Ra quân dồn thửa đổi ruộng ở Vĩnh Tường (Ảnh: Báo Dân Việt)
Theo báo cáo của Thường trực Huyện ủy Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, để khắc phục tình trạng sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, bấp bênh kém hiệu quả, cần phải lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, tích tụ ruộng đất. “Dồn thửa, đổi ruộng” là bước đi ban đầu rất quan trọng giúp cho tập trung tích tụ ruộng đất thành công, tạo điều kiện cho nông dân từng bước đưa cơ giới, đưa khoa học công nghệ, liên kết với doanh nghiệp hoặc hình thành các tổ chức kinh tế tập thể tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ hàng hóa nông sản, nâng cao tính hiệu quả và tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp.
Hiệu quả bước đầu của Chỉ thị số 11-CT/TU vể tiếp tục thực hiện “dồn thửa, đổi ruộng”
Trước đó, Chỉ thị số 11–CT/TU, ngày 11/11/2016 của Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện công tác “dồn thửa đổi ruộng” trong nông nghiệp đã xác định rất rõ sự cần thiết, các nguyên tắc phải tuân thủ trong “dồn thửa, đổi ruộng”, đồng thời Tỉnh ủy đã chỉ định làm thí điểm ở 02 xã thuộc huyện Vĩnh Tường đó là xã Cao Đại và xã Ngũ Kiên. Cấp ủy và chính quyền địa phương của huyện Vĩnh Tường đã xác định công tác này là việc làm rất có lợi cho nông dân, nhưng khi thực hiện sẽ gặp vô vàn khó khăn. Bởi đây là việc làm do nông dân làm chủ thể, là việc của hầu hết các hộ đã được giao ruộng theo Nghị định 64/TTCP/1993, là việc phải liên quan tới rất đông người. Nhiều người tham gia sẽ có nhiều ý kiến, không tránh khỏi những ý kiến trái chiều và ý kiến không đồng thuận với chủ trương này.
Do đó, để tiến hành hiệu quả, Huyện ủy Vĩnh Tường xác định, khi cơ chế chính sách hỗ trợ đã phù hợp, công tác tuyên truyền có vị trí then chốt, là khâu quyết định thành công.
Năm 2017, huyện ủy Vĩnh Tường đã huy động cả hệ thống chính trị của huyện tham gia lãnh đạo chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ này. Theo đó, công tác tuyên truyền đã được thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp như: Tổ chức thăm quan học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi có điều kiện tự nhiên tương tự, đã làm thành công; Tổ chức cho cán bộ và đại diện nông dân 07 xã đi thăm quan học tập kinh nghiệm “dồn thửa, đổi ruộng” ở các huyện: Phúc Thọ, Chương Mỹ, Mê Linh của thành phố Hà Nội. Qua thăm quan thực tế về phương pháp triển khai, kết quả sau “dồn thửa, đổi ruộng” đã tạo niềm tin cho cán bộ các Ban chỉ đạo (BCĐ) xã và toàn bộ các tiểu ban chỉ đạo các thôn tham gia “dồn thửa, đổi ruộng” năm 2017.
Song song, tiến hành tuyên truyền chủ chương của tỉnh, huyện về nhiệm vụ này theo hướng tổ chức Hội nghị quán triệt các đơn vị Nghị quyết 07 đến cán bộ công chức các xã, thị trấn. Huyện còn đã phát hành 02 tài liệu cấp miễn phí đến 189 thôn, Tổ dân phố để tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân hiểu về “dồn thửa, đổi ruộng” gồm: 01 đĩa ghi âm bài tuyên truyền “dồn thửa, đổi ruộng” phát trên đài truyền thanh các xã, thị trấn, 01 đĩa phóng sự truyền hình về kinh nghiệm “dồn thửa, đổi ruộng” ở các địa phương thời lượng hơn 20 phút. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền miệng thông qua các hội nghị và gặp gỡ trao đổi trực tiếp với nhân dân. Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đều tổ chức hội nghị quán triệt chỉ thị 11 của Tỉnh ủy và Nghị quyết 07 của Huyện ủy về DTĐR tới các đơn vị cơ sở. Các lớp tập huấn cho cán bộ hội ở cơ sở đều đưa nội dung “dồn thửa, đổi ruộng” vào chương trình lớp học.
Riêng hai xã thực hiện thí điểm là Ngũ Kiên và Cao Đại đã tổ chức nhiều cuộc họp như: họp toàn Đảng bộ, BCĐ xã, tiểu ban chỉ đạo thôn, họp chi bộ, họp dân để triển khai chủ trương “dồn thửa, đổi ruộng”, Kế hoạch “dồn thửa, đổi ruộng”, phương án quy hoạch đồng ruộng, phương án “dồn thửa, đổi ruộng”. Những thôn có nhiều ý kiến khác nhau qua các cuộc họp, tiểu BCĐ thôn đã tuyên truyền rất cụ thể thông qua việc gửi dự thảo phương án “dồn thửa, đổi ruộng” kèm theo giấy mời họp đến từng hộ để các hộ nghiên cứu chuẩn bị ý kiến trước khi đến dự họp.
Nơi có nhiều hộ chưa đồng thuận với chủ trương “dồn thửa, đổi ruộng”, tiểu BCĐ thôn phân công cán bộ, phối hợp với các đoàn thể đến tận hộ để lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng và tuyên truyền vận động. Các đồng chí lãnh đạo BCĐ huyện, BCĐ xã bố trí thời gian dự họp chi bộ, họp thôn hoặc đến hộ để lắng nghe ý kiến nhân dân, tiếp thu ý kiến nhân dân, điều chỉnh phương án “dồn thửa, đổi ruộng” cho phù hợp với thực tế đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân các xã Cao Đại, Ngũ Kiên, Vũ Di, Phú Thịnh...
Kinh nghiệm từ việc triển khai “dồn thửa đổi ruộng” tại hai xã thí điểm của Vĩnh Tường
Qua việc triển khai, huyện ủy Vĩnh Tường đã rút ra một số bài học kinh nghiệm bổ ích, gồm có:
Một là, tỉnh phải có cơ chế hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh đảm bảo đủ mức tối thiểu cho các xã tổ chức làm đường nội đồng, kênh mương, san gạt đồng ruộng.
Hai là, công tác tuyên truyền phải rất cụ thể, rõ ràng, kết hợp tuyên truyền miệng với tuyên truyền trực quan thông qua các hình ảnh, thăm quan thực tế đồng ruộng ở những nơi đã thành công DTĐR làm cho nhân dân thấy được lợi ích của DTĐR, nắm rõ cách triển khai, tạo niềm tin cho nhân dân yên tâm đăng ký tham gia DTĐR.
Ba là, thực hiện công khai, dân chủ trong suốt quá trình thực hiện các khâu các bước triển khai thực hiện “dồn thửa, đổi ruộng”.
Bốn là, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, sẵn sàng nhận ruộng ở những nơi khó khăn.
Năm là,thành viên tiểu ban “dồn thửa, đổi ruộng” phải được dân lựa chọn, là những người có tín nhiệm cao với nhân dân, hiểu biết sâu về đồng ruộng của địa phương.
Sáu là, mọi hoạt động tuyên truyền phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của cấp ủy, chính quyền các cấp.