Cùng chung tay bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục

Chủ nhật, 15/10/2023 13:29
(ĐCSVN) - Trong thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối tại nhiều nước trên thế giới.

Quyền trẻ em, bảo vệ quyền của trẻ em khỏi sự xâm hại tình dục luôn được cộng đồng quốc tế  quan tâm bằng việc xây dựng khung pháp lý chắc chắn để bảo vệ cho cho trẻ em. Công ước quốc tế về quyền trẻ em (CRC) có những qui định, chỉ dẫn cụ thể trong việc tôn trọng, thực thi các quyền con người của trẻ em, trong đó có việc bảo vệ trẻ em khỏi lạm dụng và bóc lột tình dục. Tuy nhiên xâm hại tình dục trẻ em vẫn là một vấn nạn trên toàn thế giới. Cùng với số lượng nạn nhân gia tăng, các hành vi xâm hại thể chất, tâm lý hoặc bạo hành đối với trẻ em ngày càng biến tướng phức tạp. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả, đồng thời nghiêm trị và ngăn chặn sớm những kẻ thực hiện hành vi ấu dâm.

Vấn nạn lạm dụng tình dục trẻ em – những con số nhức nhối

Phụ nữ Pakistan biểu tình phản đối lạm dụng tình dục trẻ em. (Ảnh: BK Bangash/AP)

Cuộc khảo sát của Flash Eurobarometer về “Bảo vệ trẻ em chống lại lạm dụng tình dục trực tuyến cho thấy phần lớn người châu Âu (73%) coi lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến là một vấn đề phổ biến hoặc rất phổ biến và 92% đồng ý rằng trẻ em ngày càng có nguy cơ gặp rủi ro trực tuyến. Sự lan truyền của các tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến và các trường hợp thao túng trẻ em để lạm dụng tình dục đều gia tăng ở mức đáng báo động. Tại Liên minh châu Âu, có tới 82% số người tham gia khảo sát đồng ý rằng các công cụ như kiểm soát của phụ huynh là không đủ để đảm bảo an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng. Trong khi có 78% người châu Âu được phỏng vấn có xu hướng ủng hộ hoặc ủng hộ mạnh mẽ đề xuất của Ủy ban chống lạm dụng tình dục trẻ em.

Hiện Liên minh châu Âu đang dự thảo một số qui định mới liên quan đến việc phòng ngừa và ngăn chặn hành vi lạm dụng tình dục trẻ em, đặc biệt trên không gian mạng. Trong đó, có nhiều điểm tích cực và cụ thể hoá thêm các điều ước quốc tế về quyền con người của trẻ em, đặc biệt là Hiệp ước về bảo vệ trẻ em khỏi bóc lột tình dục và lạm dụng tình dục (the Lanzarote Convention).

Theo Báo cáo của Tổ chức phi chính phủ Sahil có trụ sở tại Islamabad, trung bình có 12 trẻ em mỗi ngày - hoặc cứ hai giờ lại có một trẻ em bị lạm dụng tình dục ở Pakistan vào năm 2023. Cũng theo Sahil, tổng cộng 2.227 trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em đã được báo cáo cho chính quyền từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay.

Ông Imtiaz Ahmad Soomrah, điều phối viên trợ giúp pháp lý quốc gia của Sahil, cho biết hầu hết các vụ lạm dụng đều liên quan đến trẻ em từ 6 đến 15 tuổi. “Hơn 47% các trường hợp được báo cáo ở nhóm tuổi này và trong số này, nhiều bé trai được báo cáo bị lạm dụng tình dục (593 trường hợp) so với các bé gái (457 trường hợp)” – ông Soomrah nói.

Báo cáo của Sahil cho biết trong 912 trong số hơn 2.200 vụ việc lạm dụng tình dục trẻ em ghi nhận trong năm nay, thì các bị cáo chính là người quen của các em. Ông Soomrah cho rằng, việc thiếu niềm tin trong các trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em là do hệ thống tư pháp yếu kém và xu hướng xã hội giải quyết vấn đề bên ngoài tòa án.

“Hệ thống pháp luật của chúng tôi cho phép những tội ác ghê tởm này kéo dài trong nhiều năm. Tỷ lệ kết án trong các vụ lạm dụng tình dục trẻ em thậm chí không đến 2% và hầu hết các vụ việc này đều trải qua các thủ tục pháp lý và được giải quyết bằng sự thỏa hiệp giữa hai bên” - ông Soomrah nói, đồng thời lý giải thêm rằng, thực tế này là do áp lực kinh tế và xã hội mà gia đình các nạn nhân phải đối mặt cũng như sự kỳ thị liên quan đến lạm dụng tình dục.

