Vĩnh Phúc: tìm giải pháp hỗ trợ cụm công nghiệp

Thứ năm, 05/12/2019 10:06
(ĐCSVN) – Với sự đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp, tạo việc làm cho nhiều lao động, các cụm công nghiệp (CCN) tỉnh Vĩnh Phúc có vai trò không nhỏ trong góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn tại địa phương.
leftcenterrightdel
Một cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh: T.T) 

Theo quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ hình thành 32 CCN với tổng diện tích trên 688 ha. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 18 CCN được coi là hình thành, thành lập với tổng diện tích trên 376 ha. Trong đó, 13 CCN được thành lập, giao chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng và 5 CCN được coi là hình thành. Hiện, các CCN trên địa bàn tỉnh thu hút được 541 dự án đầu tư.

Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, nhưng việc quản lý, phát triển các CCN vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. CCN Việt Xuân (huyện Vĩnh Tường), CCN Yên Phương (huyện Yên Lạc) không đáp ứng đủ điều kiện về tỷ lệ lấp đầy theo quy định. Đối với các cụm KT- XH được quy hoạch thành CCN, bao gồm: CCN Tân Tiến (huyện Vĩnh Tường), CCN Hương Canh (huyện Bình Xuyên), CCN Hợp Thịnh (huyện Tam Dương) đã hình thành nhưng chưa được UBND các huyện giao đầu mối quản lý, dẫn đến an ninh trật tự trong cụm chưa được quan tâm, còn tình trạng ô nhiễm do chưa được đầu tư các hạng mục về môi trường.

Mặt khác, tỷ lệ lấp đầy tại các khu đất quy hoạch các CCN này khá cao, cơ bản đã lấp đầy nên vẫn chưa có nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng, dẫn đến hệ thống giao thông chưa được đầu tư hoàn thiện, không có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Các địa phương chậm cập nhật dự án vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, gây ảnh hưởng tới tiến độ thu hút đầu tư hạ tầng các CCN. Thời gian qua, tại một số địa phương (huyện Tam Đảo, huyện Vĩnh Tường, huyện Lập Thạch), nhà đầu tư quan tâm đến việc phát triển các CCN trên địa bàn; tuy nhiên, theo quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, chưa có quy hoạch các CCN mà các địa phương, nhà đầu tư quan tâm.

Ngoài ra, công tác GPMB cũng gặp không ít khó khăn. Được quyết định thành lập từ năm 2009 với quy mô hơn 24ha nhưng đến nay, CCN Đồng Văn (Yên Lạc) mới chỉ GPMB được hơn 6ha do một số hộ dân nằm trong diện phải thu hồi đất nhưng không nhận tiền bồi thường và yêu cầu chủ đầu tư trả giá rất cao nên công tác GPMB chưa thể hoàn thành. Một số khác đã chuyển nhượng đất nông nghiệp trong phạm vi dự án cho các doanh nghiệp sử dụng không đúng mục đích gây khó khăn cho công tác GPMB.

Với mục tiêu tạo cơ chế hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng những CCN còn lại theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất khu vực công nghiệp nông thôn, tháng 12/2018, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 50/2018/NQ-HĐND về việc hỗ trợ đầu tư, phát triển CCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2019- 2021. 100% các CCN đã đi vào hoạt động được đầu tư hệ thống xử lý nước thải và thu gom rác thải công nghiệp; di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng trong làng nghề vào CCN để đầu tư SXKD,

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các CCN đã thành lập và thu hút đầu tư hạ tầng các CCN mới theo quy hoạch được duyệt, thời gian tới, Sở Công thương tham mưu UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao cơ quan chuyên môn hướng dẫn việc điều chỉnh bổ sung quy hoạch các CCN đảm bảo theo đúng Luật Quy hoạch; giao Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo UBND tỉnh xem xét điều chỉnh bổ sung Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020; yêu cầu UBND các huyện: Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Dương khẩn trương lập hồ sơ thành lập các CCN đã hình thành để giao đầu mối quản lý phù hợp với quy định, giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, xem xét, bố trí ngân sách Nhà nước để đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trọng tâm là hệ thống giao thông và hệ thống xử lý nước thải tập trung.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực