Để chủ hộ kinh doanh cá thể đóng bảo hiểm xã hội có lương hưu

Thứ hai, 05/06/2023 09:02
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - 4.240 chủ hộ kinh doanh cá thể tại 54 địa phương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng một số trường hợp chưa được tính thời gian đóng để hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội. Đây là vấn đề cần được tháo gỡ trong quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội.

Bà Phan Thị Thanh Nga (phường Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh) đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc theo nhóm đối tượng là người lao động thuộc hộ kinh doanh cá thể từ năm 2006. Sau 15 năm, đến năm 2021, cơ quan BHXH tỉnh Bắc Ninh chốt sổ của bà Nga do không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Với 15 năm đóng BHXH, theo qui định, bà Nga còn thiếu 5 năm nữa thì đủ điều kiện để hưởng lương hưu và bà đề nghị đóng nốt 5 năm, nhưng BHXH tỉnh Bắc Ninh chưa thể giải quyết vì vướng cơ chế. Bà Nga mong muốn và yêu cầu các cơ quan nhà nước và Chính phủ, Quốc hội có Luật BHXH sửa đổi để được đóng tiếp và được hưởng quyền lợi hưởng BHXH của mình cho 15 năm qua.

 Bà Phan Thị Thanh Nga (phường Suối Hoa, TP Bắc Ninh) đã đóng BHXH bắt buộc theo nhóm đối tượng là người lao động thuộc hộ kinh doanh cá thể từ năm 2006. Sau 15 năm, đến năm 2021, cơ quan BHXH tỉnh Bắc Ninh chốt sổ của bà Nga do không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. (Ảnh: TL)

Cùng giống như bà Nga, chị Nguyễn Thị Thắm, Chủ cơ sở Trường Mầm non Song ngữ, Bắc Ninh, cũng đóng BHXH bắt buộc từ năm 2016, song năm 2021, chị Thắm bị dừng đóng BHXH cũng vì không thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc.

Chị Nguyễn Thị Thắm chia sẻ: 12 giáo viên làm việc tại cơ sở trường mầm non của chị đều đóng BHXH từ năm 2016 và đến nay, các giáo viên này vẫn đang đóng BHXH bắt buộc bình thường, chỉ có chị thì bị dừng đóng vào năm 2021. “Tôi cảm thấy rất thiệt thòi, bản thân tôi là chủ cơ sở, cũng làm công việc như các giáo viên ở đây, nhưng tất cả các bạn giáo viên tại cơ sở chúng tôi đều được tham gia BHXH bắt buộc, chỉ có bản thân tôi lại phải dừng đóng từ tháng 11/2021” - chị Nguyễn Thị Thắm bày tỏ và mong muốn các cơ quan BHXH và Quốc hội có những chính sách thỏa đáng để các chủ cơ sở như chị được đóng BHXH bắt buộc, đảm bảo quyền lợi giống như tất cả người lao động bình thường.

 Chị Nguyễn Thị Thắm, Chủ cơ sở Trường Mầm non Song ngữ, Bắc Ninh. (Ảnh: TL)

Có thể thấy, số đông chủ hộ kinh doanh cá thể tham gia BHXH bắt buộc vừa là người sử dụng lao động vừa là người lao động. Đây có thể coi là một dạng của hợp đồng lao động tự thỏa thuận, tự ký... hoàn toàn đủ điều kiện đóng - hưởng BHXH như người lao động.

Nhìn nhận sự việc từ năm 2003 đến 2021, tại nhiều địa phương có tình trạng thu BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh cá thể nhưng đến nay chưa được tính thời gian để hưởng chế độ BHXH, luật sư Nguyễn Hoài Sơn, Công ty luật TNHH Châu Á - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội phân tích: “Nếu như trước đây, chế độ hưu trí chỉ áp dụng với công chức, lao động nhà nước, người làm công hưởng lương hưu, thì sau năm 1994, kinh tế dần mở cửa, các quan hệ lao động cũng phát sinh. Các hộ kinh doanh tạo ra việc làm, song vẫn chưa ngang hàng với lao động khu vực nhà nước vì chưa được tham gia BHXH để hưởng lương hưu. Tới năm 2003, Nghị định 01 ra đời đưa nhiều nhóm vào diện đóng BHXH bắt buộc, trong đó có hộ kinh doanh cá thể (KDCT) nhưng chủ hộ KDCT không thuộc diện đóng bắt buộc vì không có hợp đồng, không được trả lương. Tuy nhiên, mỗi hộ KDCT trung bình chỉ có vài lao động, trong khi đó, số đông chủ hộ mặc dù là người sử dụng lao động, nhưng đồng thời cũng là NLĐ trực tiếp sản xuất kinh doanh; thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh có được khoản thu nhập, tiền lương (có trường hợp là thành viên hộ gia đình được ủy quyền làm chủ hộ). Xuất phát từ thực tiễn đó và nhu cầu được tham gia BHXH bắt buộc (khi chưa có chính sách BHXH tự nguyện), các chủ hộ KDCT đăng ký tham gia BHXH cho mình và các lao động khác trong hộ sản xuất với mong muốn được hưởng chế độ hưu trí khi về già”.

 Luật sư Nguyễn Hoài Sơn gợi mở, đề xuất hướng giải quyết để đảm bảo quyền lợi BHXH cho các hộ kinh doanh cá thể. (Ảnh: TL)

Luật sư Nguyễn Hoài Sơn cho rằng, việc các chủ hộ KDCT chủ động lập danh sách đăng ký tham gia BHXH bắt buộc cho mình và cho cả NLĐ trong hộ cũng là chính đáng, dễ hiểu, nhất là khi thời điểm đó, chính sách BHXH chưa thể thay đổi kịp để đáp ứng đúng nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Vì vậy, việc cần thiết bây giờ là chúng ta phải có giải pháp để đảm bảo đầy đủ quyền lợi, đáp ứng đúng nguyện vọng, mong mỏi chính đáng cho những chủ hộ KDCT này.

Theo luật sư Nguyễn Hoài Sơn việc chủ hộ KDCT tham gia BHXH bắt buộc một phần xuất phát từ bất cập của cơ chế chính sách khi mà chưa thay đổi kịp để bắt nhịp được với mong muốn tham gia BHXH bắt buộc của chủ hộ KDCT. Từ những lý giải trên, luật sư Nguyễn Hoài Sơn cho rằng, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng chính đáng của người dân thì cơ chế chính sách cần có sự thay đổi linh hoạt, kịp thời, phù hợp với thực tiễn phát sinh. “Nhiều chủ hộ KDCT tham gia BHXH bắt buộc đều có mong muốn được giải quyết chế độ chính sách BHXH nên việc thoái thu là bất khả kháng. Theo đó, cần giải quyết đúng nguyên tắc của BHXH là đóng -hưởng, nghĩa là chủ hộ đã đóng BHXH bắt buộc phải được hưởng đầy đủ quyền lợi các chế độ BHXH bắt buộc” – Luật sư Nguyễn Hoài Sơn bày tỏ.

“Từ thực tiễn và nguyện vọng này của chủ hộ KDCT, BHXH Việt Nam và Bộ LĐ-TB&XH cần trình Chính phủ, Quốc hội có giải pháp giải quyết để đảm bảo quyền lợi BHXH bắt buộc trên nguyên tắc đóng - hưởng (đã được quy định tại Luật BHXH năm 2006 và Luật BHXH năm 2014) cho các chủ hộ KDCT từ năm 2003 - 2021. Hướng giải quyết này, tôi cho rằng hoàn toàn phù hợp với mục tiêu và nội dung cải cách chính sách BHXH tại Nghị quyết số 28 và dự thảo Luật BHXH sửa đổi về việc mở rộng, phát triển diên bao phủ BHXH về đối tượng tham gia và hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu; mở rộng chủ hộ KDCT và một số nhóm đối tượng khác thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc” – luật sư Nguyễn Hoài Sơn đề xuất.

Còn ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng dự thảo luật BHXH sửa đổi lần này mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc cho cả chủ hộ kinh doanh cá thể là quy định rất phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, phù hợp thực tiễn nhu cầu hiện nay trong thực hiện chính sách an sinh xã hội...

Hiện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang đề xuất hướng tháo gỡ nhằm thu hút các thành phần tham gia BHXH, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia được hưởng chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

Tham gia đóng BHXH để khi về già có lương hưu ổn định, không phụ thuộc con cái, là mong muốn của tất cả mọi người lao động, không chỉ riêng bà Nga và chị Thắm. Nếu dự thảo Luật BHXH sửa đổi được Quốc hội thông qua lần này, không chỉ hơn 4.000 đối tượng như bà Nga, chị Thắm sẽ được tham gia vào mạng lưới an sinh xã hội của Nhà nước mà điều này hoàn toàn phù hợp với Nghị Quyết 28 của Đảng trong việc khuyến khích, mở rộng các thành phần tham gia chính sách BHXH./.

Hà Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực