Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về hoàn thiện dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.
|
Ảnh minh hoạ (Nguồn: KT) |
Theo Bộ LĐ-TB&XH, đối tượng điều chỉnh bao gồm: những người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng trước tháng 1/2022; người hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ 1/1995 sau khi thực hiện điều chỉnh theo mức chung mà có mức lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng dưới 2,5 triệu đồng/người.
Mức điều chỉnh được Bộ LĐ-TB&XH đề xuất chung cho các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng với mức 7,4%. Sau khi điều chỉnh theo mức chung, những người nghỉ hưu trước năm 1995 mà có mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng dưới 2,5 triệu đồng/tháng được điều chỉnh tiếp.
Cụ thể, đối với những người có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/tháng trở xuống tăng thêm 200.000 đồng/tháng; đối với những người có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/tháng đến dưới 2,5 triệu đồng/tháng tăng lên bằng 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Thời gian điều chỉnh từ 1/2022.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, lần gần nhất Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp là 1/7/2019 và chưa thực hiện thêm do ảnh hưởng của dịch bệnh
Trước đó, tháng 3/2021, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 2 phương án tăng lương hưu, trợ cấp cho 8 nhóm đối tượng. Phương án 1, nếu điều chỉnh từ tháng 7/2021, mức tăng lương hưu và trợ cấp xã hội là 10%; nếu điều chỉnh từ tháng 1.2022, mức tăng là 15%. Sau khi lấy ý kiến, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ phương án tăng 15%. Mức tăng này nhằm đảm bảo bù đắp trượt giá để duy trì giá trị của khoản lương hưu, trợ cấp hiện hưởng của người thụ hưởng do tác động bởi yếu tố lạm phát và chia sẻ một phần thành quả từ phát triển kinh tế của 3 năm từ 2019 đến 2021, do trong 2 năm 2020, 2021 không thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Cuối tháng 8, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục trình Chính phủ tăng lương hưu ở mức 11% từ năm 2022. Với việc điều chỉnh lần thứ 3, mức tăng lương hưu và trợ cấp BHXH tiếp được Bộ LĐ-TB&XH đề xuất giảm xuống còn 7,4%./.