Vĩnh Phúc: Xây dựng chuỗi nông sản an toàn nâng cao giá trị sản phẩm

Thứ năm, 05/12/2019 10:06
(ĐCSVN) – Hiện nông nghiệp Vĩnh Phúc đã từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn theo lợi thế của địa phương, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).
leftcenterrightdel
Ảnh minh họa  (Nguồn: T.T)

Từ năm 2012 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc đã phối hợp với các đơn vị, dự án xây dựng 20 chuỗi liên kết nông sản và chuỗi nông sản an toàn. Qua đó, hình thành một số mô hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi khép kín đảm bảo ATTP như: Chuỗi sản xuất, tiêu thụ thịt lợn an toàn của Công ty TNHH MTV sản xuất và thương mại Phát Đạt với 2 cửa hàng bán thực phẩm an toàn hoạt động ổn định từ năm 2014 đến nay; chuỗi rau an toàn Vân Hội Xanh.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 128 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP; trong đó có 71 cơ sở sản xuất rau, quả với diện tích 700ha, sản lượng khoảng 35 nghìn tấn/năm; 39 cơ sở chăn nuôi lợn thịt, sản lượng khoảng 3.000 tấn thịt/năm; 13 cơ sở nuôi thủy sản, diện tích trên 60 ha, sản lượng khoảng 250 tấn/năm; 3 cơ sở chăn nuôi bò sữa và 6 cơ sở chăn nuôi gà thịt, gà đẻ.

Nhiều hợp tác xã (HTX) trở thành nhà cung cấp thường xuyên cho một số doanh nghiệp lớn chuyên cung ứng sản phẩm cho các bếp ăn trường học và bếp ăn công nghiệp. Đặc biệt, từ tháng 6/2017 đến nay, một số HTX đã liên kết với các doanh nghiệp đưa các sản phẩm rau an toàn vào hệ thống siêu thị như VinMart, Aloha, Lotte.

Sau hơn 2 năm thành lập, HTX rau an toàn Visa, xã Đại Tự (Yên Lạc) đã xây dựng thành công vùng sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo chị Lê Thị Thu Hương, Giám đốc HTX rau an toàn Visa, để đáp ứng nhu cầu sử dụng rau sạch của khách hàng, trên cơ sở hạ tầng của dự án QSEAP, HTX đã thiết kế logo, bao bì, đăng ký mã vạch, mã số, in tem nhãn, đóng gói sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm mà mình lựa chọn.

Mỗi sản phẩm của HTX đều sử dụng 1 tem QR code để nhận diện. Nhờ sự minh bạch về nguồn gốc và cam kết chịu trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm nên thương hiệu rau an toàn Visa đã chiếm được niềm tin của người tiêu dùng và từng bước có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Hiện, HTX đang chia các loại sản phẩm thành 2 phân khúc; sản phẩm rau loại 1 được HTX ký kết hợp đồng cung cấp cho hệ thống siêu thị Vinmark, Aloha Mall, các cửa hàng, chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh Lotteria ở các tỉnh, thành với số lượng bình quân 1-1,2 tấn/ngày; sản phẩm loại 2, HTX cung cấp cho 76 nhà hàng, quán ăn trên địa bàn 2 huyện: Yên Lạc, Vĩnh Tường với số lượng 2 tạ/ngày.

Doanh thu bình quân từ 2 phân khúc rau của HTX đạt 1,2 tỷ đồng/ tháng, sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận thu về đạt 20%. Hiện, HTX đã mở cửa hàng rau an toàn tại huyện Vĩnh Tường với các sản phẩm được sản xuất theo quy trình VietGAP, có đăng ký mã số, mã vạch, qua đó khách hàng có thể truy xuất được nguồn gốc.

Theo đại diện Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, thời gian qua, Chi cục đã phối hợp với Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tiếp nhận và cấp gần 35 nghìn tem truy xuất nguồn gốc bằng mã QR code cho các HTX trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh nông sản tạo lập hệ thống sổ sách dưới dạng bản in để theo dõi truy xuất nguồn gốc theo nguyên tắc một bước trước - một bước sau.

Nhờ thiết lập đầy đủ hệ thống theo dõi, truy xuất nguồn gốc nên chi cục đã giải quyết tốt các vấn đề mất ATTP tại một số doanh nghiệp chế biến chè, kịp thời thu hồi xử lý những lô sản phẩm không đảm bảo ATTP.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp cũng như người sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác vẫn chưa mặn mà với việc áp dụng các biện pháp truy xuất nguồn gốc; hiện, trên địa bàn tỉnh có khoảng 15-17 HTX triển khai truy xuất nguồn gốc nông sản, trong đó chủ yếu là sản phẩm của các mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP.

Nguyên nhân do hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc còn chưa cụ thể; hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc nhập và tra cứu dữ liệu hạn chế; việc dán tem truy xuất nguồn gốc làm tăng chi phí đầu vào, mất nhiều thời gian và công sức nên các cơ sở sản xuất ngại áp dụng.

Bên cạnh đó, việc sản xuất nông sản ở các địa phương hiện nay chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ, không ổn định, nông dân chưa quan tâm đến việc ghi chép nhật ký đồng ruộng nên không thể truy xuất được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Thêm vào đó, mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh còn chịu nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh khó kiểm soát; khoa học kỹ thuật còn lạc hậu, thiếu sự đầu tư cho công tác tiếp thị, nghiên cứu thị trường…

Một nguyên nhân nữa, phần lớn người tiêu dùng chưa có ý thức yêu cầu người sản xuất cung cấp nguồn gốc xuất xứ nông sản mình mua; vẫn có thói quen mua nông sản tại các chợ truyền thống hoặc do các hộ gia đình tự thu hoạch đem ra chợ bán. Thậm chí tại một số siêu thị, các cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh nhiều mặt hàng nông sản được dán các loại tem truy xuất nguồn gốc, song, rất ít người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc thông tin về nhà sản xuất, quy trình chăm sóc, mà chỉ quan tâm thời hạn sử dụng của sản phẩm.

Anh Nguyễn Văn Tám, Khai Quang (Vĩnh Yên) cho biết: "Dù ưu tiên lựa chọn sản phẩm sạch ở siêu thị BigC nhưng tôi thường mua hàng theo cảm tính chứ không quét mã QR code. Vì mỗi lần lựa chọn sản phẩm lại lấy điện thoại ra quét mất rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, mỗi sản phẩm lại có quá nhiều loại tem mác, khác nhau về hình dạng, kích thước nên không thể phân biệt đâu là tem tích hợp thông tin chính xác nhất".

Để nông sản an toàn của tỉnh có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, thời gian tới, tỉnh xây dựng cơ chế khuyến khích hỗ trợ liên kết, hợp tác trong sản xuất kinh doanh nông sản an toàn có truy xuất, nhằm tăng cường khả năng phân phối hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hướng tới xuất khẩu; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, người sản xuất cũng như doanh nghiệp, HTX về vai trò, lợi ích của việc dán tem truy xuất nguồn gốc đến nhà sản xuất và người tiêu dùng; xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu nông sản; khuyến khích phát triển liên kết sản xuất.

Thanh Tâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực