Vĩnh Phúc vững bước phát triển công nghiệp

Thứ tư, 14/04/2010 10:20

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 khu công nghiệp đã triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng và đi vào hoạt động với diện tích 1.395 ha (tỷ lệ lấp đầy khoảng 69,1%); 4 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư với diện tích 889 ha và 11 khu đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung và danh mục các khu công nghiệp dự kiến ưu tiên thành lập mới đến năm 2020 với diện tích 3.754 ha.

Ngoài các khu công nghiệp tập trung, toàn tỉnh đã quy hoạch chi tiết 3 cụm công nghiệp (CN) với tổng diện tích 200 ha; 8 cụm TTCN - làng nghề với tổng diện tích 89 ha. Cùng với việc phát triển công nghiệp tập trung, công nghiệp hiện đại thì công nghiệp nông thôn và khôi phục phát triển TTCN làng nghề đang được đẩy mạnh, giải quyết được nhiều việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn, chất lượng lao động CN -TTCN đã và đang được nâng cao. Dự kiến quy hoạch đến năm 2015 có 23 cụm CN - TTCN làng nghề với diện tích 487,8 ha.

Các dự án đầu tư nước ngòai đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển công nghiệp của tỉnh, những năm qua đã hình thành nên các trung tâm công nghiệp lớn như trung tâm công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy (với các nhà máy của Honda, Toyota, Deawoo, Piaggio và nhiều nhà máy sản xuất sản phẩm linh kiện phụ tùng); trung tâm sản xuất vật liệu xây dựng lớn so với toàn quốc… Giá trị sản xuất công nghiệp do các dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngòai tạo ra chiếm 64,57% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu do các dự án FDI tạo ra hàng năm chiếm trên 85% giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Thu ngân sách từ các dự án FDI chiếm trên 80% tổng thu ngân sách toàn tỉnh hàng năm. Giải quyết việc làm cho gần 6 vạn lao động trực tiếp trong các nhà máy. Trong đó lao động là người của tỉnh chiếm trên 60%, riêng 3 năm gần đây mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 01 vạn lao động, chưa kể các lao động trực tiếp thi công công trên các công trường xây dựng và lao động gián tiếp khác.

Những kết quả trên đã góp phần thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn tỉnh, bình quân giai đoạn 1997-2008 tăng 17,5%, năm 2009 tăng 8,34%. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng công nghiệp - xây dựng tăng dần tỷ trọng giải quyết việc làm và các vấn đề xã hội khác, từng bước thúc đẩy phát triển dịch vụ và nông nghiệp.

Để phấn đấu có những yếu tố cơ bản của một tỉnh công nghiệp vào năm 2015 và trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI theo tinh thần của Đại hội Đảng bộ của tỉnh lần thứ XIV, trong thời gian tới ngành Công Thương phấn đấu: đến năm 2015 kinh tế có cơ cấu công nghiệp - xây dựng chiếm 62,7%, trong đó riêng công nghiệp chiếm 59,9%; dịch vụ thương mại chiếm 30,6 và nông-lâm-ngư nghiệp chiếm 6,7%. Đến năm 2020 cơ cấu công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 59,4%, riêng công nghiệp chiếm 57,1%. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp giai đoạn 2011-2015 là 13,5%/năm và giai đoạn 2016-2020 là 17,5%/năm. Kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 500 triệu USD, năm 2015 đạt 3.500 triệu USD. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng năm giai đoạn 2011-2015 đạt 47,6%. Hoàn thiện công bố và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với phát triển từng giai đoạn, từng thời kỳ.Bên cạnh đó tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng ưu tiên các tập đoàn kinh tế lớn, có tiềm năng, khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, các sản phẩm có hàm lượng chất xám, có giá trị gia tăng cao; tiếp tục ưu tiên các ngành công nghiệp chủ lực, có lợi thế so sánh, các ngành nghề truyền thống. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống, công nghiệp hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Kêu gọi vốn đầu tư vào các dự án chế biến thực phẩm công nghiệp tiêu dùng. Đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp - TTCN tại các làng nghề; Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ hạ tầng các cụm công nghiệp, TTCN - làng nghề. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển công nghiệp. Đẩy mạnh việc phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển nhất là nhân lực có chất lượng để thu hút các dự án đầu tư có trình độ công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực