Vĩnh Phúc: Thúc đẩy các giải pháp phát triển ngành thủy sản

Thứ năm, 21/12/2017 16:54
(ĐCSVN) - Thủy sản là một trong những ngành có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế của Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, để phát huy tiềm năng của lĩnh vực này, địa phương vẫn cần triển khai nhiều giải pháp quan trọng.

Ảnh minh họa. (Ảnh: BT)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vĩnh Phúc, Vĩnh Phúc nằm trong vùng đồng bằng Bắc Bộ, có lưu vực các sông lớn như: sông Hồng, sông Lô,… chảy qua, có nguồn lợi thủy sản tự nhiên trong các thủy vực khá phong phú. Ngoài ra các loại thủy sản: Tôm càng xanh, tôm riu, cua đồng, trai cánh, ốc nhồi, tép Đầm Vạc cũng khá đa dạng.

Năm 2017, mặc dù bị ảnh hưởng của cơn bão số 2 làm một số diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh bị ngập, tràn, nhưng do làm tốt công tác khắc phục kịp thời nên diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh ước đạt gần 7.000 ha, tăng 0,72% so với năm 2016, đạt 97,3% kế hoạch; sản lượng thủy sản ước đạt hơn 20 nghìn tấn, đạt 97,5% kế hoạch và tăng gần 4% so với cùng kỳ.

Trên địa bàn tỉnh, nhiều địa phương có tiềm năng nuôi trồng thủy sản. Tại xã Yên Lập, huyện Vĩnh Tường có bước phát triển và tăng trưởng nhanh về nuôi trồng thủy sản. Đảng uỷ, UBND xã đã tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp bà con địa phương quy hoạch các vùng nuôi thuỷ sản tập trung. Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình đã đầu tư mở rộng diện tích, nâng cấp hệ thống ao nuôi, phát triển thuỷ sản theo hướng bền vững, cho hiệu quả kinh tế cao.

Hiện nay, xã Yên Lập có khoảng 312 hộ nuôi trồng thuỷ sản với tổng diện tích hơn 58,8 ha, chủ yếu là nuôi cá giống. Với mục tiêu hỗ trợ lẫn nhau về kỹ thuật và thị trường tiêu thụ sản phẩm giữa các hộ nuôi, xã quy hoạch vùng nuôi thuỷ sản tập trung ở 4 thôn: Phủ Yên 1, Phủ Yên 2, Phủ Yên 3 và Phủ Yên 4. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình đã kiên cố hoá bờ ao, phát triển thuỷ sản, thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong thôn, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững. 

Yên Lập đã trở thành trung tâm cung cấp cá giống cho các vùng nuôi trồng thuỷ sản trong và ngoài tỉnh. Nghề nuôi cá giống đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Mỗi năm, Yên Lập sản xuất ra hàng trăm tấn cá giống các loại cung cấp ra thị trường, đem lại doanh thu trên 12 tỷ đồng/năm. Nhờ đó, đời sống của người dân được nâng lên đáng kể, thu nhập bình quân đầu người đạt 18,2 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 4,97%.

Cùng với đó, Vĩnh Tường cũng là huyện có tiềm năng về phát triển nuôi trồng thủy sản, với diện tích mặt nước khoảng 1.590 ha, bao gồm hệ thống các ao nuôi và các hồ, đầm rộng như đầm Rưng, đầm Chua, đầm Kiên Cương, đầm Phú Đa,…Đối tượng nuôi trồng thủy sản ở Vĩnh Tường đến nay chủ yếu là cá truyền thống như Mè, Trôi, Trắm, Chép. Có một số khu vực chuyên sản xuất, cung cấp cá giống lâu năm và có uy tín như xã Yên Lập, Đại Đồng, Tân Tiến, ngoài ra có Trung tâm Giống thủy sản và Trại sản xuất giống Vũ Di (thuộc Chi cục Thủy sản) đóng trên địa bàn huyện.

Huyện Vĩnh Tường còn có tiềm năng về phát triển nguồn lợi thủy sản với hệ thống sông Hồng, sông Phó Đáy, sông Phan chảy qua địa bàn. Hình thức nuôi trồng chủ yếu là quảng canh cải tiến và bán thâm canh. Từ năm 2009 một số giống cá mới có năng suất và chất lượng tốt được chuyển giao vào nuôi như cá Rô phi đơn tính dòng Đường Nghiệp, Chép lai 3 máu, cá Nheo Mỹ, cá Lăng. Việc quản lý, chăm sóc nuôi trồng thủy sản tại địa phương những năm gần đây luôn được chú trọng, từng bước được cải thiện và nâng cao về giá trị kinh tế, nhất là các mô hình nuôi thâm canh cá Rô phi đơn tính, cá Chép lai.

Ảnh minh họa. (Ảnh: BT)

Trong những năm tới, nuôi trồng thủy sản của huyện sẽ tập trung vào việc thực hiện quy hoạch về nuôi trồng thủy sản thông qua thực hiện Đề án về dồn thửa đổi ruộng, trên cơ sở phát huy có hiệu quả hơn về tiềm năng lợi thế vùng và các thủy vực đã có, kết nối với các vùng được quy hoạch mới tạo ra vùng sản xuất có diện tích đủ lớn để hướng tới liên kết sản xuất hàng hóa trong nuôi trồng thủy sản. Qua đó, tạo hiệu quả cao và bền vững trong sản xuất. Về đối tượng nuôi trong sản xuất đại trà vẫn duy trì sản xuất với các loại cá truyền thống có thị hiếu, chất lượng tốt và thị trường rộng áp dụng phương thức nuôi bán thâm canh. Khuyến khích và nhân rộng phương thức nuôi thâm canh đối với giống cá Rô phi đơn tính dòng Đường Nghiệp, Chép lai 3 máu.

Theo Chi cục Thủy sản Vĩnh Phúc, thời gian tới, sẽ tiếp tục chỉ đạo các hộ nuôi trồng thủy sản đa dạng hóa đối tượng, phương thức nuôi trồng thủy sản; đẩy mạnh áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm chủ lực; phát triển một số sản phẩm có tiềm năng và các vùng nuôi thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm nước, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái.

Bên cạnh đó, tại các địa phương, để phát triển thủy sản bền vững, cần có sự quan tâm thường xuyên của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương. Đồng thời, công tác điều tra nguồn lợi thủy sản cũng hết sức quan trọng. Đây là những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy hiệu quả nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc./.

KN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực