Vĩnh Phúc: Tăng cường các hoạt động can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Thứ tư, 21/03/2012 14:52

 

 Ảnh minh họa (nguồn: giadinh.net.vn)

(ĐCSVN) - Mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay đã và đang trở thành thực trạng báo động đối với nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc. Theo thống kê, hiện tỉnh Vĩnh Phúc là một trong 10 tỉnh có tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất cả nước. Giảm thiểu được mất cân bằng giới tính khi sinh đang trở thành nhiệm vụ cấp bách đối với tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay.

Trong những năm qua, công tác Dân số và kế hoạch hoá gia đình (DS- KHHGĐ) của tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, mức sinh thay thế (trung bình mỗi phụ nữ có 2 con) được duy trì, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm dần, chất lượng dân số không ngừng được cải thiện góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, hiện nay, công tác DS -KHHGĐ của tỉnh đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức mới, đó là: Cùng với sự gia tăng về quy mô dân số, thì tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cao đang trở thành vấn đề bức xúc của tỉnh.

Ở Vĩnh Phúc, tỷ số giới tính khi sinh (Nam/Nữ) có xu hướng tăng nhanh từ 109/100 năm 2003 lên 116,15/100 vào năm 2011 và là một trong 10 tỉnh có tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất cả nước. Tình trạng mất cân bằng giới tính ở Vĩnh Phúc diễn ra muộn nhưng tốc độ gia tăng lại nhanh và cao. Năm 2003 là (109), năm 2004 tăng lên (112) và kéo dài trong suốt những năm qua cho đến hiện nay. Từ năm 2005 Vĩnh Phúc, đã có 6/8 huyện, thị rơi vào tình trạng mất cân bằng giới tính và cả 6 huyện này đều ở mức cao trên 111; đến năm 2008 có 8/8 huyện, thị đều có tỷ số giới tính khi sinh cao trên 115 và đến năm 2010 có 9/9 huyện, thị xã, thành phố rơi vào tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, trong đó có 5 huyện ở mức cao từ 115 trở lên.

Một thực tế đặt ra, nếu tình trạng này còn kéo dài, không có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ thì hậu quả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn như: Một số lượng lớn các em trai khi đến tuổi kết hôn sẽ không lấy được vợ; cấu trúc gia đình thay đổi, theo đó, trong xã hội sẽ gia tăng loại hình gia đình độc thân là nam giới; gia tăng các loại tội phạm liên quan đến lạm dụng tình dục, buôn bán phụ nữ, trẻ em; làm thay đổi cơ cấu dân số trong tương lai...

Những nguyên nhân quan trọng và chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do: Phần đông dân số của tình là làm nông nghiệp, những tập quán về cưới xin, sinh đẻ còn khá nặng nề; đặc biệt tâm lý muốn đông con, cần phải có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, thừa kế gia sản,...còn khá phổ biến. Chính sách quy mô gia đình nhỏ cũng đã tác động mạnh mẽ đến việc nhiều cặp vợ chồng mong muốn sinh con trai, đặc biệt là những cặp vợ chồng chỉ có con gái trong những lần sinh trước đó. Những tiến bộ trong y học, nhất là các kỹ thuật lựa chọn giới tính trước sinh như: siêu âm, nạo phá thai, trở thành nguyên nhân trực tiếp tác động mạnh đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Vai trò vị thế của người phụ nữ trong các mối quan hệ xã hội và trong gia đình chưa thật sự bình đẳng. Chính sách an sinh chưa được đảm bảo,...

Đứng trước thực trạng đó, mới đây, Sở Y tế Vĩnh Phúc đã phê duyệt Đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2010-2015; Đề án được triển khai tại 09 huyện, thị, thành phố với 80 xã, phường, thị trấn, đến năm 2011 Đề án được triển khai duy trì và tiếp tục mở rộng tại địa bàn 137 xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

Sau hai năm tổ chức triển khai thực hiện Đề án, với những hoạt động tích cực, hiệu quả như: Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề; tập huấn,...đã bước đầu giúp cho toàn xã hội, mỗi người dân nhận thức được thực trạng, nguyên nhân, hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở tỉnh.

Để từ thay đổi nhận thức cho tới việc thay đổi hành vi của người dân, trong thời gian tới tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về pháp lệnh dân số, về bình đẳng giới, về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh và hậu quả của nó; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất đối với các cơ sở y tế có dịch vụ siêu âm, dịch vụ nạo phá thai về thực hiện các quy định của pháp luật về thực hiện nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội cho người cao tuổi;..../.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực