Bài cuối: Cần thêm nhiều nỗ lực chống tảo hôn để nâng cao chất lượng dân số

Loạt bài: CHỐNG TẢO HÔN - GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DÂN SỐ VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
Thứ hai, 04/10/2021 13:04
(ĐCSVN) - Năm 2006, cô gái người dân tộc Ê-đê H'Hen Nie đã không chịu nghe lời mẹ giục đi lấy chồng sớm, khi đó cô mới 14 tuổi. Để rồi đến năm 2017, cả gia đình, dòng tộc nức lòng chứng kiến H’Hen Niê lên ngôi Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam và lọt vào top 5 Hoa hậu Hoàn Vũ thế giới năm 2018. Nhưng không phải bạn trẻ người dân tộc thiểu số nào cũng có quyết tâm và may mắn như vậy là bởi vẫn còn tình trạng tảo hôn. Vì thế rất cần thêm nhiều nỗ lực để chống tảo hôn, nâng cao chất lượng dân số và chất lượng nguồn nhân lực.

Bài 2: Nhận diện các nguyên nhân dẫn đến tảo hôn

Bài 1: Tình trạng tảo hôn ở vùng dân tộc thiểu số - Thực trạng đáng lo ngại

 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ sáu (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới (ảnh tư liệu)

Một số nội dung lý luận và cơ sở pháp lý về công tác dân số và chống tảo hôn

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới khẳng định quan điểm nhất quán: “Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân”.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng yêu cầu: “Xây dựng và thực thi có hiệu quả chính sách dân số và phát triển”; “nâng cao chất lượng dân số, gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”.

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển”; “xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội, thực hiện bình đẳng giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh”.

Trên đây là hai quan điểm, tư tưởng, chỉ đạo tổng quát của Đảng ta về công tác dân số, nâng cao chất lượng dân số, gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn còn tình trạng tảo hôn chính là một trong những rào cản làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả chung, nhất là kết quả về nâng cao chất lượng dân số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tảo hôn có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dân số, đến nguồn nhân lực vùng DTTS; là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến nhân quyền, bình đẳng giới, xảy ra ở 53/53 DTTS. Tảo hôn cản trở các nỗ lực phát triển, khiến đất nước phải tốn nhiều chi phí liên quan đến tỷ lệ sinh cao và tăng trưởng dân số, chi phí y tế, giảm thu nhập và năng suất trên thị trường lao động. Như vậy, tảo hôn là vấn đề xã hội của quốc gia nên cần có cách tiếp cận giải quyết ở tầm quốc gia.

Những năm qua, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định. Nổi bật là Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết yêu cầu: “Tập trung mọi nỗ lực chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang thực hiện và đạt được các mục tiêu toàn diện cả về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và được đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh”.

Ngày 14/4/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025”, với mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS”.

Ngày 22/11/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1679/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến 2030, trong đó có mục tiêu số 2 - “Bảo vệ và phát triển dân số các DTTS có dưới 10 nghìn người, đặc biệt là những DTTS rất ít người có nguy cơ suy giảm giống nòi” và mục tiêu số 4 - “Nâng cao chất lượng dân số, phấn đấu đến năm 2030”, với các chỉ tiêu: “Cơ bản ngăn chặn tình trạng tảo hôn trong vùng DTTS” và “Giảm 50% số cặp tảo hôn”.

Đây là những cơ sở lý luận và căn cứ pháp lý hết sức quan trọng để các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội ban hành các nghị quyết, chiến lược, kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm về công tác dân số, trong đó có việc chống tảo hôn, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu do Đảng, Nhà nước đặt ra, phù hợp với từng thời kỳ, giai đoạn và tình hình thực tiễn.

Tiếp tục bổ sung các giải pháp nâng cao hiệu quả chống tảo hôn

Tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh sinh kế cho đồng bào DTTS là giải pháp căn cơ nhất, góp phần quyết định ngăn chặn và đẩy lùi tảo hôn.

Việc Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể và Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 có ý nghĩa rất quan trọng, tạo động lực và bước đột phá trong công tác dân tộc và chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2030.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 có tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 tối thiểu là 137.664 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030, căn cứ kết quả thực hiện của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định nguồn lực. Chương trình được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi lớn, toàn diện về kinh tế - xã hội của vùng DTTS và miền núi trong thời gian tới.

