Từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn luôn có các chính sách tăng cường huy động tiền gửi tiết kiệm trong dân cư, tiền gửi các tổ chức kinh tế và phát hành giấy tờ có giá đảm bảo thanh khoản và đáp ứng cho các nhu cầu vốn của nền kinh tế. Mặc dù tại thời điểm cuối tháng 7/2018, tiền gửi từ các tổ chức kinh tế có phần giảm mạnh, tuy nhiên tiền gửi tiết kiệm trong nhân dân vẫn tăng, bù đắp thanh khoản do các tổ chức kinh tế rút tiền gửi thực hiện sản xuất kinh doanh. Việc phát hành giấy tờ có giá cũng tăng trưởng trở lại sau 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm. Ước đến hết 31/8, tổng nguồn vốn huy động đạt 63.700 tỷ đồng, tăng 3,01% so với cuối năm 2017, trong đó, tiền gửi các tổ chức kinh tế đạt 23.170 tỷ đồng, giảm 11,3% so với cuối năm 2017; tiền gửi tiết kiệm đạt 39.350 tỷ đồng, tăng 13,31%; phát hành giấy tờ có giá đạt 1.180 tỷ đồng, tăng 19,07% so với cuối năm 2017.
Ảnh minh họa (Nguồn: N.Y)
Cùng với đó, hệ thống tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã chú trọng mở rộng tín dụng có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực phi sản xuất, lĩnh vực có rủi ro cao đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn ước đến 31/8 đạt 60.680 tỷ đồng, tăng 14,84% so với cuối năm 2017, trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 37.335 tỷ đồng, tăng 15,14% so với cuối năm 2017, chiếm 61,53% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 23.354 tỷ, tăng 14,36% so với cuối năm 2017 và chiếm 38,47% tổng dư nợ.
Những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Vĩnh Phúc tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện kế hoạch kinh doanh hiệu quả, an toàn, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu được giao từ đầu năm; chú trọng ưu tiên nguồn vốn cho vay các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, lĩnh vực tiêu dùng; cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn; chủ động xây dựng các chương trình cho vay với lãi suất hợp lý, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng kết hợp với đổi mới quy trình cho vay, đơn giản hóa thủ tục vay vốn; nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, không để doanh nghiệp có phương án kinh doanh hiệu quả, khả thi thiếu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.