Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một trong hai bên hoặc cả hai chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại mục a, Khoản 1, Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, tức là nam chưa đủ 20 tuổi và nữ chưa đủ 18 tuổi.
Ngược dòng thời gian 7 năm về trước, khi Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê tiến hành Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS lần thứ I (năm 2014), tỷ lệ 26,6% người DTTS tảo hôn được công bố khiến cả nhà quản lý và người làm công tác dân số hết sức bất ngờ. Bất ngờ là bởi tỷ lệ đó quá cao, tồn tại dai dẳng nhiều năm và gây ra nhiều hậu quả trên nhiều góc độ khác nhau.
Năm 2019, cuộc điều tra lần II được tiến hành. Kết quả công bố cho thấy, tỷ lệ tảo hôn của người DTTS vẫn còn tới 21,9%.
Vì vậy, nắm rõ tình hình, xác định đúng nguyên nhân để bổ sung những giải pháp hữu hiệu phòng chống tảo hôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần tiếp tục nâng cao chất lượng dân số, đồng thời tạo điều kiện để đồng bào các DTTS thực hiện quyền phát triển đầy đủ, bình đẳng với các dân tộc khác, hòa nhập vào tiến trình phát triển của đất nước.
|
Bảng phân tích mẫu độ tuổi kết hôn lần đầu và tình trạng tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số (nguồn: Báo cáo thu thập kết quả điều tra kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019) |
Tổng quan tình hình tảo hôn vùng DTTS
So với năm 2014, năm 2019, tình trạng tảo hôn của người DTTS đã giảm 4,7%, tức bình quân mỗi năm giảm 0,94%. Tại những vùng tập trung nhiều đồng bào DTTS sinh sống như Tây Nguyên, 27,5% số người bước vào hôn nhân khi chưa đủ tuổi kết hôn; Trung du và miền núi phía Bắc là 24,6%; Đồng bằng sông Hồng - nơi không có nhiều người DTTS sinh sống (3,3%) cũng có 7,8% người DTTS tảo hôn.
Tuổi kết hôn trung bình của người DTTS tảo hôn năm 2018 là 17,5 tuổi đối với nam và 15,8 tuổi đối với nữ. Như vậy, nam giới kết hôn sớm hơn 2,5 tuổi, nữ giới kết hôn sớm hơn 2,2 tuổi so với quy định của pháp luật. Chúng tôi có dịp lắng nghe những day dứt của ông Lường Văn Toán, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sơn La trước tình trạng tảo hôn ở địa phương này có chiều hướng giảm về độ tuổi. Trước đây, trẻ em gái tảo hôn cũng phải 15, 16 tuổi, nay giảm xuống chỉ còn 12, 13 tuổi.
Tỷ lệ nam giới tảo hôn là 20,1%; nữ giới tảo hôn cao hơn với tỷ lệ 23,5%. Tất cả 53 DTTS đều có tình trạng tảo hôn, trong đó, 5 dân tộc tỷ lệ tảo hôn cao nhất gồm: dân tộc Mông 51,5%, Cờ Lao 47,8%, Mảng 47,2%, Xinh Mun 44,8%, Mạ 39,2%.
Trung du miền núi phía Bắc, đặc biệt là vùng Tây Bắc có tỷ lệ tảo hôn cao hơn các vùng khác. Năm 2019, vùng Trung du miền núi phía Bắc có 583.297 trường hợp; Đồng bằng sông Hồng có 14.922 trường hợp; Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có 152.743 trường hợp; Tây Nguyên có 203.639 trường hợp; Đông Nam bộ có 37.375 trường hợp; Đồng bằng sông Cửu Long có 45.293 trường hợp.
Tỉnh Sơn La có 128.873 trường hợp; tỉnh Hà Giang có 73.772 trường hợp; Điện Biên 67.780 trường hợp; Lào Cai 56.939 trường hợp; Lai Châu 56.029 trường hợp; Yên Bái 40.842 trường hợp; Cao Bằng 37.406 trường hợp; Nghệ An 36.854 trường hợp; Gia Lai 84.067 trường hợp; Đắk Lắk 56.029 trường hợp… thuộc nhóm các địa phương có số trường hợp tảo hôn cao nhất cả nước.
Phân tích theo trình độ chuyên môn kỹ thuật (tức có trình độ từ sơ cấp trở lên) thì chỉ có 1,1% người DTTS tảo hôn có trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong khi tỷ lệ này ở những người không tảo hôn cao gấp hơn 18 lần (18,8%). 31/53 DTTS có tình trạng 100% số người tảo hôn không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Chỉ có 1,6% nam giới có trình độ chuyên môn kỹ thuật tảo hôn so với tỷ lệ tương ứng của nữ là 0,6%.
Những hậu quả của tảo hôn
Chị Lý Mùi D., dân tộc Dao ở xã Bình Lãng, huyện Thông Nông, Cao Bằng sinh năm 1993. Năm 2009, khi D. vừa 16 tuổi, bố bắt nghỉ học lấy chồng. Chồng D. cũng là người Dao, sinh năm 1991, ở cùng thôn. Cả hai cùng học một trường. Khi lấy nhau, D. 16 tuổi, chồng 18 tuổi, nghĩa là cả hai đều chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. D. kể, 4 năm sống chung một mái nhà nhưng cặp vợ chồng “trẻ con” không nói chuyện, không ngủ cùng.
D. còn bùi ngùi cho hay, lấy nhau khi còn nhỏ, phải bỏ học giữa chừng và không có vốn nên vợ chồng chỉ ở nhà làm ruộng, trồng ngô. Cuộc sống quá khó khăn do thiếu kiến thức làm ăn và thiếu tiền để chăm sóc con nhỏ. Ít năm nay, được chính quyền hướng dẫn trồng cây thuốc lá, gia đình D. mới có thêm thu nhập 20 triệu đồng/năm. Đôi vợ chồng trẻ vừa làm được ngôi nhà nhỏ nhưng nợ nần chồng chất chưa biết khi nào mới trả xong.
Anh trai D. cũng tảo hôn. Do chưa biết làm ăn và còn trẻ con nên cặp vợ chồng này đã sớm ly hôn sau thời gian ngắn chung sống.
Chuyện của anh em D. không phải là hiếm trong vùng đồng bào DTTS nước ta và để lại nhiều hậu quả cho mỗi người, mỗi gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.
|
Trung du miền núi phía Bắc, đặc biệt là vùng Tây Bắc có tỷ lệ tảo hôn cao hơn các vùng khác (ảnh minh họa) |
Một là, những vấn đề về dân số
Tảo hôn là nguyên nhân làm dân số tăng nhanh nhưng lại giảm chất lượng.
Theo các bác sĩ sản khoa, việc kết hôn khi chưa trưởng thành và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên - lúc cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm và chưa sẵn sàng tâm lý sẽ gây ảnh hưởng lớn đến bản thân bà mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh. Trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh về nhiễm sắc thể, bị Down, dị tật, thường xuyên đau ốm, yếu ớt, còi cọc, chậm phát triển. Đây là nguyên nhân trực tiếp làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em vùng DTTS.
Báo cáo “Suy dinh dưỡng dai dẳng trong cộng đồng các DTTS tại Việt Nam: Vấn đề và các giải pháp can thiệp” do Ngân hàng Thế giới và Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện năm 2019 cho hay, trong 3 trẻ DTTS có 1 em thấp còi (tỷ lệ 33,3%) và trong 5 em có 1 em nhẹ cân (tỷ lệ 20%).
Tảo hôn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em DTTS dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi. Theo điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2019, tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi của 53 DTTS là 22,13‰, trong đó của trẻ em trai là 24,82‰, của trẻ em gái là 19,29‰.
Tảo hôn khiến tăng tỷ lệ tử vong của bà mẹ DTTS liên quan đến thai sản. Tóm tắt về tình hình phụ nữ và trẻ em gái DTTS ở Việt Nam do UN Women và Ủy ban Dân tộc thực hiện năm 2015 cho hay, tỷ lệ tử vong bà mẹ ở một số DTTS (Mông, Thái, Ba Na, Tày, Dao, Nùng) cao gấp 4 lần so với phụ nữ dân tộc Kinh, Hoa. Trường hợp người mẹ nạo phá thai dễ dẫn đến nguy cơ thủng dạ con, gây vô sinh về sau.
Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đánh giá, các biến chứng khi mang thai và khi sinh tiếp tục là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ cho các em gái tuổi từ 15 - 19 ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Hai là, những vấn đề về nhân quyền và bình đẳng giới
Quyền kết hôn, lập gia đình và bình đẳng trong hôn nhân thuộc các quyền dân sự, chính trị trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 mà Việt Nam đã tham gia. Tuyên ngôn khẳng định nguyên tắc gắn kết chặt chẽ giữa quyền và nghĩa vụ của mỗi cá nhân đối với cộng đồng mà chính trong đó nhân cách của bản thân có thể phát triển tự do và đầy đủ.
Nội địa hóa các quy định của Tuyên ngôn nhân quyền, Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam quy định: “công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật” (Điều 46); “việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc” (Điều 15).
Tại Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 10/9/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015. Trong Quyết định này, nhiều chỉ tiêu liên quan đến dân số, bình đẳng giới như: giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi ở trẻ em DTTS dưới 5 tuổi; giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; tăng cường sức khỏe bà mẹ; tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế người phụ nữ… đã được quy định rõ như một cam kết của Việt Nam với thế giới.
Theo Điểm b, khoản 2, Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 của nước ta, tảo hôn là hành vi bị cấm.
Kết hôn là quyền con người nhưng tảo hôn là hành vi vi phạm pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Hành vi đó cũng vi phạm nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa quyền và nghĩa vụ của mỗi cá nhân với cộng đồng theo Tuyên ngôn nhân quyền. Do vậy sẽ ảnh hưởng đến các nỗ lực của Chính phủ và nhân dân trong việc đảm bảo thực thi các công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, ảnh hưởng đến những nỗ lực thực hiện bình đẳng giới của quốc gia.
|
Chất lượng dân số có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt với vùng DTTS, chất lượng dân số càng đạt chỉ số cao càng giúp đồng bào có nhiều cơ hội vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế gia đình (ảnh: TQ) |
Ba là, ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ
Lịch sử xã hội loài người là tiến trình phấn đấu liên tục cho một cuộc sống đầy đủ về vật chất, hạnh phúc về tinh thần. Mục tiêu mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta hướng tới là xây dựng xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Văn minh không chỉ về vật chất, kỹ thuật mà còn là văn minh về tinh thần, văn minh trong chất lượng cuộc sống và lối sống.
Chất lượng dân số là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ văn minh, tiến bộ xã hội. Trong chất lượng dân số, thể chất, sức khỏe, tuổi thọ bình quân là những chỉ số cơ bản. Chất lượng dân số có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Xã hội nào bảo đảm cho sự hoàn thiện về thể chất, tinh thần, cơ hội phát triển toàn diện cho cá nhân nói riêng, cộng đồng nói chung thì đó là xã hội tiến bộ, văn minh.
Tảo hôn làm suy thoái giống nòi, với nhiều đứa trẻ sinh ra không khỏe mạnh, nguy cơ mắc bệnh tật cao, làm giảm chất lượng dân số, khả năng học tập, lao động của đứa trẻ về lâu dài. Trong các gia đình tảo hôn, những đứa con thường xuyên ốm đau gây tốn kém về kinh tế, thậm chí làm nghèo thêm những gia đình vốn đang nghèo; là một trong những nguyên nhân gây nên sự mệt mỏi, cãi vã thường xuyên trong các gia đình, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của các cặp vợ chồng và kể cả đứa trẻ khi đã đủ lớn để có nhận thức riêng. Như vậy, tảo hôn đang cản trở việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh, tiến bộ ở vùng DTTS nói riêng, cả nước nói chung.
Bốn là, tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nhân lực
Mỗi con người là một thực thể sinh học - xã hội, trong đó mặt sinh học là tiền đề, là cơ sở cho mặt xã hội phát triển. Mặt xã hội của con người chỉ phát triển khi phù hợp với mặt sinh học. Các cặp vợ chồng tảo hôn thường sinh ra những đứa con không khỏe mạnh về thể chất, tinh thần. Tỷ lệ trẻ em DTTS suy dinh dưỡng thể thấp còi lên tới 33%, thể nhẹ cân 20% là những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực chất lượng thấp khó phát triển thành lực lượng sản xuất hiện đại. Điều này không phù hợp với mục tiêu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra, đó là: “…Nâng cao chất lượng dân số gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”.
Năm là, ảnh hưởng tiêu cực đến thực hiện mục tiêu công bằng trong phát triển giữa miền núi và miền xuôi
Thu hẹp khoảng cách phát triển, hay nói cách khác là thực hiện công bằng trong phát triển giữa miền núi và miền xuôi luôn là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, mức độ thành công của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi phụ thuộc một phần vào vai trò nòng cốt, quyết định của đồng bào thông qua khả năng tham gia, quản lý, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa trên địa bàn. Muốn vậy, đồng bào phải được đào tạo, nâng cao năng lực về mọi mặt. Nhưng với những hệ lụy về mặt sinh học, thật khó để kỳ vọng những “chủ nhân tương lai” được sinh ra từ các cặp vợ chồng tảo hôn tham gia hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương khi bản thân họ luôn loay hoay đối phó với nguy cơ bệnh tật rình rập.
Cùng với nhiều quốc gia khác trên thế giới, 5 năm trở lại đây, vấn đề đói nghèo đã được Việt Nam tiếp cận đa chiều. Đánh giá đói nghèo không chỉ ở góc độ thu nhập mà còn ở cơ hội được tiếp cận với dịch vụ công về giáo dục, y tế, đời sống văn hóa...
Theo cách tiếp cận đa chiều, tảo hôn là một tập quán lạc hậu và lạc hậu luôn là bạn đồng hành của nghèo đói. Thực tế là ở các DTTS có tỷ lệ tảo hôn cao thì tỷ lệ đói nghèo cũng cao. Ví dụ, dân tộc Mông, tỷ lệ đói nghèo 52,7%; dân tộc Mảng 66,3%; dân tộc Xinh Mun 65,3%..
Giữa tảo hôn và nghèo đói, thất học, suy giảm chất lượng cuộc sống có mối quan hệ mật thiết, thậm chí là vòng luẩn quẩn. Tảo hôn là hệ quả của sự thiếu hụt về trình độ dân trí, văn hóa, giáo dục, lạc hậu. Ngược lại sự thiếu hụt về trình độ dân trí, văn hóa, giáo dục, lạc hậu dễ khiến xảy ra tảo hôn.
Với những bất lợi về vị trí địa kinh tế, địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, trình độ dân trí… vùng DTTS và miền núi luôn gặp khó khăn hơn trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội so với các vùng khác. Tảo hôn nếu không được ngăn chặn hiệu quả sẽ tiếp tục bổ sung thành một trong những rào cản cản trở tiến trình miền núi tiến kịp miền xuôi mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang nỗ lực thúc đẩy.
NHỮNG THÀNH TỰU CÔNG TÁC DÂN SỐ Ở VÙNG DTTS & MN
- 8 DTTS rất ít người có tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009 - 2019 cao là tín hiệu tốt trong thực hiện mục tiêu “Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc thiểu số có dưới 10 nghìn người, đặc biệt là những DTTS rất ít người có nguy cơ suy giảm giống nòi” mà Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã đề ra.
- Tốc độ già hóa dân số của 53 DTTS chậm hơn mức độ già hóa dân số của cả nước.
- Tỷ lệ phụ nữ DTTS mang thai đến các cơ sở y tế khám thai trong lần sinh gần nhất đạt 88%; một số dân tộc có tỷ lệ phụ nữ khám thai rất cao như: Thổ 98,3%, Tà Ôi 97,8%, Cơ Ho 97,6%.
- 86,4% phụ nữ DTTS sinh con tại cơ sở y tế
- Tuổi thọ trung bình đạt 70,7 tuổi (tăng 0,8 năm), tiến khá gần với mức chung của cả nước (73,6 tuổi)
(Tuy nhiên, do tình trạng tảo hôn chưa được xử lý triệt để nên đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả chung về công tác dân số)
|
Mời đọc Bài 2: Nhận diện các nguyên nhân dẫn đến tảo hôn
Mời đọc Bài cuối: Cần thêm nhiều nỗ lực chống tảo hôn để nâng cao chất lượng dân số