Đó là một trong những yêu cầu của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Vĩnh Phúc nhằm phòng chống sinh vật hại lúa trong cao điểm vụ Mùa 2019.
Ảnh minh họa (Ảnh: BT)
Hiện nay, lúa Mùa đang ở giai đoạn đứng cái – làm đòng, lúa sinh trưởng, phát triển tương đối tốt. Đây là thời kỳ cây lúa rất mẫn cảm với các đối tượng sinh vật gây hại như: sâu đục thân, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn và rầy nâu hại giai đoạn trước khi lúa trỗ đến chín sữa, chắc xanh. Đặc biệt trong thời gian tới, thời tiết diễn biến phức tạp với nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới và một số đợt nắng nóng trên diện rộng tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh, phát triển và gây hại.
Để chủ động phòng chống sinh vật gây hại, đảm bảo an toàn cho sản xuất lúa vụ Mùa, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nông dân thường xuyên kiểm tra, theo dõi, phát hiện sớm các đối tượng sinh vật gây hại để chủ động các biện pháp phòng trừ hiệu quả. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT liên quan chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống sinh vật gây hại trong giai đoạn cao điểm.
Sở NN&PTNT yêu cầu Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tăng cường phối hợp với các địa phương triển khai cao điểm phòng chống sinh vật hại lúa; kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh hại để chủ động phòng trừ kịp thời. Bên cạnh đó, làm tốt công tác điều tra, dự tính dự báo; chú ý kiểm tra bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, mật độ rầy nâu, bệnh khô vằn để chủ động tham mưu phòng trừ kịp thời. Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh, đảm bảo cung ứng vật tư nông nghiệp chất lượng cho người nông dân sử dụng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Thông tin NN&PTNT đẩy mạnh việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về kỹ thuật chăm sóc lúa và triển khai cao điểm phòng chống sinh vật hại để nông dân biết, thực hiện./.