và chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất hàng hoá và phát triển thương mại trong cơ chế thị trường. Những năm gần đây, tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng chưa đủ để đảm bảo phát triển ổn định và bền vững. Đó là những thách thức cơ bản của Vĩnh Phúc khi bước vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ngược dòng lịch sử về quá trình hình thành và phát triển, được biết, tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập vào năm 1950, do sự kết hợp của hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên. Khi hợp nhất tỉnh Vĩnh Phúc có diện tích 1.715km², dân số 470.000 người. Năm 1955, huyện Phổ Yên tách khỏi tỉnh Thái Nguyên nhập vào Vĩnh Phúc, đến năm 1957 lại trở lại tỉnh Thái Nguyên. Ngày 7/6/1957, thị trấn Bạch Hạc chuyển sang tỉnh Phú Thọ và hợp nhất với thị trấn Việt Trì để trở thành thị xã Việt Trì. Ngày 20/4/1961 huyện Đông Anh (gồm 16 xã), xã Kim Chung của huyện Yên Lãng, thôn Đoài xã Phù Lỗ (phía nam sông Cà Lồ) của huyện Kim Anh tách khỏi Vĩnh Phúc chuyển về thành phố Hà Nội. Ngày 26/1/1968, Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Nghị quyết số 504-NQ/TVQH tiến hành hợp nhất hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc thành tỉnh Vĩnh Phú, thành phố Việt Trì trở thành tỉnh lỵ của Vĩnh Phú. Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX đã thông qua Nghị quyết (ngày 26/11/1996) về việc tái lập tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ. Tỉnh Vĩnh Phúc chính thức được tái lập và đi vào hoạt động từ ngày 1/1/1997. Khi tách ra, tỉnh Vĩnh Phúc có diện tích 1.370,73 km², dân số 1.066.552 người, gồm 6 đơn vị hành chính cấp huyện: thị xã Vĩnh Yên, và 5 huyện Lập Thạch, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Đảo và Mê Linh. Tháng 6/1998, tách huyện Tam Đảo thành 2 huyện Tam Dương và Bình Xuyên. Ngày 9/12/2003, thành lập huyện Tam Đảo mới. Từ 1/8/2008, huyện Mê Linh đã được tách ra và sáp nhập vào thành phố Hà Nội. Bổ sung: Từ 1/4, huyện Lập Thạch tách làm 2 là: huyện Sông Lô và huyện Lập Thạch. Như vậy, hiện Vĩnh Phúc có 1 thành phố, 1 thị xã và 7 hành chính cấp huyện.
Vĩnh Phúc vốn là một tỉnh thuần nông đang chuyển đổi cơ cấu. Năm 1997, cơ cấu kinh tế là nông nghiệp 52%, dịch vụ 36%, công nghiệp 12%, thu ngân sách đạt gần 100 tỷ đồng. Năm 2004 có cơ cấu kinh tế là công nghiệp (49,7%); dịch vụ (26,2%); nông nghiệp (24,1%); tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 8 năm (1997-2004) là 16,6%. Năm 2006, Vĩnh Phúc đã vươn lên đứng thứ 9 trong các tỉnh thành trên cả nước về thu ngân sách với 4.027 tỷ đồng. Với hàng trăm doanh nghiệp trong nước và nước ngoài với tổng mức vốn đầu tư khoảng gần 600 triệu USD và 15.600 tỷ đồng, được đầu tư ở 14 cụm, khu công nghiệp, khu vui chơi, giải trí, du lịch trên khắp địa bàn.
Những năm gần đây, Vĩnh Phúc đang là một trong những tỉnh liên tục đứng ở vị trí tốp đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong bảng xếp hạng.
Với mục tiêu chiến lược là “Phấn đấu có đủ các yếu tố cơ bản của một tỉnh công nghiệp vào năm 2015 và trở thành Thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI”, điều này đã xác định tỉnh Vĩnh Phúc phải khai thác và phát huy tốt các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp ở các thành phần kinh tế. Với phương châm: “Tất cả các nhà đầu tư vào Vĩnh Phúc đều là công dân Vĩnh Phúc - Thành công của doanh nghiệp chính là thành công và niềm tự hào của tỉnh”, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang tạo mọi điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư đến đầu tư và sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Tỉnh Vĩnh Phúc đã quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp đến năm 2020 với 23 Khu, diện tích 8 nghìn héc ta; ưu tiên đến phát triển công nghiệp cơ khí ô tô, xe máy; công nghiệp điện tử công nghệ cao; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và vật liệu nhẹ; công nghiệp truyền thống, trong đó chú ý công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm. Đồng thời, phát triển đô thị và dịch vụ theo hướng hiện đại, đưa Vĩnh Phúc sớm trở thành đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội.