Thời gian qua, nhiều giải pháp thiết thực cho công tác xuất khẩu lao động năm 2017 và các năm tiếp theo đã được triển khai. Trong đó có việc tích cực tuyên truyền về các chính sách của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ xuất khẩu lao động; kiểm soát chặt hoạt động của các doanh nghiệp dịch vụ tuyển lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp này với các trung tâm, trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu, tham mưu biện pháp phù hợp để thúc đẩy hoạt động tạo nguồn lao động đi xuất khẩu.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo giải quyết việc làm tỉnh, trong gần 2 thập kỷ qua, thị trường tiếp nhận lao động mở rộng, chất lượng nguồn lao động Vĩnh Phúc được nâng cao. Đến nay, lao động Vĩnh Phúc đã có mặt tại hơn 30 thị trường tiếp nhận lao động trên toàn thế giới. Xuất khẩu lao động đã và đang trở thành giải pháp hiệu quả trong mục tiêu giải quyết việc làm và giảm nghèo của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 21.200 lao động đã xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Với 3 đơn vị dịch vụ việc làm, đào tạo lao động xuất khẩu, 50 doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động hoạt động trên địa bàn, giai đoạn 2014-2016, toàn tỉnh đã đưa 6.364 người đi xuất khẩu lao động có thời hạn. Thị trường xuất khẩu lao động ngày càng đa dạng, trong đó, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc là 3 thị trường được nhiều lao động lựa chọn nhất.
Thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo, 3 năm qua có gần 1.500 người lao động xuất khẩu được hỗ trợ với tổng số tiền xấp xỉ 10 tỷ đồng. Qua hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội, có hơn 800 lao động được vay vốn.
Từ năm 2014 đến hết năm 2016, có 328 lao động gửi tiền về nước qua tài khoản tại hệ thống ngân hàng tỉnh Vĩnh Phúc với tổng số tiền trên 128 tỷ đồng.
Mặc dù số lao động xuất cảnh giai đoạn 2014-2016 tăng cao so với giai đoạn trước song vẫn còn thấp so với thực tế nhu cầu và nguồn lao động của tỉnh. Bên cạnh đó, số lao động vay vốn thông qua Ngân hàng chính sách xã hội thấp hơn so với lao động xuất cảnh. Tình trạng lao động không tuân thủ quy định pháp luật của nước sở tại, bỏ trốn ra ngoài làm việc, không về nước khi hết hạn hợp đồng vẫn xảy ra.