Trong Chương trình mục tiêu, có thiết kế 3/10 dự án liên quan đến vấn đề dân số, phòng chống tảo hôn như: Dự án 7 - Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; Dự án 8 - Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Dự án 9 - Đầu tư tạo sinh kế, phát triển kinh tế nhóm dân tộc ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn.

Trong Dự án 9, có nhiệm vụ: “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” với nhiều nội dung triển khai về truyền thông, tăng cường các hoạt động tư vấn, can thiệp chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, dân số kế hoạch hóa gia đình và nguồn lực dự kiến khá lớn để phấn đấu giảm 2 - 3% số cặp tảo hôn ở những địa bàn, DTTS có tỷ lệ tảo hôn cao; đến 2025, ngăn chặn hạn chế tình trạng tảo hôn trong vùng DTTS.

Cần tập trung đầu tư ở các địa bàn trọng điểm về tảo hôn, từng bước mở rộng và tiến tới phổ cập cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn (ảnh: TQ) 

Cơ chế nguồn lực bố trí trong Chương trình MTQG tạo niềm tin trong những năm tới đây, mục tiêu nâng cao chất lượng dân số và chống tảo hôn ở vùng DTTS sẽ đạt nhiều thành tựu tích cực. Song thiết nghĩ, để nâng cao hiệu quả công tác chống tảo hôn, cần bổ sung thêm một số giải pháp sau:

Một là, thống nhất nhận thức rằng tảo hôn là một vấn đề xã hội của quốc gia, nên cần có cách tiếp cận giải quyết ở tầm quốc gia. Đó là có sự lãnh đạo thống nhất, tập trung từ Trung ương xuống địa phương thông qua các chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, với sự tham gia tổ chức thực hiện của không chỉ các ngành liên quan trực tiếp như: Y tế, Giáo dục - Đào tạo, Dân tộc mà phải có sự vào cuộc của tất cả các cơ quan khác trong hệ thống chính trị để chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện phù hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao với ngành dọc của mình.

Hai là, cần bổ sung chỉ tiêu chống tảo hôn vào các chỉ tiêu về nâng cao chất lượng dân số trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội do bộ, ngành, địa phương chủ trì xây dựng và thực hiện, làm căn cứ để lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và bố trí nguồn lực thực hiện.

Ba là, có sự lồng ghép về nguồn lực trên cùng một địa bàn giữa thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025” và Quyết định số 1679/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến 2030 để phát huy hiệu quả và phấn đấu đạt các mục tiêu giảm tảo hôn theo các mốc thời gian 2025 và 2030.  

Bốn là, tổng kết, nhân rộng những mô hình điểm, cách làm hay đã khẳng định hiệu quả trong thời gian qua.

Ở cấp Trung ương, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng được 50 mô hình điểm can thiệp ở các miền núi phía Bắc, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên - là những nơi có tỷ lệ tảo hôn cao.

Các mô hình điểm đã xây dựng, duy trì gần 2.900 mô hình chuyên đề tại 3.481 xã, thôn bản, buôn như: “Tổ phụ nữ không có con tảo hôn”, “Câu lạc bộ tiền hôn nhân”, “Câu lạc bộ nói không với tảo hôn”… hoạt động tương đối hiệu quả, nhiều cặp tảo hôn được can thiệp kịp thời; nhiều nơi đã tổ chức ký cam kết không kết hôn tảo hôn cho người dân sinh sống trên địa bàn xã thực hiện mô hình điểm…

Ở địa phương, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn. Ban Dân tộc tỉnh ký cam kết với các địa phương không để xảy ra tình trạng tảo hôn và coi đây là một tiêu chí xét thi đua hàng năm. Huyện Si Ma Cai tổ chức hội nghị các ông mai, bà mối ký cam kết không làm mai mối cho các cặp tảo hôn. Huyện Bảo Yên tổ chức hội nghị các thầy mo, thầy cúng ký cam kết không làm lễ cho các cặp tảo hôn. Một số cán bộ xã đã bị kỷ luật do tổ chức cưới tảo hôn cho con.

Ngoài đưa vào mục tiêu phát triển kinh - xã hội hàng năm, tỉnh Điện Biên yêu cầu các huyện soạn thảo cam kết với xã, xã yêu cầu trưởng thôn, bản cam kết chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tảo hôn trên địa bàn. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh đã giảm một nửa.

Xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang yêu cầu cán bộ, đảng viên không tham dự các đám cưới tảo hôn. Nếu ai dự hoặc gửi quà mừng sẽ bị nhắc nhở, cảnh cáo. Xã cũng xây dựng các thôn điểm không có tảo hôn, phát động phong trào thi đua giữa các thôn và có hình thức khen thưởng với những thôn thực hiện tốt…

Đó là những mô hình hay cần đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng.

Năm là, tập trung đầu tư ở các địa bàn trọng điểm về tảo hôn, từng bước mở rộng và tiến tới phổ cập cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn. Đặc biệt chú trọng triển khai cung cấp dịch vụ phát hiện sớm nguy cơ, phòng ngừa di truyền các bệnh nguy hiểm ở thai nhi. Phụ nữ tảo hôn khi mang thai cần được thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh; trẻ sơ sinh được thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh bẩm sinh, đảm bảo mục tiêu 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.

 Cần thúc đẩy hơn nữa và đa dạng hóa các hình thức đưa truyền thông về vùng sâu, vùng xa để tuyên truyền phòng, chống nạn tảo hôn (ảnh: TQ)

Sáu là, nên xây dựng các thông điệp truyền thông ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ về chống tảo hôn, tương tự như các thông điệp về phòng chống tác hại của thuốc lá, phòng chống COVID-19… đăng, phát rộng rãi, thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là vào mùa lễ hội, mùa cưới nhằm tạo điểm nhấn tuyên truyền vận động thanh, thiếu niên không tảo hôn và tạo dư luận xã hội phê phán hành vi tảo hôn ở những vùng, những DTTS có tỉ lệ tảo hôn cao. 

Phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người uy tín trong cộng đồng, người có ảnh hưởng đến công chúng tham gia tuyên truyền, giáo dục thanh, thiếu niên không tảo hôn, gia đình không cho con tảo hôn, chính quyền không hợp thức hóa việc tảo hôn.

Lồng ghép nội dung chống tảo hôn vào sinh hoạt cộng đồng, lễ hội văn hóa, hương ước, quy ước và thiết chế văn hóa của cộng đồng; tiêu chuẩn thôn, bản, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa.

Chú trọng lồng ghép các thông điệp về dân số, về chống tảo hôn trong các tác phẩm, sản phẩm văn hóa, văn nghệ, giải trí. Tận dụng triệt để thế mạnh của công nghệ truyền thông hiện đại, internet, mạng xã hội... trong truyền thông giáo dục về dân số và chống tảo hôn.

Trách nhiệm biên soạn, cung cấp tài liệu, sản phẩm truyền thông; tài liệu tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình theo kiến nghị của các địa phương thuộc về Bộ Y tế, trong đó có vai trò của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình với tư cách là cơ quan tham mưu cho Bộ Y tế trong chủ trì thực hiện Quyết định số 1679/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến 2030 và Ủy ban Dân tộc - cơ quan được Chính phủ giao chủ trì thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng DTTS giai đoạn 2015-2025”.

Bảy là, đổi mới toàn diện nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường. Giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản phải được đưa vào cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú - nhóm tuổi học sinh dễ bỏ học để tảo hôn nhất để nâng cao nhận thức cho các em.

Thực tế ở tỉnh Sơn La cho thấy, đưa giáo dục sức khỏe sinh sản vào trường học mang lại những kết quả rất khả quan. Tại trường THCS Tân Xuân, huyện Vân Hồ, trước khi triển khai mô hình điểm, có tới 21 học sinh bỏ học để lấy vợ, lấy chồng sớm nhưng nay đã không còn tình trạng đó nữa. Tại 4 xã khác triển khai mô hình đưa giáo dục sức khỏe sinh sản vào trường học, tỷ lệ tảo hôn cũng giảm mạnh so với các xã khác ngoài mô hình.

Tám là, phát động rộng rãi phong trào “xã, thôn, bản không có tảo hôn” làm cơ sở cho việc định hướng, giám sát, đánh giá kết quả các hoạt động phòng ngừa tảo hôn ở cấp cơ sở. Ngoài biện pháp xử phạt vi phạm hành chính nghiêm minh đối với người tảo hôn và người tổ chức tảo hôn, cần khen thưởng kịp thời người có công phát hiện và ngăn chặn không để xảy ra tảo hôn.

Chín là, bố trí kinh phí thỏa đáng cho thực hiện các mục tiêu về nâng cao chất lượng dân số nói chung, chống tảo hôn nói riêng.

Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã khu vực III, khu vực II, khu vực I vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, toàn quốc có 3.434 xã thuộc vùng DTTS và miền núi. Nếu mỗi xã xây dựng 1 mô hình điểm chống tảo hôn thì kinh phí hỗ trợ cũng không phải là nhỏ, đòi hỏi cần có sự quan tâm từ Trung ương và chính quyền các địa phương trong việc bố trí ngân sách cho mô hình.

Thời gian qua, mỗi mô hình điểm được ngân sách cấp 3,5 triệu đồng/năm. Số kinh phí này được dành để chi phí tiền nước uống trong các cuộc sinh hoạt hàng tháng; tiền kẻ, vẽ pa nô, áp phích… đã cơ bản hết, thậm chí còn thiếu, nói gì đến việc có kinh phí để tổ chức những hình thức tuyên truyền, vận động dễ hiểu, dễ nhớ, dễ gây ấn tượng với đồng bào như sân khấu hóa, hội thi tìm hiểu pháp luật hôn nhân, gia đình… Nhìn chung, các mô hình đều phải xin hỗ trợ thêm từ ngân sách xã và việc có hỗ trợ hay không, mức hỗ trợ như thế nào tùy thuộc hoàn toàn vào khả năng, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền mỗi xã, dẫn đến bị động trong khâu tổ chức thực hiện. 

Mười là, tăng cường hợp tác, tranh thủ hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ từ các tổ chức quốc tế và các tổ chức xã hội để bổ sung nguồn lực cho công tác chống tảo hôn.

Lời kết

Năm 2017, cộng đồng người DTTS Việt Nam nức lòng chứng kiến cô gái người Ê-đê H’Hen Niê lên ngôi Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam và lọt vào top 5 Hoa hậu Hoàn Vũ thế giới năm 2018. Thành tích của cô đã đưa Việt Nam tiến lên một bước mới trên bản đồ nhan sắc thế giới.

 Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam năm 2017 H'Hen Niê, người dân tộc Ê-đê

Chia sẻ với báo giới, mẹ H’Hen Niê tâm sự: “Lúc H’Hen Niê mới 14 tuổi, ở độ tuổi này, các cô gái quê tôi đã bắt đầu lấy chồng, sinh con. Ngày đó, nếu H’Hen Niê nghe lời tôi thì đã không thể tỏa sáng như hôm nay. Tôi rất mừng và thấy may mắn vì sự cứng đầu của con gái. Từ giờ trở đi, tôi không bao giờ giục con kết hôn nữa”.

Trong đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới, H’Hen Niê phát biểu một thông điệp hết sức ý nghĩa và truyền cảm hứng: “Tôi là một người dân tộc thiểu số, tôi đáng lẽ lấy chồng lúc 14 tuổi. Nhưng không, tôi chọn giáo dục. Đứng tại đây, tôi muốn nói, tôi làm được và bạn cũng có thể làm được!”.

Trở lại với Lý Thị D. (xã Bình Lãng, huyện Thôn Nông, tỉnh Cao Bằng), bạn trẻ đó nhờ cố gắng phấn đấu, nay đã là Chi hội trưởng một chi hội đoàn thể của thôn. Nhưng nếm trải những khó khăn, vất vả vì tảo hôn ở lứa tuổi lẽ ra được cắp sách đến trường, D. khẳng định không bao giờ cho con mình tảo hôn mà sẽ đi học để chuẩn bị cho một tương lai tốt hơn.

Câu chuyện của mẹ con Hoa hậu H’Hen Niê, của Lý Thị D. đã và sẽ truyền cảm hứng cho cộng đồng người DTTS thay đổi nhận thức để đi đến thay đổi hành vi về hôn nhân trẻ em. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, đảm bảo cho trẻ em có một tương lai tốt đẹp và cố gắng loại bỏ tình trạng tảo hôn ở vùng DTTS./.

Phương Nam - Trần Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực