Đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 100 doanh nghiệp đã đầu tư cơ sở hạ tầng vào sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó, có một số doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao như: Công ty cổ phần Nông lâm nghiệp và môi trường Vĩnh Hưng, Công ty cổ phần Đầu tư nông nghiệp Vĩnh Điền, Công ty TNHH sản xuất và phân phối nông sản sạch OFP, Công ty TNHH nấm Phùng Gia, Công ty TNHH một thành viên sản xuất và thương mại Phát Đạt... Tuy nhiên trên thực tế, số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Vĩnh Phúc còn khá ít và chưa tương xứng với tiềm năng tỉnh đang có.
Ảnh minh họa (Nguồn: A.N)
Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân chủ là đầu tư vào sản xuất nông nghiệp vẫn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, rủi ro lớn và thời gian thu hồi vốn thường chậm hơn các lĩnh vực khác; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã ban hành nhưng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa biết về chính sách hỗ trợ, chưa hiểu về trình tự, thủ tục. Mặt khác, có nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư nhưng địa điểm thực hiện dự án không nằm trong các quy hoạch của tỉnh như: Quy hoạch phát triển chăn nuôi, quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, quy hoạch phát triển rau an toàn… khiến nhiều doanh nghiệp dù có vốn nhưng vẫn còn e ngại khi quyết định đầu tư.
Tháng 4/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 57 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, những bất cập trong chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 210 đã được thay đổi phù hợp, đáp ứng tình hình thực tiễn. Nghị định mới đang được kỳ vọng sẽ thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là trong bối cảnh đang thực hiện mạnh mẽ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho người dân.
So với Nghị định số 210 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã được thực thi từ năm 2013, Nghị định 57 của Chính phủ có những quy định mới hơn về ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước dành cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp. Theo đó, tùy vào quy mô, tính chất, lĩnh vực của dự án đầu tư vào nông nghiệp, Nhà nước sẽ miễn, giảm hoặc hỗ trợ tiền thuê đất, hỗ trợ khoản chênh lệch lãi suất vốn vay. Bên cạnh đó, Nhà nước còn hỗ trợ kinh phí để doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực, đầu tư hạ tầng… với mức hỗ trợ có thể lên đến hàng chục tỷ đồng. Các dự án triển khai ở khu vực khác nhau sẽ có mức độ ưu đãi, hỗ trợ khác nhau, trong đó địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được ưu đãi lớn nhất.
Về thủ tục hành chính – một trong những vướng mắc khiến doanh nghiệp “ngại” tiếp cận các chính sách ưu đãi, Nghị định 57 đã tinh giản tối đa, cho phép chủ đầu tư dự án thực hiện song song hoặc lồng ghép các thủ tục về đất đai, môi trường, xây dựng và nhận hỗ trợ. Cụ thể, doanh nghiệp chỉ cần gửi 3 bộ hồ sơ gồm: dự án đầu tư, văn bản đề nghị hỗ trợ có mẫu sẵn tới Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trong thời hạn tối đa 10 ngày làm việc, Sở phải có văn bản thẩm tra và báo cáo UBND tỉnh; trong vòng 5 ngày, UBND tỉnh có văn bản hỗ trợ vốn hay không, nếu từ chối thì nêu rõ lý do. Như vậy, các doanh nghiệp sẽ không phải “gõ cửa” từng cơ quan chức năng để được hỗ trợ như trước đây. Ngoài ra, các thủ tục liên quan đến quy hoạch dự án, thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm tra công nghệ đối với các dự án cũng được tạo điều kiện thông thoáng hơn.
Ngoài ra, điểm khác biệt lớn nhất là Nghị định 57 cũng đã quy định rõ nguồn ngân sách để thực hiện chương trình. Cụ thể, Trung ương dành tối thiểu 5% vốn đầu tư phát triển hằng năm; các tỉnh, thành phố cũng dành tối thiểu 5% vốn chi ngân sách địa phương hàng năm để thực hiện ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Quy định này được xem là yếu tố tiên quyết để triển khai Nghị định bởi sẽ khắc phục được tình trạng dự án đã có quyết định hỗ trợ nhưng phải dừng lại vì chưa có vốn.
Nhằm cụ thể hóa các chương trình hỗ trợ theo Nghị định 57 của Chính phủ, trong khi chờ hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan, ngay trong tháng 5/2018, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát, xây dựng Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 202 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 – 2020.
Hy vọng, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh chính sách này sẽ là đòn bẩy để ngành nông nghiệp của tỉnh có những bứt phá ngoạn mục trong tương lai gần.