Đó là mục tiêu đề ra của Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2020 của tỉnh Vĩnh Phúc.
Năm 2020, địa phương hướng đến đổi mới Hợp tác xã (HTX) trên các mặt, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, phát triển sản phẩm có giá trị cao, sản phẩm từ nghề truyền thống thông qua mô hình HTX kiểu mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các thành viên HTX. Đồng thời, nâng tỷ trọng đóng góp GDP của kinh tế tập thể vào tăng trưởng chung của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển các hình thức HTX trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Củng cố HTX hiện có, khuyến khích phát triển HTX quy mô lớn với bước đi vững chắc; khuyến khích phát triển các Liên hiệp HTX chuyên ngành, đa ngành.
Nhằm thực hiện mục tiêu, địa phương sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ. Trong đó, rà soát tình hình hoạt động của các HTX, thu hút kết nạp thêm thành viên, tăng vốn góp của các thành viên vào HTX. Tăng cường năng lực tổ chức điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX, hỗ trợ thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại HTX nông nghiệp. Hỗ trợ kết cấu hạ tầng HTX phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm.
Song song với đó, cải tiến phương pháp, nội dung và nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện chương trình đào tạo bồi dưỡng cán bộ HTX và nguồn nhân lực trong khu vực kinh tế tập thể. Tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề thiết thực góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể,…
Báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, hiện nay, toàn tỉnh có 13 tổ hợp tác đang hoạt động tất cả đều trong lĩnh vực nông nghiệp; 1 Liên hiệp Hợp tác xã chăn nuôi, hiện đang chờ giải thể; 679 HTX. Tính từ đầu năm đến nay, có 15 HTX được thành lập mới. Doanh thu bình quân của mỗi HTX là 910 triệu đồng/năm, đạt 106,2% so với mục tiêu kế hoạch năm 2019./.