Ảnh minh họa (Nguồn: T.H)
Để đạt kết quả trong xây dựng nông thôn mới, một trong những nhiệm vụ quan trọng được Vĩnh Phúc triển khai là làm tốt công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.
Trong 10 năm, toàn tỉnh đã huy động được gần 12.897 tỷ đồng cho chương trình, riêng nhân dân và doanh nghiệp đóng góp gần 790 tỷ đồng. Nhiều địa phương trong tỉnh đã có những cách làm hay, sáng tạo trong huy động nguồn lực.
Trên cơ sở kết quả đạt được, tỉnh đang tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đưa 3 xã cuối cùng đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2019 và đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 100% huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 50% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 15% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; 30% số thôn được công nhận đạt chuẩn thôn dân cư nông thôn kiểu mẫu…
Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ dành khoảng 6.890 tỷ đồng đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020. UBND tỉnh cũng đang rà soát, điều chỉnh và ban hành Bộ tiêu chí của tỉnh quy định thực hiện xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025 theo hướng tách biệt rõ các nhóm tiêu chí bắt buộc và nhóm tiêu chí vận dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng.
Tĩnh Vĩnh Vĩnh Phúc cũng nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới theo hướng lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn nông thôn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu đầy đủ bản chất nhân văn của xây dựng nông thôn mới, quán triệt tư tưởng “xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng có điểm kết thúc”.
Đồng thời, tiếp tục phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững gắn với huy động tốt các nguồn lực để đảm bảo xây dựng nông thôn mới trở thành nơi đáng sống, chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông thôn được nâng cao với tỷ lệ hộ nghèo dưới 0,1%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%.