Bão số 3 gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản

Chủ nhật, 04/08/2019 19:45
(ĐCSVN)- Bão số 3 đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản tại các tỉnh phía Bắc. Số người chết vẫn tiếp tục tăng lên.

Thanh Hóa: 1 người chết,13 người mất tích do ảnh hưởng của bão số 3.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa… đã xảy ra giông lốc kèm theo mưa lớn, gây thiệt hại nặng nề. Ngoài 1 người chết, 13 người mất tích, tại huyện Quan Hóa, đã có 18 nhà bán kiên cố bị thiệt hại dưới 30%; 5,3 ha luồng bị thiệt hại hoàn toàn trên 70%, 1 điểm trường bị thiệt hại. Tại huyện Quan Sơn có 16 nhà bán kiên cố bị thiệt hại 1 phần...

Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá đã huy động các lực lượng tìm kiếm người mất tích; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa hoặc phải di dời; tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm; kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông, nhất là tại các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở, ngập sâu. Các địa phương tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, khu khai thác khoáng sản, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

 

Lực lượng chức năng tìm kiếm người mất tích do lũ ống, lũ quét cuốn trôi tại bản Xa Ná,
xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, ngày 3/8. Ảnh: TTXVN

Cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng đã tổ chức đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống nhân dân bị ảnh hưởng do thiên tai. Các địa phương nhanh chóng chỉ đạo  đoàn thể huy động lực lượng giúp đỡ các gia đình có nhà bị thiệt hại dọn dẹp, tu sửa nhà bị hư hỏng. UBND huyện Mường Lát đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với chính quyền địa phương đến chia buồn, động viên gia đình có người chết, đồng thời hỗ trợ gia đình số tiền 5,4 triệu đồng.

Điện Biên: Tại huyện Điện Biên Đông, mưa lũ đã làm cháu Lò Văn Nghị (9 tuổi), trú tại bản Cảnh Lay, xã Phình Giàng bị chết; cháu Lò Văn Thuận (5 tuổi) trú cùng bản Cảnh Lay, xã Phình Giàng vẫn đang mất tích.Theo ông Vàng A Hờ, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông, vào khoảng 16 giờ ngày 3/8, cháu Lò Văn Thuận cùng Lò Văn Nghị trên đường đi chơi về, khi đến khe suối gần bản Cảnh Lay cháu Thuận xuống rửa chân thì bất ngờ dòng nước lũ từ trên thượng nguồn đổ về, cháu Nghị dùng tay kéo cháu Thuận lên nhưng cả hai đều bị lũ cuốn trôi.

 

Nhiều điểm sạt lở tại tỉnh Điện Biên. 

Đến 6 giờ ngày 4/8, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã tìm thấy thi thể cháu Lò Văn Nghị trên suối Lư (cách nơi bị cuốn trôi hơn 3 km); còn cháu Lò Văn Thuận vẫn chưa tìm thấy. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Điện Biên Đông vẫn đang nỗ lực tìm kiếm nạn nhân bị mất tích, đồng thời thăm hỏi, hỗ trợ, động viên gia đình các nạn nhân.

Tại huyện Nậm Pồ, mưa lũ khiến cho công trình ngầm Nà Khoa bắc qua suối Nậm Pồ (thuộc địa phận xã Nà Khoa) bị cuốn trôi một phần, giao thông từ trung tâm huyện đến các xã: Nà Khoa, Nậm Nhừ, Na Cô Sa tạm thời bị chia cắt trong nhiều giờ. Chính quyền huyện Nậm Pồ đã điều động nhân lực và máy móc tiến hành khắc phục sự cố. Đến trưa 4/8, tạm thời xe máy có thể dắt bộ qua được khu vực này, các phương tiện như ô tô chưa thể lưu thông.

Tại các địa phương khác như: huyện Điện Biên, Tủa Chùa, Mường Nhé mưa lũ khiến cho một số cột điện bị xói lở móng, có nguy cơ đổ gãy. Trước tình trạng trên, Công ty Điện lực Điện Biên đã nhanh chóng khắc phục sự cố, dùng dây cáp néo ngang tuyến không để đổ cột, duy trì vận hành và cử cán bộ thường xuyên kiểm tra địa bàn.

