Đồng bào Công giáo góp phần thiết thực vào sự phát triển của Thủ đô

Thứ năm, 11/01/2024 21:58
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Sáng 11/01, tại TP Hà Nội, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình công tác năm 2023, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2024; triển khai chương trình công tác, phát động ký giao ước thi đua năm 2024.
 Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Bùi An

Theo đánh giá tại Hội nghị, năm  2023, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội đã lần đầu tiên tổ chức giao ban thi đua theo 5 cụm thi đua; tổ chức đi kiểm tra khảo sát phong trào thi đua “Xây dựng xứ, họ đạo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” và “Giáo họ tự quản về an ninh trật tự” đối với các thôn Công giáo toàn tòng tại 11 địa phương của Hà Nội.

Kết quả kiểm tra và đánh giá cho thấy, các thôn Công giáo toàn tòng đều thực hiện có hiệu quả các phong trào và mô hình trên. Điển hình như giáo dân ở giáo xứ Hoàng Nguyên (huyện Phú Xuyên) tự giác tham gia bảo vệ môi trường, giữ trật tự trị an thôn xóm. Đường làng không có rác thải, an ninh trật tự được đảm bảo nên nhà dân không phải khóa cổng ban đêm. Không có đơn thư khiếu nại. Người Công giáo họ giáo Trại Vàng (huyện Quốc Oai) lập 10 nhóm bảo vệ môi trường, mỗi nhóm do một vị trong Ban hành giáo phụ trách. Giáo dân cam kết không đốt rơm rạ làm ô nhiễm môi trường mà xử lý thành phân bón ruộng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Giáo xứ Phú Cát (huyện Quốc Oai) lập tổ “Lương giáo đoàn kết bảo vệ an ninh Tổ quốc” được thành phố Hà Nội khen thưởng. Các mô hình tự quản tại các xứ đạo như Xuân Khanh, Phú Mai, Kim Sơn (Sơn Tây) được Bộ Công an khen thưởng nay đã nhân ra nhiều xứ họ khác trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Người Công giáo Thủ đô cũng tích cực phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng; tham gia xây dựng nông thôn mới. Đã có hàng nghìn m2 đất được hiến để mở đường, trong đó giáo xứ Sơn Đông (thị xã Sơn Tây) có 40 hộ Công giáo hiến đất làm đường nông thôn, 2 hộ được tặng Bằng khen.

Hội nghị cũng nhấn mạnh, bác ái nhân đạo là đức tính của người Công giáo nên khi xảy ra vụ hỏa hoạn ở Khương Đình, Thanh Xuân, người Công giáo Thanh Xuân đã quyên góp 88 triệu đồng ủng hộ các nạn nhân. Ban Bác ái Tổng giáo phận Hà Nội (Caritas Hà Nội) cũng kêu gọi quyên góp đưa về MTTQ phường Khương Đình để giúp đỡ các nạn nhân; tổ chức nhiều đợt khám sàng lọc bệnh đục thủy tinh thế ở các giáo xứ, tặng 720 xuất gạo tình thương hàng tháng cho các gia đình khó khăn, xây 8 căn nhà tình nghĩa. Caritas Hà Nội cũng tặng 200 xe lăn, gậy dò đường cho người tàn tật, kêu gọi giúp đỡ mổ tim bẩm sinh cho 10 cháu có hoàn cảnh khó khăn. Riêng giáo xứ Đàn Giản (huyện Thanh Oai) đã xây được 2 nhà tình nghĩa trị giá 100 triệu đồng. Giáo xứ Văn Phái (phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm) duy trì gói 3.000-4.000 bánh chưng mỗi dịp Tết Nguyên đán để biếu các nơi khó khăn. Người Công giáo tại quận Nam Từ Liêm quyên góp 151 triệu đồng cho hoạt động bác ái.

 Đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Bùi An

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và Linh mục An tôn Maria Dương Phú Oanh, Phó Chủ tịch Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội đánh giá cao kết quả thi đua của các đơn vị thuộc Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội và các mô hình bảo vệ môi trường, tự quản về an ninh trật tự, hoạt động bác ái - nhân đạo nơi đồng bào Công giáo. Những hoạt động này đã góp phần rất ý nghĩa vào sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh của Thủ đô Hà Nội; đồng thời góp phần tạo đồng thuận và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hội nghị xác định một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, trong đó sẽ đẩy mạnh sâu rộng phong trào thi đua yêu nước: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời - đẹp đạo”. Tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình: Cộng đồng Công giáo tham gia bảo vệ môi trường - ứng phó với biến đổi khí hậu; Phong trào về an ninh tự quản nơi xứ, họ đạo; Phong trào “Mỗi người Công giáo Thủ đô là một công dân tốt” ra tất cả các xứ, họ đạo trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội cũng lắng nghe, phản ánh tâm tư nguyện vọng của người Công giáo, tổ chức Công giáo tới chính quyền để giải quyết.

Tại Hội nghị, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội đã khen thưởng 50 tập thể và 83 cá nhân xuất sắc trong thi đua “Xây dựng xứ, họ đạo tiến tiến”; đồng thời phát động thi đua và ký giao ước thi đua năm 2024 giữa các Ban Đoàn kết Công giáo quận, huyện, thị xã./.

Bùi An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực