Vĩnh Phúc: Tăng cường các giải pháp thúc đẩy hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài

Thứ năm, 02/11/2017 14:52
(ĐCSVN) - Thời gian qua, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều đóng góp quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Dù vậy, để nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư, vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn tới.

 Ông Lê Duy Thành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập năm 1997, được đánh giá có vị trí kinh tế thuận lợi và môi trường đầu tư khá hấp dẫn, do vậy Vĩnh phúc là điểm đến của nhiều nhà đầu tư FDI. Tính đến hết tháng 9/2017, Vĩnh Phúc đã thu hút được 253 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 3,7 tỷ USD, bình quân 14,6 triệu USD/dự án, suất đầu tư trung bình 3,66 triệu USD/ha. Các nhà đầu tư đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu là các nước vùng Đông Bắc Á.

Trong tổng số 253 dự án FDI có 185 dự án đã đi vào sản xuất kinh doanh chiếm 72,3% tổng số dự án, vốn thực hiện ước đạt 62% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu vào các nhóm ngành: sản xuất ô tô, xe máy, phụ tùng ô tô, xe máy; sản xuất lắp ráp điện tử, máy tính; hàng may mặc, vật liệu xây dựng,…Địa bàn tập trung các doanh nghiệp FDI là Vĩnh Yên và Bình Xuyên.

Khu vực FDI có nhiều đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh minh họa: BT)

Trong 20 năm qua, khu vực FDI có vai trò rất lớn, rất quan trọng, đồng thời là động lực cho phát triển, lan tỏa thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc. Cụ thể, năm 2000, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh mới chỉ đạt 224,25 triệu USD, đến năm 2016 đã đạt hơn 1,76 tỷ USD, chiếm trên 95 % kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Khu vực FDI cũng góp phần tăng thu ngân sách của tỉnh, năm 1997, thu ngân sách của Vĩnh Phúc chỉ là 114 tỷ đồng và phụ thuộc vào ngân sách Trung ương. Năm 2009, thu ngân sách tỉnh vượt mốc 10 nghìn tỷ và đến năm 2015 đạt trên 25.000 tỷ đồng; năm 2016 thu ngân sách vượt mốc 30.000 tỷ đồng (tăng gần 285 lần so với năm 1997), là một trong 13 địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài có tác động lan tỏa tích cực đến các khu vực kinh tế khác trong tỉnh, kích thích lĩnh vực dịch vụ của tỉnh (du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí, kinh doanh bất động sản, hạ tầng khu công nghiệp,…). Cùng với đó, thay đổi cơ cấu kinh tế, năm 1997, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 45,13%; khu vực công nghiệp và xây dựng 18,4 % (trong đó công nghiệp là 14,9%), dịch vụ 36,48%). Đến năm 2016, cơ cấu này là nông nghiệp 9,3%, công nghiệp và xây dựng tăng lên 61,9% (trong đó công nghiệp 57,4%), ngành dịch vụ 28,8%. 

Ảnh minh họa. (Ảnh: BT)

Khu vực FDI giúp gia tăng thu nhập cho người lao động, đã tạo ra sự dịch chuyển lao động rất lớn giữa các vùng, địa phương, khu vực kinh tế. Năm 1997 các doanh nghiệp FDI giải quyết việc làm cho khoảng 1.300 lao động, đến năm 2010 là 33.080 lao động và đến năm 2016 là 75.000 lao động.

Bên cạnh những đóng góp quan trọng trên, khu vực FDI trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, cơ cấu theo ngành, lĩnh vực của FDI còn chưa thực sự hợp lý, khi tỷ trọng đầu tư vào công nghiệp rất lớn, chiếm 80% về vốn đầu tư, trong khi ngành dịch vụ chỉ chiếm 16,7%, nông nghiệp chiếm 3,3%.

Các hạn chế trong chuyển giao công nghệ, các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường và sự mất cân đối trong cán cân thương mại...đang có xu hướng gia tăng. Đa phần các dự án FDI ở Vĩnh Phúc nằm ở khâu cuối cùng chuỗi giá trị, sử dụng nhiều lao động phổ thông, đó là lắp ráp nên hạn chế trong việc thúc đẩy sản xuất, giá trị gia tăng theo sản phẩm còn thấp.

Tác động lan tỏa của khu vực FDI trong kết nối, phát triển doanh nghiệp địa phương, đổi mới công nghệ thực sự chưa đáp ứng như kỳ vọng. Vĩnh Phúc có lợi thế với 2 doanh nghiệp lớn, sản xuất thành phẩm là Toyota và Honda, điều này tạo hiệu ứng lan tỏa lớn để phát triển công nghiệp hỗ trợ trong tỉnh, trong vùng. Tuy nhiên, cho đến nay dễ nhận thấy, đối tác của các doanh nghiệp này phần lớn là các doanh nghiệp FDI; các doanh nghiệp trong tỉnh, trong vùng và trong nước chưa tham gia được nhiều vào chuỗi sản xuất này.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành, trong thời gian tới, định hướng lĩnh vực đầu tư của tỉnh sẽ tập trung vào các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế-xã hội; các dự án có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; các dự án trong các lĩnh vực: công nghiệp điện tử, viễn thông; công nghiệp cơ khí (sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy...), vật liệu xây dựng, vật liệu mới và công nghiệp hỗ trợ.

Về định hướng địa bàn đầu tư, thu hút các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, gắn phát triển công nghiệp với bảo vệ môi trường; xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp. Từng bước hình thành các trung tâm công nghiệp theo vùng, khuyến khích thu hút các dự án công nghiệp phụ trợ của ngành sản xuất lắp ráp ô tô và phụ tùng ô tô xe máy.

Về định hướng đối tác, chú trọng thu hút FDI từ các Tập đoàn đa quốc gia. Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Đồng thời hướng tới các đối tác tiềm năng đến từ Châu Âu và Hoa Kỳ.

Trong thời gian tới tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu và đầu tư tại tỉnh, thu hút FDI chất lượng, mang lại giá trị gia tăng cao./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực