Chủ động phòng, chống bão số 9

Thứ sáu, 17/12/2021 18:36
(ĐCSVN) – Để chủ động ứng phó với diễn biến bão số 9, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và các hoạt động trên biển, an toàn tính mạng của Nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố... tiếp tục chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó.
Tàu thuyền của ngư dân miền Trung về tránh bão số 9 tại Âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng).

Để chủ động ứng phó với bão số 9, Chủ  tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Công điện gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT& TKCN) tỉnh; các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam; Trường Chính trị; các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp; các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh.

Công điện nêu rõ, bão RAI đang di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, khoảng chiều tối nay (17/12/2021) bão sẽ đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 9. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 17.

Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh, ở khu vực phía Bắc của Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh dần lên cấp 7-8, giật cấp 10; ở vùng biển phía Đông khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh dần lên cấp 8-10, sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17; sóng biển cao nhất từ 8,0-10,0m; biển động dữ dội. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai trên vùng biển phía Đông khu vực giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa): cấp 4.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và các hoạt động trên biển, an toàn tính mạng của Nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị tiếp tục chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó theo Công điện số 14/CĐ-BCHPCTT&TKCN ngày 16/12/2021 của Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, trong đó tập trung vào một số nội dung: Rà soát, nắm rõ tất cả phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải và phương tiện khác) và các hoạt động trên biển.

Tổ chức theo dõi sát diễn biến của bão, thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền di chuyển về nơi tránh trú an toàn, kiên quyết không để tàu thuyền, phương tiện hoạt động trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng của bão; chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đối với các hoạt động trên biển, an toàn tính mạng và phòng chống dịch COVID-19 cho người dân tại nơi neo đậu, tránh trú.

Rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương án để chủ động ứng phó với tình huống bão ảnh hưởng. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó, không để bị động, bất ngờ, nhất là công tác đảm bảo an toàn dân cư trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, bảo vệ đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các Sở, Ban, ngành, địa phương, đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lớn để kịp thời triển khai ứng phó; thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh, Ban Chi huy PCTT&TKCN tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

* Cũng liên quan đến công tác ứng phó với bão RAI (bão số 9), cùng ngày, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng cho biết, các lực lượng của Bộ đội Biên phòng TP đang tập trung theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của bão trên Biển Đông. Chỉ đạo các đồn Biên phòng thường xuyên thông báo, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng, tránh, không đi vào vùng nguy hiểm.

Đơn vị này cũng đã chỉ đạo các đơn vị bổ sung kế hoạch và triền khai thực hiện nghiêm các công điện chỉ đạo của trên. Thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình thời tiết, báo cáo kiểm đếm, giữ liên lạc với các phương tiện hoạt động trên biển. Phối hợp với địa phương đề ra phương án, kế hoạch chuẩn bị di dời nhân dân khu vực ven sông, suối, hạ lưu, hồ đập, vùng trũng thấp, ven biển…các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lỡ đất đến nơi an toàn. Thường trực lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ PCTT&TKCN và các nhiệm  vụ đột xuất khác.

Theo Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng, đến nay qua thống kê phương tiện tàu thuyền trên địa bàn TP có tổng cộng 1.242 phương tiện/7.432 lao động có đăng ký, đăng kiểm. Trong đó, số tàu thuyền đang neo đậu tại các bến là 1.217 phương tiện/7.228 lao động; có 25 tàu/ 204 lao động đang hoạt động trên biển.

Đến thời điểm hiện tại, các phương tiện trên đã nắm được thông tin về cơn bão số 9 và thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và gia đình./.     

Tin, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực