Chiều 8/8, tại Quảng Ninh, Viện Địa lý nhân văn (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo: “Bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên thế giới - Chính sách và giải pháp thực hiện”.
|
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: TT |
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn cho hay, không chỉ có giá trị về địa lý và lịch sử, di sản thiên nhiên còn là một nguồn tài nguyên vô giá với các giá trị về văn hóa, thẩm mỹ, giáo dục, môi trường, kinh tế, xã hội cùng nhiều giá trị khác có thể được lượng giá và khai thác để phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của các quốc gia, đồng thời đóng góp cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản. Giá trị của di sản thiên nhiên có ý nghĩa vượt khỏi ranh giới quốc gia và có ý nghĩa chung đối với nhân loại, do đó việc bảo vệ di sản thiên nhiên được duy trì hoặc tăng cường theo thời gian, đồng thời giá trị của di sản thiên nhiên được xem là căn cứ cho việc bảo vệ và quản lý hiệu quả tài sản trong tương lai.
Cũng theo TS Nguyễn Song Tùng, tại Việt Nam, hệ thống các vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan, danh lam thắng cảnh… là các di sản thiên nhiên. Đặc biệt, có 3 di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận: Vịnh Hạ Long (1994, 2000); Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (2003, 2015); Quần thể Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà (2023).
TS Nguyễn Song Tùng cho biết, hiện nay, không ít điểm di sản thiên nhiên đã và đang trở thành những điểm đến thu hút một lượng lớn khách du lịch, một mặt tạo ra các tác động tích cực như tăng doanh thu, tạo việc làm, cải thiện thu nhập, quảng bá giá trị di sản…, mặt khác gây ra các tác động tiêu cực như xói mòn di sản, quá tải hạ tầng, mất cân bằng sinh thái… Vì vậy, việc bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên là một trong những trách nhiệm quan trọng, yêu cầu các bên có liên quan cần có nhận thức đúng đắn và hành động kịp thời.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận vào một số nội dung về thực trạng bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên tại khu vực vịnh Hạ Long; vai trò của Vườn quốc gia Cát Bà trong việc bảo tồn di sản thiên nhiên thế giới và giải pháp thực hiện; bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên trên thế giới và trường hợp bảo tồn di sản thiên nhiên rạn san hô Great Barrier (Australia)...
Chia sẻ về thực trạng bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, bà Mai Thị Trang, Phòng Nghiệp vụ nghiên cứu, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho biết, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã áp dụng cơ chế, chính sách tổ chức bảo vệ môi trường di sản như: Quản lý, bảo vệ các giá trị ngoại hạng toàn cầu, giá trị tài nguyên thiên nhiên di sản; thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường; tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng; hợp tác, huy động nguồn lực bảo vệ môi trường... Nhờ đó, các giá trị di sản được bảo tồn nguyên trạng. Cảnh quan, chất lượng môi trường sinh thái ngày càng được cải thiện. Tài nguyên thiên nhiên được bảo tồn và phát huy trong phát triển kinh tế bền vững.
Tuy nhiên, theo bà Mai Thị Trang, hiện vẫn còn một số thách thức, khó khăn bảo vệ môi trường di sản như: Nhận thức cộng đồng còn hạn chế, vi phạm quy định về neo đậu phương tiện, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trái phép, xả chất thải không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường. Một số cơ chế chính sách liên quan đến công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản còn thiếu hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể.
Đề xuất giải pháp trong thời gian tới, theo bà Mai Thị Trang, UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách quản lý di sản liên tỉnh vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà; tăng cường hợp tác quốc tế để quản lý, bảo vệ và quảng bá di sản; tuyên truyền, đổi mới tư duy thay đổi hành vi ứng xử, ý thức trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường, giáo dục di sản trực quan, sinh động, gắn với thực tế, trải nghiệm./.