Vĩnh Phúc: Tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài nguyên

Thứ tư, 30/05/2012 17:06

 

 Một góc rừng quốc gia Tam Đảo
(Ảnh: Cổng thông tin điện tử Vĩnh Phúc)

(ĐCSVN) - Nhận thức được vai trò quan trọng của tài nguyên, thời gian qua, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành Nghị quyết chuyên đề “Về tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài nguyên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”.

Đánh giá tổng quan về việc quản lý, sử dụng tài nguyên trên địa bàn tỉnh, Nghị quyết đã nêu rõ: Trong những năm qua, công tác quản lý tài nguyên đạt được nhiều kết quả quan trọng, việc khai thác tài nguyên nói chung, đất đai nói riêng đã phát huy hiệu quả đối với đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Theo đó, tỉnh đã lập bản đồ địa chính cho các huyện, thành, thị; đang tập trung xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011 – 2015 đang được triển khai tích cực; 100% các xã đã hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Việc cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất được quan tâm, đến nay có 91,86% hộ gia đình, cá nhân và trên 4.200 tổ chức sử dụng đất đã được cấp GCN lần đầu... Tuy nhiên công tác quản lý, sử dụng tài nguyên, nhất là đất đai còn nhiều bất cập. Sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp…

Để thực hiện tốt việc quản lý và sử dụng tài nguyên có hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, theo tinh thần của Nghị quyết, các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, các ngành đối với công tác này, đề cao vai trò quan trọng của người đứng đầu gắn với xử lý trách nhiệm nếu để xảy ra các vi phạm.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của tài nguyên, và tài nguyên ngày càng cạn kiệt và không thể tái tạo; hiểu biết về pháp luật đất đai, tài nguyên để sử dụng tài nguyên phải đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; không vi phạm pháp luật

Ba là, cần rà soát lại cơ chế, việc phân cấp, phân quyền trong quản lý tài nguyên; công khai, minh bạch trong lĩnh vực này. Mặt khác, cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đất đai; tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm; đặc biệt là sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và địa phương trong công tác quản lý đất đai, khai thác bảo vệ tài nguyên, nhất là trong thanh tra, kiểm tra, gắn với sự giám sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực