Chuyện người nông dân tự bỏ tiền mua đất mở rộng và làm đường đi cho thôn, tham gia đóng góp các hoạt động từ thiện, giúp đỡ nhiều hộ nông dân nghèo cách làm ăn không phải là nhiều. Và đặc biệt, trong thời gian ngắn, một gia đình nông dân thu nhập bạc tỷ ở vùng đất Tam Đảo càng ít có.
Những con số “biết nói” về thành quả lao động gia đình nông dân Viên Văn Ngọc (dân tộc Sán Dìu, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo) đã thôi thúc chúng tôi tìm về quê anh giữa những ngày đầu tháng 3 này.
Gian nan khởi nghiệp
Bao năm tha phương kiếm sống, ngay chính Viên Văn Ngọc cũng không ngờ cuộc sống gia đình lại bước sang trang mới, khi anh quyết tâm trở về chính mảnh đất sinh thành ra anh để gây dựng cơ nghiệp. Trở về quê hương lăn lộn với nghề, trồng cây cảnh, nhưng cái nghề đã đưa gia đình anh từ hộ nghèo, trở thành hộ nông dân làm kinh tế giỏi, có cuộc sống khá giả thì lại là nghề nuôi dế. Từ con dế đã cho gia đình anh thu nhập lên đến gần tỷ đồng, trở thành một trong những “đại gia” của vùng bán sơn địa này. Nghề mới này gia đình Ngọc bắt đầu từ giữa năm 2008.
Anh rất bận rộn. Bận như không thể có thời gian để nghỉ ngơi. Khi chúng tôi đến anh vẫn đang say sưa trao đổi về việc buôn bán, thu mua dế với những người khách đến từ Tuyên Quang, Lạng Sơn. Quan sát và lắng nghe câu chuyện giữa anh và một cặp vợ chồng trẻ chung quang việc làm thế nào áp dụng đúng quy trình, kỹ thuật nuôi dế và cách đưa sản phẩm dế ra thị trường, chúng tôi càng hiểu hơn rằng tại sao người nông dân này lại có một cơ ngơi như vậy. Dường như đằng sau khuôn mặt phúc hậu, chất phác mộc mạc của anh là cả một ý chí làm giàu, một tinh thần học hỏi và luôn say mê với công việc. Để có được ngày hôm nay với một người đi lên từ “chân đất đầu trần”, Ngọc cũng đã trải qua bao chìm nổi.
Năm 2004, sau khi nghiên cứu, tìm tòi về cây quí, lại có thêm chút vốn tích luỹ, Viên Văn Ngọc quyết định đầu tư sản xuất cây sưa đỏ (một loại gỗ quý). Mặt hàng này cũng giúp anh và gia đình cải thiện đáng kể cuộc sống. Đến năm 2007, sau những trận mưa kéo dài, cả vườn ươm gần 30 vạn cây chết sạch. Toàn bộ vốn liếng hơn 600 triệu đồng (trong đó có cả vay mượn và góp vốn của cả anh em, bạn bè) không cánh mà bay. Thời điểm ấy tôi cũng thấy khủng hoảng tinh thần lắm - Viên Văn Ngọc bộc bạch.
Tuy nhiên, không nản chí, Ngọc lại chạy vạy các nơi vay mượn tiếp tục đầu tư ươm lại vườn giống với gần 40 vạn gốc. Sau khi bán, đã trả hết nợ và còn dư một khoản kha khá. Anh nghĩ phải tìm thêm cách làm ăn khác.
Trở thành tỷ phú
Tình cờ một hôm xem ti vi thấy giới thiệu những món ăn đồng quê, trong đó có món ăn được chế biến từ con dế đang được dân thành thị ưa chuộng. Nhờ một người bạn, Ngọc tìm về Thái Bình mua 500 con dế giống nuôi thử. Thời gian đầu, ngay đến vợ con cũng phản đối anh làm mô hình này. Còn bạn bè, người thân chỉ biết đứng xa mà nhìn và hồ nghi sự thành công của anh.
Nhưng rồi sau 2 tháng, đàn dế của anh sinh sôi nảy nở, lứa dế thịt đầu tiên bán cho nhà hàng thu lãi gấp 3 lần số vốn bỏ ra.
Nhận thấy nuôi dế cũng dễ nhanh thu vốn và thị trường tiêu thị lại lớn, nên anh Ngọc quyết đầu tư vào nghề mới này. Anh đầu tư mua thêm dụng cụ để nuôi dế và thuê người hướng dẫn kỹ thuật. Lứa đầu tiên “làm ăn lớn”, anh nuôi hơn trăm chậu với khoảng 10 vạn con dế giống. Giống dế dễ nuôi, ít bệnh tật, thức ăn đơn giản và lớn nhanh như thổi, những thành công cứ thế mỉm cười. Cứ thế, anh tự nhân giống để phát triển mô hình, hiện nay với khoảng 300 chậu, nuôi khoảng trên 50 vạn con dế.
Và rồi “Ông chủ dế” được nhiều nhà hàng để mắt như một tiềm năng khai thác. Dế thịt của anh nhiều khách hàng từ các tỉnh xa như Thanh Hoá, Nghệ An, Tuyên Quang, Quảng Ninh tìm đến. Những nhà nông cùng chí hướng cũng khăn gói từ phương xa về đây học hỏi kinh nghiệm, anh Ngọc không ngần ngại chia sẻ.
Để kịp thời phục vụ nhu cầu khách hàng, anh phải thuê 7 lao động thường xuyên với thu nhập trung bình 2,5 triệu/đồng/người. Anh Ngọc cho biết hiện nay có nhiều nơi đến ký hợp đồng mua dế của anh, trong đó không ít khách hàng từ Trung Quốc về đặt mua. Có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, nhiều lúc không có hàng để bán nữa…
Điều đáng nói Viên Văn Ngọc là người thử nghiệm thành công và được Giáo sư Nguyễn Lân Hùng tổ chức hội thảo khoa học về mô hình. Hiện nay, gia đình anh là đầu mối cung cấp giống và cũng là người chịu trách nhiệm thu mua dế thương phẩm cho bà con một số tỉnh phía Bắc.
Định hướng sắp tới của anh là mở rộng mô hình nuôi dế trong gia đình, đồng thời vận động bà con trong thôn, xã tham gia sản xuất dế thịt, theo kiểu kinh doanh khép kín với mục đích để hạ giá thành, tăng lợi nhuận, cũng như tạo thêm nhiều việc làm cho bà con trong vùng.
Tại Đại hội Hội Chăn nuôi dế của tỉnh vừa được tiến hành, anh được bầu là Chủ tịch Hội. Đó là điều kiện để gia đình anh mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, với trọng trách đó, Hội có cơ sở pháp lý để đứng ra tín chấp cho bà con vay vốn làm ăn. Khi “đầu ra” ổn định, bà con tin tưởng phát triển nghề.
Cùng đó, anh Ngọc rất tích cực tham gia đóng góp cho các hoạt động xã hội như ủng hộ người nghèo, làm đường, làm nhà tình thương, lập quỹ khuyến học… của địa phương. Đối với hộ nghèo trong thôn, anh luôn tạo điều kiện giúp đỡ, như anh lý giải: “Vì chính mình là người nghèo khó đi lên mà”.