Đó là một trong những mục tiêu tổng quát được UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề ra cho năm 2020.
Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2019, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được thực hiện trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định và phát triển tốt, lạm phát được kiểm soát, môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện.
Bên cạnh những thuận lợi, năm 2019 tỉnh Vĩnh Phúc phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức: sự bùng nổ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung với những diễn biến khó lường; giá dầu thô thế giới và một số hàng hóa cơ bản tăng; sản lượng ô tô sản xuất trong nước giảm do thực hiện chính sách giảm thuế khi hội nhập. Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn gặp nhiều khó khăn.
Cùng với đó, quản lý đô thị nhiều mặt còn hạn chế, bất cập; tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số nơi có xu hướng tăng. Một số vướng mắc tháo gỡ còn chậm như: vướng mắc về giải quyết đất dịch vụ, xử lý các vi phạm về đất đai, giao đất trái thẩm quyền…
Quán triệt quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành năm 2019 của UBND tỉnh, thực hiện phương châm hành động của Chính phủ là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, UBND tỉnh đã sớm ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ và quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Trong điều hành, Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách; rà soát để cắt giảm thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức nhiều diễn đàn, chương trình xúc tiến đầu tư hiệu quả, trong đó chú trọng đến hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ. Khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; nhận diện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, thế mạnh và các mô hình mới, cách làm hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Do vậy, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2019 tiếp tục phát triển tích cực trên hầu hết các lĩnh vực tỉnh. Kết quả nổi bật, năm 2019 tăng trưởng GRDP (giá so sánh 2010) ước đạt 8,66% (kế hoạch tăng 8-8,5%). Trong đó, ngành công nghiệp – xây dựng tiếp tục là động lực, giữ vai trò chủ lực trong tăng trưởng của tỉnh với mức tăng 12,99%, đóng góp 6,65 điểm % vào tăng trưởng chung của tỉnh. Các lĩnh vực dịch vụ tăng 7,11% đóng góp 1,4 điểm % tăng trưởng chung của tỉnh. Quy mô GRDP theo giá hiện hành của tỉnh ước đạt 104,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% và tương đương tăng 10 nghìn tỷ đồng so với năm 2018, đưa giá trị GRDP bình quân đầu người đạt 90,5 triệu đồng/người/năm, tăng 4 triệu đồng/người/năm so với năm 2018.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp từ 8,28% năm 2018 còn 7,28% năm 2019 và tăng khu vực công nghiệp– xây dựng từ 62,15% lên 63,25%. Khu vực dịch vụ giảm từ 29,57% còn 29,47% do tăng trưởng thấp hơn khu vực công nghiệp - xây dựng.
Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, du lịch được tổ chức phong phú, đa dạng. Chế độ an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân được cải thiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Đây là những tín hiệu tích cực, tạo nền tảng quan trọng cho thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và giai đoạn 2016-2020.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng nền kinh tế của tỉnh vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế và đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, sản xuất nông nghiệp đạt thấp, tăng trưởng âm; tình trạng dân bỏ đất sản xuất vụ mùa và vụ đông còn nhiều. Việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung chưa được thực hiện, cải cách hành chính chưa đạt như mong muốn, còn nhiều nút thắt….
Năm 2020, UBND tỉnh đề ra mục tiêu tổng quát: Khai thác, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế; tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh. Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.
Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng bộ máy liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Năm 2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề ra chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP-giá so sánh năm 2010 tăng 8-8,5%. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội chiếm khoảng 32-35% GRDP theo giá hiện hành. Tổng thu ngân sách nhà nước phấn đấu đạt 32.360 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 28.320 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, phấn đấu thu hút đạt 550 triệu USD vốn FDI và 5.500 tỷ đồng vốn DDI. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) còn dưới 1%. Giải quyết việc làm mới cho 22 nghìn lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo phấn đấu đạt 76%.
Ngoài ra, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93%; lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt 71%; đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 2,21% và đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp 72%. Các chỉ tiêu về môi trường như: Tỷ lệ che phủ rừng đạt 25%, tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch đạt 86%,.../.