Vĩnh Phúc: Tín dụng ưu đãi hỗ trợ thiết thực cho mục tiêu giảm nghèo của tỉnh

Thứ tư, 30/03/2022 17:30
(ĐCSVN) - Thực tế vừa qua cho thấy, nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp sức cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đầu tư sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo.

Đặc biệt, những năm qua, tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc liên tục được đầu tư và có mức tăng trưởng mạnh. Năm 2021 vừa qua, tổng nguồn vốn NHCSXH chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc đạt 3.220 tỷ đồng, tăng 373 tỷ đồng so với đầu năm; dư nợ đạt 3.213 tỷ đồng, nợ quá hạn chiếm 0,2% tổng dư nợ. Năm 2021, đã có hơn 28.300 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận vốn vay tín dụng chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo.

NHCSXH chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc ký cam kết thực hiện giảm nghèo năm 2022 (Ảnh: PV) 

Từ nguồn vốn cho vay của NHCSXH chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc, đã tiếp sức cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đầu tư sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo. Đơn cử như gia đình ông Lê Văn Nhượng, thôn Miêu Cốc, xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc nhiều năm thuộc diện hộ nghèo cho đến khi "vận may" đến là được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH. “Với nguồn vốn 50 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH năm 2019, gia đình tôi đã đầu tư nuôi 2 cặp bò sinh sản", ông Nhượng chia sẻ. Với sự động viên và truyền đạt kỹ thuật chăn nuôi từ các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ NHCSXH, cùng sự nỗ lực của gia đình nên 2 cặp bò của ông Nhượng sinh sôi nảy nở thành đàn bò gần chục con. Nguồn vốn liên tục được quay vòng và lớn dần nên gia đình ông Nhượng có "bát ăn, bát để" rồi chính thức ra khỏi danh sách hộ nghèo vào cuối năm 2020.

Không chỉ ở các huyện mà ngay cả những hộ ở ven thành phố Vĩnh Yên khi có nhu cầu vay vốn ưu đãi đều được đáp ứng. Gia đình chị Nguyễn Thị Hiên, ở xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên thuộc diện hộ nghèo nên cũng từng được NHCSXH cho vay vốn để thoát nghèo.

Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc họp phiên thường kỳ quý I/2022 (Ảnh: PV) 

Thống kê cho thấy, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống của nhân dân trong tỉnh từng bước được nâng cao trong những năm gần đây. Nếu như năm 2005, tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 18% số hộ nghèo theo tiêu chí mới (6% theo tiêu chí cũ). Với sự nỗ lực không ngừng, đến cuối năm 2020, số hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 ở tỉnh Vĩnh Phúc còn 3.465 hộ, chiếm tỷ lệ 0,98%; cận nghèo còn 6.628 hộ, chiếm tỷ lệ 1,88%. Từ năm 2015, toàn tỉnh không còn xã nghèo (xã có tỷ lệ hộ nghèo lớn hơn 25%), không còn hộ nghèo là đối tượng chính sách, người có công; 100% địa phương không còn nhà tạm hoặc dột nát.

Tại hội nghị ký cam kết thực hiện các chỉ tiêu vay vốn tín dụng giải quyết việc làm đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo gắn với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2022, do UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức mới đây, tỉnh đã đưa ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Vĩnh Phúc giảm còn 1,08%, tương đương giảm 1.400 hộ nghèo, giảm 0,43% so với đầu năm; có 1.194 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn tín dụng phát triển sản xuất, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động. Sự kiện này cũng cho thấy sự quyết tâm, đồng lòng của chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và ngân hàng đối với mục tiêu giảm nghèo, trong đó có NHCSXH chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc - địa chỉ quen thuộc của hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách xã hội.

Theo ông Tạ Ngọc Thảo, Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc, để đóng góp vào kết quả giảm nghèo của tỉnh, thời gian qua, Chi nhánh đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, NHCSXH Trung ương tập trung triển khai đồng bộ các chương trình, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, tích cực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển tải vốn tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn. Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, tín dụng chính sách đã tích cực hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, gắn với bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, người gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn.

Hoạt động tín dụng ưu đãi cũng luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các sở, ban, ngành. Ngay như năm 2021, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, công văn số 756-CV/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đặc biệt, NHCSXH đã phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện tốt Chương trình hành động của Bí thư Tỉnh ủy. Trọng tâm là tham mưu bổ sung nguồn vốn để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Kết quả trong năm 2021, UBND tỉnh chuyển bổ sung 100 tỷ đồng, UBND các huyện, thành phố chuyển bổ sung 9 tỷ đồng; tổng số nguồn vốn ủy thác UBND tỉnh, UBND cấp huyện chuyển trong năm 2021 là 109 tỷ đồng.

 Phiên giao dịch tại các điểm xã được duy trì thường xuyên (Ảnh: PV)

Đặc biệt, với tinh thần trách nhiệm cao của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH từ cấp tỉnh đến cấp huyện cũng góp phần quan trọng vào thành công của tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Ông Vũ Việt Văn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Ban đại diện thường xuyên chỉ đạo NHCSXH thực hiện rà soát nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, học sinh - sinh viên, giải quyết việc làm của toàn tỉnh để tổng hợp báo cáo Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh thực hiện bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay hằng năm.

Chỉ đạo Hội đoàn thể nhận ủy thác thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nội dung ủy thác theo Văn bản liên tịch, Hợp đồng ủy thác đã ký với NHCSXH. Tích cực tuyên truyền đến hộ vay, tổ TK&VV và người dân trên địa bàn về mục đích ý nghĩa của việc tham gia gửi tiền tiết kiệm theo quy ước của Tổ và tiền gửi tiết kiệm dân cư. Bám sát Biên bản cam kết giảm nghèo ký kết giữa các sở, ngành, UBND cấp huyện, NHCSXH tập trung phối hợp, rà soát ưu tiên cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và thực hiện các biện pháp để thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Ông Vũ Việt Văn cho rằng, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, UBND cấp huyện cân đối, ưu tiên bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Vĩnh Phúc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn; các sở ngành, đơn vị, các quỹ… trong tỉnh mở tài khoản và gửi các khoản tiền tạm thời nhàn rỗi vào NHCSXH chi nhánh tỉnh để huy động nguồn lực đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, góp phần giảm cấp bù cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, Tổ TK&VV làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực