Những năm gần đây, nhờ biết khai thác và phát huy lợi thế “cận lộ”, “cận giang” nên nền kinh tế của xã Yên Lập (Vĩnh Tường- Vĩnh Phúc) đã có bước phát triển mạnh; đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Đó chính là những điều kiện thuận lợi để Yên Lập đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Để làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN), Yên Lập tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đồng thời hỗ trợ người nghèo về giáo dục đào tạo, khám chữa bệnh, giải quyết việc làm cho người lao động...
Yên Lập đã đề ra chương trình và giải pháp cụ thể về phát triển kinh tế phù hợp với đặc thù của mỗi khu dân cư, từ đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng chi bộ, từng đảng viên và các đoàn thể trong xã có trách nhiệm vận động nhân dân cùng thực hiện. Xác định kinh tế nông nghiệp là trọng tâm, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo nhân dân tận dụng đất nông nghiệp, giữ vững diện tích trồng lúa, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống, đưa các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng, đồng thời thực hiện dồn điền, đổi thửa, xây dựng các vùng chuyên canh tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa.
Trước đây, tập quán sản xuất của người dân Yên Lập còn mang tính thuần túy, tự phát thì nay đã được định hướng cụ thể như: trồng cây gì, nuôi con gì để đạt hiệu quả kinh tế cao? Bà con nông dân còn được trang bị thêm kiến thức về phát triển kinh tế, cách thức chăm sóc cây trồng, vật nuôi; được tạo điều kiện, hỗ trợ vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất... Những lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT về chăn nuôi, trồng trọt... do xã phối hợp tổ chức thường xuyên đã giúp người dân có thêm kiến thức và kinh nghiệm trong sản xuất; đồng thời cũng làm thay đổi cách nhìn, tập quán của người nông dân trong việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Đảng bộ xã cũng chỉ đạo HTX nông nghiệp và Khuyến nông xã làm tốt công tác dự thính, dự báo và chủ động phòng trừ sâu bệnh; hướng dẫn bà con nông dân bố trí hợp lý cơ cấu trà lúa ở cả vụ xuân và vụ mùa; cung ứng cho bà con những giống cây, con có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương... Đến nay, phần lớn diện tích gieo cấy của xã đã được người nông dân mạnh dạn đưa vào gieo trồng những giống lúa lai, lúa nguyên chủng đã qua khảo nghiệm cho năng suất cao. Đã có hàng trăm hộ gia đình ở Yên Lập trồng giống bí đỏ F1868 theo quy trình sản xuất rau an toàn cho thu hoạch đạt 4-5 triệu đồng/sào.
Hiện nay, mô hình nuôi chim cút thương phẩm và sản xuất cá giống cũng đang là một trong những thế mạnh của Yên Lập trong phát triển kinh tế hộ với mức thu nhập bình quân đạt 5-6 triệu đồng/sào/vụ. Tuy năm qua còn gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp nhưng các mục tiêu Yên Lập đề ra đều đạt và vượt so với kế hoạch; năng suất lúa bình quân toàn xã đạt 62,2 tạ/ha.
Để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Yên Lập luôn khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương và vận động nhân dân tham gia vào các loại hình kinh doanh, dịch vụ. Hiện nay, trên địa bàn xã có 3 doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập ổn định. Toàn xã hiện có hơn 200 hộ kinh doanh vừa và nhỏ, trong đó có hơn 40 hộ kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách... đem lại giá trị sản xuất cao, góp phần đưa mức thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt gần 10 triệu đồng/người/năm.
Cùng với phát triển kinh tế, Yên Lập luôn chú trọng đầu tư phát triển giáo dục, y tế, xây dựng các thiết chế văn hóa... Bên cạnh việc thực hiện các chính sách về an sinh xã hội, Đảng bộ, chính quyền xã còn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quần chúng nhân dân chăm lo tốt đến phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc; thường xuyên kiện toàn lực lượng công an xã để hoạt động có nền nếp, làm nòng cốt tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng các mô hình tự quản về ANTT. Do đó, tình hình TTATXH ở Yên Lập được gữ vững ổn định, người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Đó chính là tiền đề để Yên Lập khắc phục khó khăn, vững bước trên con đường CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.