Ông Hà Văn Khương, Đội trưởng Đội Quản lý đường bộ 3 (Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Quản lý đường bộ II Điện Biên cho biết: Mưa lớn từ đêm 2/8 – 4/8, trên tuyến Quốc lộ 12 từ thành phố Điện Biên Phủ - thị xã Mường Lay xuất hiện hơn 20 điểm sạt lở lớn nhỏ. Trong đó có 3 điểm sạt lở lớn tại Km179, Km180 (địa phận xã Hua Thanh, huyện Điện Biên) và Km142+200 (địa phận xã Na Sang, huyện Mường Chà) với hàng vạn m3 đất đá từ vách ta luy dương sạt lở xuống lòng đường.

Sơn La: Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, đêm 3 và sáng 4/8, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Sơn La tiếp tục có mưa vừa và mưa to. Trong đó, tại huyện Mộc Châu, nước lũ từ thượng nguồn đổ về khiến cho nhiều gia đình ở tiểu khu 1, tiểu khu 3 và một số bản ở xã Đông Sang bị ngập sâu trong nước.

                  Mưa lớn, nước tràn vào nhà dân ở xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: TTXVN

Theo các hộ dân, từ 2 đến 4 giờ ngày 4/8, nước lũ đổ về khiến cho nhiều nhà bị ngập hơn 1m. Mặc dù các gia đình đã được cảnh báo từ trước nhưng do nước đổ về quá nhanh nên bà con chỉ kịp di chuyển đến vị trí cao để đảm bảo an toàn tính mạng, còn lại gần như toàn bộ tài sản của gia đình đành phó mặc cho dòng nước.

Trên địa bàn huyện Vân Hồ, từ đêm 1 đến sáng 4/8, đã xảy ra mưa lớn kèm theo giông lốc. Tính đến trưa 4/8, mưa lớn đã làm 1 nhà bị đổ sập tại bản Bó, xã Quang Minh; 7 hộ bị sạt lở, đá lăn phải di chuyển khẩn cấp người và tài sản tại các xã Quang Minh, Chiềng Xuân, Tân Xuân, Mường Tè; 13 hộ nhà bị tốc mái tại các xã Mường Men, Mường Tè.

Cùng với đó, mưa lớn làm tuyến đường từ xã Chiềng Khoa đi xã Mường Men tại cầu tràn Nà Tén bị nước ngập sâu, hiện các phương tiện không đi lại được; tuyến Quốc lộ 6 cũ từ xã Lóng Luông đi xã Chiềng Yên bị sạt lở, ô tô không di chuyển được. Tuyến đường Tỉnh lộ 102, tại khu vực bản Mường An mặt đường bị hư hỏng khoảng 7 m; khu vực bản Pa Cốp, xã Vân Hồ bị sạt lở đất đá ô tô không lưu thông được; đoạn từ xã Xuân Nha đi bản Cột Mốc, xã Tân Xuân bị sạt lở một số điểm hiện tại chưa được khắc phục. Tuyến đường đi xã Chiềng Yên tại khu vực bản Nà Bai bị sạt ta luy dương xuống đường, nước không thoát kịp làm hư hỏng mặt đường, chiều dài khoảng 20 m, hiện tại ô tô không lưu thông được... Ngoài ra, mưa lớn còn làm thiệt hại về sản xuất của bà con nhân dân ước tính trên 2 tỷ đồng.

20 người thiệt mạng 26 người bị thương trong vụ xả súng tại El Paso (Mỹ)

Ít nhất 20 người đã thiệt mạng và 26 người khác bị thương trong vụ xả súng xảy ra ngày 3/8 tại một một siêu thị Wal-Mart ở thành phố El Paso (En Pa-xô) thuộc bang Texas (Tếch-dớt), Mỹ.

 

Lực lượng an ninh có mặt tại hiện trường vụ xả súng. Ảnh: CNN.

Cảnh sát địa phương cho biết một đối tượng mang theo súng trường đã bất ngờ nã đạn vào những người mua hàng tại siêu thị. Vụ việc xảy ra vào thời điểm có khoảng 1.000-3.000 người đang mua sắm. Nghi phạm đã bị bắt. Danh tính của nghi phạm bị xác định là Patrick Crusius (Pa-trích Criu-xi-ớt), một thanh niên da trắng 21 tuổi đến từ thành phố Allen (E-lân) cũng thuộc bang Texas, cách thành phố El Paso khoảng 1.046 km về phía Đông. Hiện nhà chức trách đang tìm cách "giải mã" bản tuyên bố cực đoan bị cho là do hung thủ viết.

Những hình ảnh trong những đoạn clip được phát tán cho thấy nhiều người nằm la liệt tại bãi đỗ xe của siêu thị, trong khi nhiều khách hàng hoảng loạn tháo chạy. Nhà chức trách El Paso đã phải kêu gọi người dân tình nguyện hiến máu.

