Để sớm hiện thực hóa 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp

Thứ tư, 22/11/2023 16:13
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Theo số liệu báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cả nước đang có 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong số đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội cho công nhân mới đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân lao động.

Chị Nguyễn Thị Hoài, công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa (Chương Mỹ) cùng chồng và con nhỏ đang sinh sống trong căn nhà trọ rộng khoảng 20m2. "Dù Khu công nghiệp Phú Nghĩa là 1 trong 3 khu công nghiệp có dự án nhà ở nhưng số gia đình được thuê trọ thật sự là rất ít, chủ yếu chấp nhận ở trong không gian chật chội nhất là thời tiết miền Bắc vào những ngày hè nóng bức, ngột ngạt bủa vây. Nhưng thu nhập của vợ chồng tôi chỉ hơn chục triệu, trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay thì không có giải pháp nào hơn. Điều mong mỏi chắc không chỉ của vợ chồng tôi là được hỗ trợ tiền thuê nhà hoặc được thuê nhà của Nhà nước phù hợp với thu nhập thực tế để có điều kiện sinh hoạt tốt hơn, tái tạo sức lao động sau một ngày dài làm việc", chị Hoài nói.

 Phòng trọ chật hẹp là nơi sinh sống của 4 thành viên trong gia đình vợ chồng công nhân lao động.

Ý kiến của chị Hoài cũng là mong mỏi của hầu hết anh em công nhân đang làm việc trên địa bàn Hà Nội bởi, thành phố có 11 khu công nghiệp - chế xuất và khu công nghệ cao với trên 80% là lao động ngoại tỉnh trong khi chỉ có 3 khu công nghiệp có dự án nhà ở, đáp ứng được gần 20% nhu cầu của người lao động gồm: Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, Thăng Long (Đông Anh) và Phú Nghĩa (Chương Mỹ). Điều này cho thấy, có khoảng trên 80% công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư trong đó, nhiều khu nhà trọ diện tích chật hẹp, phí dịch vụ, điện, nước cao, chưa kể an ninh trật tự, vệ sinh môi trường còn chưa đảm bảo. Thiếu nhà xã hội giá rẻ cho người lao động thuê, các công trình phúc lợi công cộng như trường mầm non, nhà văn hóa, khu thể thao... phục vụ công nhân lao động cũng chưa đáp ứng được yêu cầu.  

Theo LĐLĐ thành phố Hà Nội, trong gần 2 tháng phát hành phiếu lấy ý kiến, kiến nghị của công nhân lao động thông qua các công đoàn cơ sở để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố năm 2023, vấn đề nổi lên vẫn là nhà ở cho người lao động.

Tương tự ở thành phố Hồ Chí Minh, với 31 dự án nhà ở xã hội đã đưa vào sử dụng tương ứng 18.800 căn hộ, qua khảo sát của LĐLĐ thành phố, còn khoảng 1,3 triệu lao động có nhu cầu nhà ở. Dù vậy, với mức thu nhập hiện tại so với các khoản phải chi tiêu thì việc có được một căn nhà dù là nhỏ của họ trở nên quá xa vời.

Dẫn chứng ở 2 thành phố lớn nêu trên cho thấy nhu cầu về nhà ở cho công nhân là nhu cầu lớn, thiết yếu. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng ban Quản lý các thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, với mức lương như hiện nay (trung bình 6 - 9 triệu đồng/người/tháng), hầu hết các gia đình công nhân không có khả năng tích lũy tài chính để mua nhà ở xã hội, phải trông chờ vào việc trợ cấp của Nhà nước, doanh nghiệp trong khi việc xây dựng nhà ở xã hội hiện nay đang gặp rất nhiều bất cập.

"Việc tạo quỹ đất để làm nhà ở xã hội rất ít. Theo Luật hiện nay, khi xây dựng các dự án nhà ở thương mại tại các đô thị từ loại III trở lên, chủ đầu tư phải trích ra 20% quỹ đất để làm nhà ở xã hội. Quy định này dẫn đến việc bố trí quỹ đất không phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch đô thị..., dẫn đến quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua thiếu nhiều so với nhu cầu và không tạo sự chủ động cho địa phương.

Nhà ở cho công nhân tại Thiết chế Công đoàn Hà Nam 

Một trong những khó khăn hiện nay là việc xác định đối tượng được mua nhà ở xã hội. Theo quy định hiện hành, người lao động muốn mua nhà ở xã hội phải là người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, đánh giá thế nào là người thu nhập thấp hiện vẫn là vấn đề bất cập. Tiêu chí là người ở xa đến và không có nhà ở mới được nhận hỗ trợ của nhà nước là chưa hợp lý.

Bên cạnh đó, việc phân bổ gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng có bao nhiêu % cho nhà đầu tư, bao nhiêu % cho người mua vẫn còn nhiều bất cập.

Việc chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội muốn được miễn tiền sử dụng đất vẫn phải xác định tiền sử dụng đất trước rồi mới thực hiện thủ tục miễn, làm phát sinh thủ tục hành chính. Theo báo cáo của các doanh nghiệp, để thực hiện thủ tục này mất thời gian từ 1-2 năm. Đồng thời, quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội còn chồng chéo, chưa thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai, dẫn đến việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp, mất nhiều thời gian thực hiện thủ tục và làm chậm tiến độ triển khai dự án.

Về giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội vẫn chưa tính đến các chi phí hợp lệ, hợp lý như chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp... trong khi lợi nhuận định mức không vượt quá 10% nên khó thu hút được doanh nghiệp", ông Nghĩa chỉ ra.

Để hoàn thành mục tiêu của Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”, theo Trưởng ban Quản lý các thiết chế Công đoàn, về phía chính quyền địa phương cần bố trí đủ nguồn vốn để giải phóng mặt bằng khu đất quy hoạch thiết chế công đoàn; xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài phạm vi khu đất xây dựng nhà ở xã hội.

Các hạng mục công trình theo quy hoạch Thiết chế Công đoàn Hà Nam gồm chung cư 5 tầng có 20 block với 976 căn hộ (có diện tích từ 30m2 và 45m2) cùng các công trình dịch vụ, hạ tầng xã hội như: Nhà thi đấu Đa năng quy mô 500 chỗ; quảng trường với sức chứa 5.000 người; siêu thị, phòng khám, nhà thuốc, các khu sân thể thao, công viên vui chơi giải trí...

Về phía Bộ Xây dựng phải xây dựng được quy trình triển khai dự án nhà ở xã hội một cách cụ thể để doanh nghiệp và cơ quan quản lý thực hiện; đồng thời tham mưu cho Chính phủ ban hành một số nội dung liên quan đến tiêu chí, tiêu chuẩn mua, thuê nhà ở theo hướng cắt giảm một số thủ tục, đặc biệt là nhà ở cho đối tượng công nhân lao động.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, bên cạnh gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã ban hành, Chính phủ cần xem xét ban hành thêm gói tín dụng dành riêng cho công nhân, người lao động mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với mức lãi suất vay ưu đãi không quá 4%/năm, thời gian vay không thấp hơn 25 năm để đảm bảo với mức thu nhập.

Đồng thời, tách rõ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có bao nhiêu % dành cho người mua nhà vay và bao nhiêu % dành cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Theo số liệu báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hiện nay cả nước đang có 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong số đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở.

Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu do mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ, với tổng diện tích 3.135.000 m2 đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân lao động. Có 127 dự án đang tiếp tục triển khai với quy mô xây dựng khoảng 160.900 căn hộ, tổng diện tích 8.045.000 m2.

Xuân Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực