Vĩnh Phúc: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công

Thứ ba, 26/11/2024 17:49
(ĐCSVN) - Nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án; chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, nhất là các Ban Quản lý dự án triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công.
Vĩnh Phúc: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công 

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2024, Ban được giao tổng vốn đầu tư công trên 106,4 tỷ đồng. Nguồn vốn này được phân bổ cho 21 dự án, trong đó có 3 dự đã hoàn thành, đưa vào sử dụng; 13 dự án chuyển tiếp; 3 dự án mới; 2 dự án chuyển bị đầu tư. Tính đến ngày 10/11/2024, Ban đã giải ngân được 26,5 tỷ đồng, đạt gần 25% so với kế hoạch vốn được giao. Dự kiến đến 31/01/2025, giải ngân được 89,2 tỷ đồng, đạt gần 84% so với kế hoạch vốn giao.

Việc giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp là do một số dự án được phê duyệt từ cuối năm 2023 nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí vốn để thực hiện các bước tiếp theo. Cùng với đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện gói thầu xây lắp, tiến độ thực hiện dự án; một số dự án thiếu đất đắp nền; dự án đi qua các khu vực có vùng trũng, thấp khiến việc thi công các hạng mục khó khăn.

Để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Ban Quản lý dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị tỉnh bổ sung vốn đầu tư năm 2024 cho các gói thầu tư vấn thiết kế bảo vệ thi công - dự toán đã thực hiện. Cho phép điều chuyển nội bộ các dự án khả năng không giải ngân hết vốn sang các dự án có khả năng giải ngân. Tỉnh sớm phê duyệt chủ trương đầu tư và phê duyệt các dự án đã có báo cáo thẩm định; quy hoạch bổ sung thêm các mỏ vật liệu đất đắp trên địa bàn. Tăng cường chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vị trí các bãi đổ thải để các bãi đổ thải có thể hoạt động theo quy định.

Tương tự đến nay, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh mới giải ngân được trên 30% vốn đầu tư công. Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc Ban cho biết, năm 2024, Ban được giao tổng vốn đầu tư công 891,447 tỷ đồng. Tuy nhiên, do khó khăn, vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng; một số dự án phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn thời gian thực hiện dự án nên việc giải ngân nguồn vốn rất chậm. Hiện ngoài Dự án cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành đang gấp rút hoàn thành, với khối lượng thực hiện đạt trên 97% thì các dự án còn lại như: Dự án hạ tầng giao thông kết nối Vùng Thủ đô trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Dự án mở rộng đường trục Trung tâm khu đô thị mới Mê Linh... đều có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.

Trái ngược với các Ban Quản lý dự án, tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công của cấp huyện, cấp xã có nhiều khởi sắc. Trong đó, huyện Yên Lạc có tỷ lệ giải ngân cao nhất, đạt 84,2%; huyện Bình Xuyên đạt 81,4%; huyện Lập Thạch đạt 78,7%; huyện Vĩnh Tường đạt 69,8%; thành phố Vĩnh Yên đạt 63%...

Việc khởi sắc giải ngân ở cấp huyện, cấp xã đã góp phần giúp tỉnh Vĩnh Phúc ngân được khoảng 4.683,3 tỷ đồng vốn đầu tư công trong 10 tháng năm 2024, bằng 60,2% so với kế hoạch vốn Trung ương giao và bằng 51,4% tổng số vốn kế hoạch. Trong đó, vốn do cấp tỉnh quản lý 2.183,738 tỷ đồng, bằng 43,6% kế hoạch giao; vốn do cấp huyện, xã quản lý 2.499,562 tỷ đồng, bằng 61% kế hoạch giao.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh 10 tháng năm 2024 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 gần 30% nhưng vẫn cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung cả nước gần 10%, xếp thứ 21/63 địa phương và đứng thứ 2/11 các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.

Thời gian còn lại của năm 2024 không nhiều, do đó, để chạm đích giải ngân trên 95% vốn đầu tư công theo kế hoạch, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, các Ban Quản lý dự án thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo về đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương. Thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án; xử lý nghiêm đối với hành vi cố tình làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Đối với các dự án xác định không có khả năng thực hiện hết mức vốn đã giao thì kịp thời đề xuất điều chỉnh vốn cho các dự án, nhiệm vụ quan trọng khác. Đồng thời, khẩn trương chuẩn bị đầu tư cho các dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư trung hạn, giai đoạn 2026 - 2030.

T.N

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực