(ĐCSVN) – Vĩnh Phúc đã ban hành Thông tri số 21-TT/TU ngày 5/7/2013 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới do Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thế Trường ký phê duyệt.
|
Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai (Ảnh: HNV) |
Theo đó, xác định tầm quan trọng của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền trong toàn tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 55-CT/TW ngày 28/6/2000 của Bộ Chính trị khóa VIII về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Kết quả 10 năm triển khai công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả quan trọng. Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực trẻ em được tăng cường; việc huy động và sử dụng nguồn lực để thực hiện các mục tiêu vì trẻ em ngày càng có hiệu quả. Công tác chăm sóc sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em được cải thiện đáng kể, năm 2012, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm còn 13%; tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đầy đủ các loại vacxin hàng năm đạt trên 98%; tỷ lệ trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế đạt trên 95%. Công tác giáo dục trẻ em có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ huy động trẻ em đi mẫu giáo từ 3-5 tuổi đạt trên 98%; tỉnh đã hoàn thành phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, đạt chuẩn phổ cập THCS và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Công tác bảo vệ, xây dựng môi trường sống an toàn và lành mạnh cho trẻ em được chú trọng; đã có 115/137 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em; đời sống văn hóa, tinh thần, phúc lợi xã hội và các quyền dành cho trẻ em ngày càng được bảo đảm.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em còn một số hạn chế, yếu kém. Một số mục tiêu trong Chương trình hành động vì trẻ em Vĩnh Phúc giai đoạn 2001 - 2005 và giai đoạn 2006 - 2010 thực hiện chưa đạt; đạo đức, lối sống của một bộ phận trẻ em đang là nỗi lo của gia đình và xã hội. Tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em lang thang, bị tai nạn thương tích, bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, bị xâm hại tình dục, bạo lực là những vấn đề xã hội bức xúc, cần được đặc biệt quan tâm. Trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng ở một số địa phương còn ở mức cao; công tác cấp phát thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi còn chậm; việc dành quỹ đất xây dựng điểm vui chơi cho trẻ em chưa được quan tâm; công tác vận động xây dựng Quỹ Bảo trợ trẻ em chưa tương xứng với tiềm năng và sự phát triển của tỉnh, hoạt động chủ yếu vẫn dựa vào nguồn ngân sách nhà nước. Xã hội hóa các hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em còn gặp nhiều khó khăn. Hiện toàn tỉnh còn trên 6.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn và trên 20.000 trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Những tồn tại, hạn chế trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo Thông tri này, nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên là do một số cấp ủy, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm và tầm quan trọng của công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, chưa có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức cho công tác này. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, các đoàn thể và xã hội trong việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em hiệu quả chưa cao; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em còn hạn chế; môi trường xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tác động không tốt đến trẻ em.
Tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm
Xác định đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em có tính chiến lược lâu dài, là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Ngày 05/12/2012, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”; để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, thực hiện tốt chỉ thị số 20-CT/TW trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân về tầm quan trọng của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, có tính chiến lược, lâu dài. Chú trọng tuyên truyền các mô hình, điển hình làm tốt công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, giáo dục thông qua sự gương mẫu của ông bà, cha mẹ, người trên. Phát hiện và biểu dương kịp thời các điển hình tiên tiến, những tấm gương người tốt, việc tốt trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; phê phán, lên án, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại, bạo lực, lôi kéo trẻ em vào hoạt động tội phạm và cản trở việc thực hiện các quyền của trẻ em.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 – 2020. Đẩy mạnh thực hiện các tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Quan tâm đến các gia đình chính sách, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn. Không ngừng cải thiện môi trường sống lành mạnh cho trẻ em, trong đó chú trọng xây dựng các điểm vui chơi dành riêng cho trẻ em ở cộng đồng và các công trình phúc lợi cho trẻ em. Nâng cao chất lượng chăm sóc chăm sóc, giáo dục trẻ em và toàn diện về đạo đức, trí, thể, mỹ, hành vi văn hóa, khả năng hòa hợp. Từng bước bố trí tăng nguồn ngân sách cho sự nghiệp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Hàng năm, tổ chức các hoạt động có hiệu quả thiết thực đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, đặc biệt là vào các dịp: Tháng hành động vì trẻ em (từ ngày 01 đến ngày 30-6), Ngày quốc tế thiếu nhi 01-6, Tết Trung thu, Ngày gia đình Việt Nam và Diễn đàn trẻ em các cấp.
Ba là, đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em theo hướng nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư và các tổ chức chính trị - xã hội. Huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân cho các hoạt động và công trình dành cho trẻ em.
Bốn là, thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp. Xây dựng và thực hiện chính sách đãi ngộ phù hợp đối với đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật, chính sách liên quan đến trẻ em và thực hiện các quyền của trẻ em.
Năm là, Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo rà soát các văn bản đã triển khai thực hiện; sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách của tỉnh về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em theo hướng mở rộng chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho trẻ em. Cụ thể hóa các nội dung của Chỉ thị 20-CT/TW của Bộ Chính trị bằng các chương trình, kế hoạch về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em gắn với Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 - 2020; Chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng trường học an toàn, thân thiện và xây dựng cộng đồng vững mạnh.
Sáu là, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em” bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”. Hàng năm, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch, hướng dẫn tổ chức các hoạt động phù hợp, thiết thực cho thanh, thiếu niên, nhi đồng. Khuyến khích các hoạt động nhân đạo, từ thiện vì trẻ em. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội; giữa các ban, ngành, đoàn thể trong hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Bảy là, các huyện, thành, thị ủy, Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, các Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy lãnh đạo xây dựng các kế hoạch, chương trình thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị và Thông tri của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Tám là, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW và Thông tri này; định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.