Theo truyền thông địa phương, các nạn nhân được đưa tới bệnh viện để chữa trị nằm trong độ tuổi từ 2-82. Trong khi đó, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador (An-đrết Ma-nu-ên Lô-pết O-bra-đô) cho biết trong số những người thương vong có 9 người Mexico, trong đó 3 người thiệt mạng và 6 người bị thương.

Đây là vụ xảy súng đẫm máu thứ 2 xảy ra tại một siêu thị Wal-Mart ở Mỹ chỉ trong chưa đầy một tuần qua. Trước đó, 2 người đã thiệt mạng và một cảnh sát bị thương trong vụ việc tương tự ở bang Mississippi (Mít-xi-xi-pi) ngày 31/7. Cuối tuần trước, một tay súng 19 tuổi cũng đã xả súng vào một lễ hội thực phẩm ở bang California khiến 3 người thiệt mạng, trong đó có 2 trẻ em.

Vụ xả súng ở El Paso cũng là vụ xả súng gây thương vong nhiều thứ 8 trong lịch sử hiện đại Mỹ, sau vụ xả súng ở San Ysidro (Xan Y-xi-đrô) hồi năm 1984 khiến 21 người thiệt mạng./.          

Xây dựng nông thôn mới ở miền núi phía Bắc về đích trước 1 năm

Sau 9 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, kết quả đạt được của các địa phương trong khu vực khá tích cực, về đích trước 1 năm so với mục tiêu đến năm 2020. Tuy nhiên, Chương trình xây dựng nông thôn mới ở khu vực vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, tính đến tháng 6/2019, khu vực miền núi phía Bắc đã có 603/2.280 xã (đạt 26%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến đến hết năm 2019 có khả năng có 28% số xã đạt chuẩn, hoàn thành sớm hơn 1 năm so với mục tiêu Chính phủ giao (28% là mục tiêu đặt ra đến năm 2020).

Tuy nhiên, với con số 603 xã đạt chuẩn, mặc dù tăng 18% so với cuối năm 2015, nhưng mức độ tăng thấp hơn so với bình quân cả nước - là 32%. Bình quân tiêu chí/xã đạt 12,28 tiêu chí, tuy tăng 8,32 tiêu chí so với năm 2011 và tăng 2,9 tiêu chí so với năm 2015, nhưng vẫn thấp hơn so với bình quân chung của cả nước là 15,26 tiêu chí/xã…

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm gian hàng nông thôn mới của tỉnh Lạng Sơn (Ảnh: K.D)

Các mục tiêu cơ bản của Chương trình đã đạt nhiều kết quả tích cực. Cả vùng đã có 6 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Về lĩnh vực giao thông, sau hơn 9 năm thực hiện, toàn vùng đã xây dựng được trên 28.000 km đường giao thông nông thôn, bằng toàn bộ kết quả thực hiện giao thông nông thôn của các giai đoạn trước. Đến nay, tất cả các xã có đường giao thông kết nối với trung tâm huyện và chợ huyện được trải nhựa.

Ở lĩnh vực tìm hướng đi cho sản xuất nông nghiệp đã được các địa phương hình thành khá rõ nét và khai thác được các thế mạnh đang từng bước trở thành trung tâm cây ăn trái tập trung quy mô lớn của cả nước.

Cũng trong thời gian qua, các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc đã chú trọng nhiều hơn đến các hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, qua đó đã hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Nhờ đó, thu nhập bình quân của người dân từng bước được cải thiện (năm 2018 ước đạt khoảng 28 triệu đồng/người), tuy thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước (khoảng 35-36 triệu đồng) nhưng đây cũng là một con số tích cực trong điều kiện khó khăn đặc thù của vùng miền núi.

Cùng với sự phát triển về kinh tế, chất lượng đời sống văn hoá tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Với hơn 30 dân tộc cùng sinh sống đã tạo nên sự đa màu sắc và phong phú về văn hóa tinh thần của người dân các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong đó, nhiều địa phương đã phát triển các loại hình văn hóa, văn nghệ dân tộc truyền thống như hát Then của dân tộc Tày, Nùng, Thái; văn hóa cồng chiêng của dân tộc Mường; múa khèn của dân tộc Mông… Nhiều địa phương đã biết tận dụng và phát huy lợi thế để phát triển kinh tế du lịch, nhất là mô hình du lịch cộng đồng, thu hút một lượng lớn khách du lịch trong nước và nước ngoài đến thăm quan như Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang...

 

 

Thương Huyền (T.H)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực