(ĐCSVN) – Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Nguyễn Thế Trường đã ký ban hành Thông tri số 20-TT/TU ngày 5/7/2013 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.
Thành tựu và bất cập khi thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn
Trong những năm qua, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong toàn tỉnh đã đặc biệt quan tâm đến phát triển nông nghiệp nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, trong đó có lĩnh vực dạy nghề cho lao động nông thôn. Nhiều chủ trương, chính sách về dạy nghề, giải quyết việc làm, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho nông dân, cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được ban hành và triển khai thực hiện đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn và thực hiện Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Hệ thống các cơ sở đào tạo nghề, giải quyết việc làm từng bước đáp ứng yêu cầu; cơ cấu và các loại hình đào tạo nghề đa dạng; một số mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn được thí điểm thành công, tạo cơ sở để tiếp tục triển khai nhân rộng trong thời gian tới; các hoạt động hỗ trợ lao động nông thôn học nghề được tỉnh quan tâm; số lao động nông thôn được học nghề ngày càng tăng, toàn tỉnh đã có trên 87.000 lao động nông thôn được học nghề. Một bộ phận lao động nông thôn sau khi học nghề đã có việc làm mới, hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp, dịch vụ có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho nông dân.
Tuy nhiên, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Việc tổ chức đào tạo nghề chưa thực sự bám sát vào nhu cầu của thị trường lao động; dạy nghề còn theo số lượng; chất lượng thấp, chưa phù hợp với nhu cầu của người học và người sử dụng lao động, chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, còn gây lãng phí ngân sách nhà nước. Hệ thống cơ sở đào tạo nghề tổ chức chưa khoa học, các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, đội ngũ giáo viên, chương trình, tài liệu chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo. Tư vấn hướng nghiệp học nghề, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp sau trung học thực hiện chưa hiệu quả. Công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn tuy đã được tiến hành nhưng chưa đáp ứng đúng nhu cầu thực tế. Công tác tuyên truyền, phổ biến về dạy nghề cho lao động nông thôn chưa sát thực tế, chưa phong phú về hình thức.
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên trên là do: Nhận thức của một số cấp uỷ Đảng, chính quyền về vai trò của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn chưa đầy đủ; một số địa phương chưa quan tâm đúng mức; quản lý nhà nước về đào tạo nghề, giải quyết việc làm chưa đáp ứng yêu cầu; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa chặt chẽ; công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho lao động nông thôn trong việc lựa chọn, tham gia học nghề còn hạn chế; công tác hướng dẫn, tạo việc làm cho lao động nông thôn sau đào tạo chưa được quan tâm. Việc huy động các nguồn lực xã hội trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn chưa hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát đào tạo nghề còn nhiều hạn chế.
Để tăng cường hiệu quả nghề, dạy nghề cho lao động nông thôn
Đào tạo nghề, dạy nghề cho lao động nói chung và lao động nông thôn nói riêng có vai trò quan trọng trong việc phát huy nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 5/11/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Để thực hiện tốt Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí chiến lược của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và vai trò của công tác dạy nghề trong việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn. Đồng thời, cung cấp thông tin cho người lao động để có sự lựa chọn chính xác trong việc học nghề và tìm kiếm việc làm phù hợp với tình hình thực tế thị trường lao động của tỉnh.
Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Xác định đây là một trong những chiến lược quan trọng, có tính lâu dài trong việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương. Dạy nghề cho lao động nông thôn phải xuất phát từ nhu cầu người học, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và của xã hội. Quan tâm đến việc dạy nghề cho những đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách và lao động ở những địa phương hình thành phát triển các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình dạy nghề có hiệu quả.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác xã hội hóa dạy nghề, giải quyết việc làm. Huy động các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và nhân dân tích cực tham gia vào công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ về vốn, phương tiện sản xuất, thiêu thụ sản phẩm và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn sau khi học nghề.
Thứ tư, Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo việc rà soát và sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở dạy nghề, giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các trung tâm dạy nghề theo hướng hiện đại, chuẩn hóa. Kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về dạy nghề; rà soát, xây dựng kế hoạch với quy mô, ngành nghề đào tạo phù hợp tại các trường chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo thực hiện tốt các công tác hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh sau trung học, công tác dự báo nguồn lao động, cập nhật thông tin về thị trường lao động để có hướng chuyển dịch cơ cấu lao động, hướng đào tạo nghề phù hợp.
Sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực để triển khai thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn bằng các chương trình, đề án, kế hoạch dạy nghề gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011- 2020 và Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém, đề ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp cho từng giai đoạn phát triển.
Thứ năm, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh theo chức năng và nhiệm vụ xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn với các hình thức phù hợp; tích cực phối hợp với các cơ quan nhà nước phổ biến, tuyên truyền, tư vấn dạy nghề cho các đoàn viên, hội viên, cộng tác viên; biểu dương, nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Thường xuyên giám sát việc thực hiện và tập hợp ý kiến của nhân dân về công tác này để phản ánh, kiến nghị với các tổ chức đảng và cơ quan nhà nước đề ra biện pháp chỉ đạo phù hợp, kịp thời.
Thứ sáu, các huyện, thành, thị ủy, Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, các Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy xây dựng các kế hoạch, chương trình thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 5/11/2012 của Ban Bí thư và Thông tri của Tỉnh ủy.
Thứ bảy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy; sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW và Thông tri này; định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.