|
Quốc hội thảo luận về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư
Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông
giai đoạn 2017-2020.
|
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, chiều 11/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu cơ bản có ý kiến thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết chuyển đổi 3 dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) từ đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công; tiếp tục thực hiện đầu tư theo phương thức PPP đối với 5 dự án thành phần còn lại.
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, việc chuyển đổi này sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020 đã bố trí cho dự án. Theo số liệu báo cáo tới nay tiến độ giải ngân được 8.386/55.000 tỷ đồng, đạt 15,25% và theo kế hoạch vốn bố trí đến năm 2020 mới đạt khoảng 30% tổng vốn đầu tư công. Như vậy là rất chậm và không đạt tiến độ vốn đầu tư công đã bố trí giai đoạn 2016 – 2020.
Đại biểu Trần Văn Tiến lưu ý, thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện tại, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng GDP thấp nên cần lượng vốn lớn đầu tư tập trung để phát triển kinh tế. Trong khi đó, khả năng huy động vốn tín dụng của các nhà đầu tư gặp khó khăn bởi các ngân hàng đang thắt chặt việc cho vay các dự án PPP. Do đó, việc chuyển 3 dự án thành phần sang đầu tư công 100% bằng vốn ngân sách nhà nước sẽ mang lại hiệu quả và bảo toàn vốn cho nhà nước.
Theo đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị), việc triển khai nhanh dự án đường cao tốc Bắc - Nam là hết sức cần thiết, cần phải có nguồn vốn rất lớn trong điều kiện nguồn lực của nhà nước còn hạn chế, chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước cần phải huy động thêm nguồn vốn, năng lực quản trị của khối tư nhân. Đồng thời, nhất quán quan điểm những dự án nào khó khăn, doanh nghiệp tư nhân không muốn đầu tư thì nhà nước sẽ thực hiện đầu tư công, các dự án còn lại sẽ thực hiện đầu tư PPP. Căn cứ vào lưu lượng phương tiện vận tải và giá trị thương mại của dự án để lựa chọn phương thức đầu tư thích hợp. Theo đó, dự án cao tốc Bắc - Nam được chia thành 11 dự án thành phần, trong đó có 3 dự án lưu lượng và giá trị thương mại thấp, khó thu hồi vốn nên Quốc hội đã quyết định đầu tư công. 3 dự án thành phần còn lại có lưu lượng vận tải giá trị thương mại cao hơn Quốc hội đã quyết định đầu tư PPP.
“Đến nay việc triển khai dự án đã quá chậm so với yêu cầu đặt ra, chúng ta cần gác lại những tồn tại và cùng quyết tâm để triển khai ngay dự án này”, đại biểu cho biết.
Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), bày tỏ sự đồng ý chuyển đổi sang đầu tư công đối với 3 dự án thành phần gồm Mỹ Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây. Tổng mức đầu tư điều chỉnh là 100.816 tỷ đồng, trong đó cần bổ sung là 23.461 tỷ đồng.
Đại biểu lý giải, qua Tờ trình của Chính phủ cho thấy nếu đầu tư công sẽ đẩy nhanh được tiến độ, đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội và có hiệu quả về đầu tư.
Tuy nhiên đại biểu cũng băn khoăn, sẽ khó cho Chính phủ để đảm bảo có đủ vốn cho sự điều chỉnh này là 23.461 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, khi đất nước vừa mới tạm ổn với đại dịch COVID-19, vấn đề giải phóng mặt bằng mới được 73%, phần còn lại chắc cũng không dễ, dự kiến dự án sẽ hoàn thành trong năm 2023. Như vậy, áp lực về tiến độ khi dùng vốn của nhà nước là không nhỏ.
Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông là một công trình trọng điểm quốc gia có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo đại biểu, đối với đoạn đường bộ cao tốc đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư cần điều chỉnh phương thức đầu tư để đảm bảo thực hiện được dự án theo đúng tiến độ. “Đây là một hình thức thu hút đầu tư và nếu như ở giai đoạn đầu tư xây dựng, chúng ta chưa thu hút được các nguồn vốn thì sau khi Nhà nước bỏ tiền ra để đầu tư hoàn thiện, chúng ta kịp thời có phương án chuyển giao phù hợp. Đây cũng là một hình thức huy động vốn rất tốt”, đại biểu cho biết./.