Vĩnh Phúc: Tập trung các giải pháp phát triển chăn nuôi các tháng cuối năm

Thứ hai, 21/11/2022 11:23
(ĐCSVN) - Theo dự báo, những tháng cuối năm 2022, sản xuất chăn nuôi tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức, do đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Thông tin và Truyền thông và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm.

Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2022 mặc dù ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do chịu tác động của dịch bệnh COVID-19 trên người và giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng từ 15%- 20% ở các tháng đầu năm nhưng sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ổn định, vẫn giữ được đà tăng trưởng khá và đạt được kết quả rất đáng khích lệ.

 Tổng đàn lợn của tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022 tăng so với cùng kỳ (Ảnh: B.T)

Theo đó, tổng đàn bò sữa, đàn lợn và đàn gia cầm tăng so với cùng kỳ. Trong đó, đàn bò sữa tăng 4,03%, đàn lợn tăng 12,22%, đàn gia cầm tăng 3,42%; các sản phẩm chăn nuôi chủ yếu như: thịt lợn, thịt gia cầm, trứng, sữa tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, thịt lợn tăng 8,16%; thịt gia cầm tăng 4,54%; trứng gia cầm tăng 5,62%; sữa bò tăng 16,03%.

Theo dự báo, những tháng cuối năm 2022, sản xuất chăn nuôi tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức như: bắt đầu vào mùa mưa bão, thời tiết khí hậu diễn biến bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Do đó, nhằm thực hiện duy trì phát triển sản xuất chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho dịp Lễ, Tết Nguyên Đán 2023, UBND tỉnh Vĩnh Phúc  yêu cầu các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Thông tin và Truyền thông và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Luật Chăn nuôi, Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; rà soát chiến lược phát triển ngành với từng đối tượng nuôi cụ thể để điều chỉnh quy mô phù hợp với nhu cầu thị trường; ưu tiên các sản phẩm chăn nuôi chủ lực, có lợi thế tại địa phương để có kế hoạch, phát triển chăn nuôi bền vững.

Có kế hoạch tái đàn, tăng đàn đối với các đối tượng vật nuôi phù hợp và có lợi thế để đảm bảo chủ động nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong tỉnh và vùng lân cận (Ảnh: B.T)

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh các tháng cuối năm 2022; kiểm tra, rà soát cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thực phẩm, bảo đảm lợi ích của người chăn nuôi, người cung ứng và người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh đúng kỹ thuật, tiết giảm các chi phí đầu vào; tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, phối trộn thành nguồn thức ăn đa dạng nhằm giảm sử dụng thức ăn công nghiệp mang lại hiểu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

Thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; phối hợp với chính quyền cơ sở để thực hiện giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm đến thôn, xóm, hộ chăn nuôi. Triển khai công tác tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi đợt 2 năm 2022 trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ cao.

Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung văn bản số 5749/UBND-NN2 ngày 19/8/2022 của UBND tỉnh về việc thực hiện các biện pháp ổn định giá thịt lợn và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Tạo ra sản phẩm chăn nuôi ổn định thị trường tiêu thụ, không có biến động lớn.

 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị ưu tiên các sản phẩm chăn nuôi chủ lực, có lợi thế tại địa phương để có kế hoạch, phát triển chăn nuôi bền vững (Ảnh: T.C)

UBND các huyện, thành phố rà soát lại số lượng đàn vật nuôi trên địa bàn, có kế hoạch tái đàn, tăng đàn đối với các đối tượng vật nuôi phù hợp và có lợi thế để đảm bảo chủ động nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong tỉnh và vùng lân cận. Phát triển chăn nuôi các giống lợn bản địa, đặc sản có giá trị cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, bền vững môi trường, an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, mô hình chuỗi liên kết hiệu quả có giá thành thấp, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, khả năng truy xuất nguồn gốc và sức cạnh tranh cho sản phẩm. Đẩy mạnh việc tổ chức xây dựng các cơ sở, chuỗi chăn nuôi khép kín; cơ sở, vùng, chuỗi sản xuất chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Đi cùng với đó, tổ chức tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi để chủ động phòng các bệnh nguy hiểm như: Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Dịch tả lợn, Tai xanh, …bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng 80% tổng đàn thuộc diện tiêm; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi mới phát sinh, mới nhập đàn và tiêm nhắc lại trước thời điểm hết miễn dịch sinh ra do lần tiêm trước. Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND cấp xã hướng dẫn cơ sở chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học, tổ chức giám sát dịch bệnh chủ động tại cơ sở; thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất, tiêu độc tại các khu vực nuôi và khu vực nguy cơ cao (như các chợ, điểm buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm,...) để tiêu diệt các loại mầm bệnh ngoài môi trường; hướng dẫn chủ vật nuôi khi thấy gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết nhiều bất thường cần báo cho cơ quan thú y, chính quyền địa phương để tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm, xác định nguyên nhân. Tuyệt đối không xả thải nước, bị dịch bệnh ra môi trường làm lây lan dịch bệnh; xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, ở diện hẹp, tránh để lây lan diện rộng, khó kiểm soát./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực