(ĐCSVN) – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng đã ký ban hành Kế hoạch số 16/KH-HĐND ngày 4/6/2013 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu.
Theo đó, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ.
Trên cơ sở đó, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải bảo đảm quyền của đại biểu HĐND trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; tôn trọng quyền báo cáo, giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; Công khai, công bằng, dân chủ, khách quan; bảo đảm đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; Đề cao trách nhiệm của đại biểu HĐND; bảo đảm tiêu chuẩn của người giữ chức vụ do HĐND bầu; bảo đảm sự ổn định và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ.
Cũng theo Kế hoạch này, các chức danh Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Uỷ viên Thường trực HĐND, Trưởng Ban của HĐND; Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND và các Ủy viên của UBND cấp tỉnh, huyện sẽ thuộc danh sách lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Riêng cấp xã chỉ có Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND; Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND và các Ủy viên của UBND cấp xã thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Theo Kế hoạch của tỉnh, việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện định kỳ tại kỳ họp thường lệ đầu tiên hằng năm của HĐND các cấp, kể từ năm thứ hai của mỗi nhiệm kỳ; riêng nhiệm kỳ 2011 – 2016 thì việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiến hành tại kỳ họp thường lệ đầu tiên của năm 2013.
Kế hoạch cũng quy định rõ về các căn cứ lấy phiếu tín nhiệm đồng thời nêu chi tiết về quy trình, thủ tục và cách thức lấy phiếu tín nhiệm và kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Trong đó nêu rõ, Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm được gửi đến người có trên hai phần ba tổng số đại biểu HĐND đánh giá “Tín nhiệm thấp” hoặc 02 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu HĐND đánh giá “Tín nhiệm thấp” để người đó có thể xin từ chức. Với trường hợp không từ chức, Thường trực HĐND chủ trì, phối hợp cùng cơ quan tham mưu về công tác cán bộ chuẩn bị các điều kiện về thủ tục và nhân sự báo cáo cấp có thẩm quyền để trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm chậm nhất là vào kỳ họp tiếp theo theo quy định tại Điều 12 và Điều 13 của Nghị quyết số 35/2012/QH13.
Kế hoạch còn thông tin chi tiết về quy trình bỏ phiếu tín nhiệm, phiếu sử dụng trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm, việc xác nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm, hệ quả đối với người không được HĐND tín nhiệm cùng với quy trình, thủ tục từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm chi tiết và thấu đáo. Ngoài ra, còn quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Kế hoạch đã khẳng định, việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện định kỳ hàng năm, trong đó, cấp tỉnh bắt đầu lấy phiếu tín nhiệm từ kỳ họp thứ VII (hoàn thành trong tháng 7/2013); Cấp huyện, xã, bắt đầu đầu lấy phiếu tín nhiệm từ kỳ họp thường lệ giữa năm của năm 2013./.