Trong khi đó, lạm dụng tình dục trẻ em ở Ấn Độ là một vấn đề phổ biến và gây nhức nhối, với 28,9% trẻ em gặp phải một số hình thức tội phạm tình dục nghiêm trọng. Trong thời gian phong tỏa do đại dịch COVID-19, các nhà chức trách đã tiếp nhận 92.105 cuộc gọi báo cáo về hành vi lạm dụng và bạo lực đối với trẻ em.

Theo dữ liệu NCRB từ năm 2020, khoảng 28,9% trẻ em Ấn Độ đã trải qua một số hình thức tội phạm tình dục, tuy nhiên chỉ có 65,6% số tội phạm này được báo cáo. Thực tế này đã cho thấy, những nỗ lực của Ấn Độ nhằm thực hiện cam kết năm 1992 trong bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bóc lột và lạm dụng tình dục trong Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em vẫn còn gặp nhiều thách thức.

Nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: bravehearts 

Việt Nam là quốc gia sớm nhất tại khu vực châu Á đã phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em, thông qua ngày 20/11/1989, có hiệu lực ngày 02/9/1990 và các nghị định thư về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em, khiêu dâm trẻ em. Điều đó đồng nghĩa với việc Việt Nam đã thừa nhận rất nhiều nghĩa vụ và trách nhiệm về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; bảo vệ trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục, bị bóc lột tình dục, bị mua bán hoặc bị sử dụng vào mục đích khiêu dâm theo quy định của luật pháp quốc tế.

Trong thời gian qua, Việt Nam cũng tăng cường nhiều biện pháp, nhất là củng cố hành lang pháp lý để bảo vệ trẻ khỏi các các hành vi lạm dụng tình dục trẻ em. Điều 37 Hiến pháp năm 2013 qui định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng về quyền trẻ em trong các hoạt động tố tụng, hành chính, dân sự liên quan đến hành vi xâm hại tình dục trẻ em.

Bên cạnh đó,  nhiều văn bản pháp luật được ban hành nhằm bảo vệ trẻ em khỏi các hành vi xâm hại như: Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em; Chỉ thị số 18/CT-TTg, ngày 16/5/2017, của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em…

Công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em trong thời gian qua là một trong những vấn đề được ưu tiên. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn có dấu hiệu tăng so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, xảy ra nhiều vụ việc người thân, người có trách nhiệm nuôi dưỡng xâm hại thân thể, tính mạng, xâm hại tình dục trẻ gây bức xúc dư luận. Trong 4 tháng đầu năm, TP. Hồ Chí Minh có 65 trẻ em bị xâm hại, đối tượng xâm hại trẻ ngày càng mở rộng, có cả người có nghề nghiệp ổn định, có trình độ dân trí cao và địa vị xã hội. Phần lớn những người xâm hại trẻ em là nam giới và hầu hết các trẻ em bị xâm hại bởi người quen biết như họ hàng, hàng xóm, bạn của gia đình... Thủ đoạn của các đối tượng chủ yếu là lợi dụng sự tin tưởng hay sức ảnh hưởng của mình hoặc dùng "lòng tốt" nhằm dụ dỗ, đe dọa để thực hiện hành vi.

Báo cáo qua các cuộc gọi đến Tổng đại điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cũng cho thấy, trong 19 năm qua, Tổng đài 111 đã tiếp nhận 5.398.105 cuộc gọi đến. Trong đó, đã tư vấn 469.408 cuộc gọi và hỗ trợ, can thiệp cho 9.601 ca trẻ em bị xâm hại, bạo lực, mua bán, bóc lột, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và vi phạm quyền trẻ em. Trong số 9.601 ca hỗ trợ, can thiệp thì có 4.194 ca bạo lực trẻ em, chiếm 43,68%; 2.472 ca về xâm hại tình dục trẻ em.

Xâm hại tình dục trẻ em đang là vấn nạn nhức nhối, để lại những hậu quả nghiêm trọng về cả thể chất và tinh thần với các em. Nhằm hạn chế đến mức tối đa hậu quả của loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, cần nâng cao nhận thức về loại tội phạm này để từ đó áp dụng các biện pháp xử lý kịp thời, góp phần tạo hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng ngừa. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân về hình sự, hôn nhân gia đình, pháp luật về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em và phòng chống xâm hại tình dục trẻ em.

Có thể nói công tác đấu tranh phòng chống xâm hại tình dục trẻ em không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm của mỗi gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Theo đó, mỗi gia đình, mỗi bậc cha mẹ cần trở thành “tấm lá chắn”, thường xuyên quan tâm, chia sẻ với con em mình để nắm bắt những thay đổi bất thường về tâm, sinh lý của con em mình. Ngoài ra, khả năng nhận thức và tự vệ của trẻ em còn nhiều hạn chế nên các em có nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại tình dục cao. Vì vậy, cha mẹ cũng cần phải trang bị cho con em mình cách thức phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại.

Nạn nhân của hành vi lạm dụng tình dục trẻ em có thể gặp phải những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài:

Hậu quả về cảm xúc và tâm lý: Những trẻ em bị lạm dụng tình dục có thể gặp nhiều khó khăn về cảm xúc và tâm lý, chẳng hạn như trầm cảm, lo lắng, rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) và cảm giác xấu hổ, tội lỗi hoặc vô dụng. Những thách thức về mặt cảm xúc này có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ, công việc và chất lượng cuộc sống của các em.

Lòng tự trọng và hình ảnh bản thân: Việc trở thành nạn nhân của hành vi lạm dụng tình dục trẻ em có thể dẫn đến nhận thức sai lệch về bản thân và lòng tự trọng, khó tin tưởng người khác.

Sự thân mật và các mối quan hệ: Nạn nhân của hành vi lạm dụng tình dục trẻ em có thể gặp khó khăn trong việc hình thành và duy trì các mối quan hệ thân mật lành mạnh. Các em gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng lòng tin, nỗi sợ bị tổn thương và những khó khăn trong tình cảm thân mật và tình dục.

Hậu quả về sức khỏe thể chất: Ngoài tác động về tâm lý, lạm dụng tình dục trẻ em có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe thể chất, chẳng hạn như đau mãn tính, các vấn đề về đường tiêu hóa và các bệnh liên quan đến căng thẳng khác.

Nguy cơ tái trở thành nạn nhân: Nạn nhân của hành vi lạm dụng tình dục trẻ em có nguy cơ cao hơn tiếp tục trở thành nạn nhân hoặc mắc kẹt trong các mối quan hệ lạm dụng ở tuổi trưởng thành do hành vi và tính dễ bị tổn thương.

Lạm dụng chất gây nghiện: Nạn nhân của hành vi lạm dụng tình dục trẻ em có thể chuyển sang sử dụng ma túy hoặc rượu như một cơ chế đối phó để vượt qua nỗi đau và tổn thương tinh thần, dẫn đến các vấn đề tiềm ẩn về lạm dụng chất gây nghiện.

Rối loạn ăn uống: Nạn nhân của hành vi lạm dụng tình dục trẻ em có thể gặp phải chứng rối loạn ăn uống như một cách để đối phó với cảm xúc và lấy lại quyền kiểm soát cơ thể.

Những thách thức về giáo dục và nghề nghiệp: Những ám ảnh của lạm dụng tình dục trẻ em có thể cản trở trình độ học vấn và thành công trong sự nghiệp. Những nạn nhân của hành vi này có thể gặp khó khăn với khả năng tập trung, động lực và kỹ năng giao tiếp trong môi trường học tập và làm việc.

Hành vi tội phạm: Trong một số trường hợp, những nạn nhân bị lạm dụng tình dục trẻ em có thể thực hiện hành vi phạm pháp hoặc tham gia vào các hoạt động tội phạm như một cách để đối phó với tổn thương tâm lý.

Khó khăn trong việc nuôi dạy con cái: Nạn nhân của hành vi lạm dụng tình dục trẻ em khi lớn lên và trở thành cha mẹ có thể gặp khó khăn trong việc thực hiện trách nhiệm làm cha mẹ do những tổn thương chưa được giải quyết của chính họ.

Cô lập xã hội: Hậu quả về mặt cảm xúc của lạm dụng tình dục trẻ em có thể khiến những nạn nhân rút lui khỏi các hoạt động xã hội và cô lập bản thân với những người khác.

Điều cần lưu ý là không phải mọi nạn nhân của lạm dụng tình dục trẻ em đều sẽ trải qua tất cả những tác động này và phản ứng của mỗi cá nhân đối với việc lạm dụng tình dục trẻ em có thể rất khác nhau. Với sự hỗ trợ, liệu pháp và nguồn lực phù hợp, những nạn nhân của hành vi lạm dụng tình dục trẻ em có thể tìm thấy sự chữa lành và phục hồi theo thời gian.


T.Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực