|
Hà Nội là một trong những thành phố chịu nhiều nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. (Ảnh minh họa: Bích Liên) |
Hà Nội chịu nhiều nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về diễn biến chất lượng môi trường không khí của Việt Nam trong thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại hai thành phố trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội là thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có chiều hướng gia tăng, có những thời điểm, chỉ số chất lượng môi trường không khí (ngưỡng giá trị AQI ) đã lên đến mức xấu, có ảnh hưởng đến sức khỏe con người và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian ô nhiễm tập trung vào mùa đông, từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra các nhóm nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn. Trong đó, nguồn ô nhiễm lớn nhất là từ hoạt động giao thông vận tải. Sau đó là các nguồn từ hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng, hoạt động đốt, sử dụng bếp than tổ ong. Ngoài ra yếu tố thời tiết, khí hậu cũng tác động không nhỏ đến chất lượng không khí, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Tại Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam” do Bộ TN&MT tổ chức chiều 14/11, ông Nguyễn Trọng Đông – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ rõ, theo thống kê, số dân cư sống tại Hà Nội khoảng 9 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm trên 40%. Toàn địa bàn thành phố có 10 khu công nghiệp, 1.300 làng nghề, hơn 7 triệu xe gắn máy và hơn 600.000 ô tô. Thành phố mỗi ngày tiêu thụ ước tính khoảng 80 triệu KWh điện và hàng triệu lít xăng, dầu. Chưa kể tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp và rác thải tự phát đang diễn ra thường xuyên trên địa bàn thành phố… “đây chính là những nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt ô nhiễm không khí”, ông Đông thông tin.
Trước thực trạng đó, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí. Điển hình, đã xoá bỏ hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% hiện tượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xoá bỏ hàng trăm lò gạch thủ công, thu gom, vận chuyển rác thải hàng ngày đạt trên 90% ở tất cả các khu vực trên địa bàn Thủ đô, triển khai thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí…
Đồng thời, Thành phố cũng đã ban hành nhiều chương trình, chính sách nhằm đưa Thành phố phát triển theo hướng kinh tế xanh, tận dụng các cơ hội phát triển theo hướng các-bon thấp và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, phòng tránh, giảm thiểu những hiểm hoạ của biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai, góp phần vào nỗ lực chung của Việt Nam thực hiện cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" – net zero vào năm 2050.
Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch cũng cho biết, ô nhiễm không khí đã nghiêm trọng đến mức người dân dùng từ mùa ô nhiễm thay cho mùa đông, nhất là miền Bắc. Ông Tùng cho rằng, trong bối cảnh phát triển kinh tế như hiện nay sẽ còn xuất hiện thêm nhiều nguồn thải mới, chất ô nhiễm mới như khí thải từ lò đốt rác phát điện. Trước thực trạng trên, ông Hoàng Dương Tùng đặt câu hỏi cần có giải pháp gì để kiểm soát tình trạng ô nhiễm hiện nay?
Hành động mạnh mẽ, kịp thời và quyết liệt hơn nữa
Theo Phó Chủ tịch thành phố Nguyễn Trọng Đông, Hà Nội đã trình Quốc hội ban hành Luật Thủ đô, trong đó có khoản a điều 28 quy định về tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp để hạn chế phương tiện giao thông ô nhiễm môi trường, nhằm cải thiện chất lượng không khí và ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035.
"Chúng ta cần có các hành động mạnh mẽ, kịp thời và quyết liệt hơn nữa để mang lại bầu không khí trong lành cho người dân", ông Nguyễn Trọng Đông bày tỏ.
Còn theo ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, Bộ đã xây dựng dự thảo QCVN khí thải phương tiện ô tô đang lưu hành, đang được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, đồng thời xây dựng dự thảo Lộ trình áp dụng QCVN khí thải phương tiện ô tô đang lưu hành để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nghiên cứu, triển khai xây dựng Lộ trình áp dụng QCVN khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành và xây dựng QCVN khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, ông Nam cũng cho rằng, cần xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông công cộng chất lượng cao và phủ sóng khắp các khu vực đô thị, giúp người dân có thể dễ dàng lựa chọn phương tiện công cộng thay vì sử dụng xe cá nhân.
Thực hiện thiết lập các khu vực hạn chế phương tiện cá nhân trong giờ cao điểm, đặc biệt là ở các khu vực đông dân cư và trung tâm thành phố. Khuyến khích sử dụng xe đạp và phương tiện công cộng bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ bao phủ rộng, thuận tiện cho người dân.
Đưa ra các giải pháp hiệu quả giảm thiểu ô nhiễm, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy cho biết, vấn đề quan trọng nhất hiện nay trong kiểm soát chất lượng không khí là cùng hành động, tổ chức thực thi các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí, trong đó cần xác định các mục tiêu ưu tiên, giải pháp trọng tâm, tập trung nguồn lực để thực hiện.
Bộ trưởng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, tìm kiếm các giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế ngay được tình trạng phát sinh bụi từ hoạt động giao thông và xây dựng. Đây được nhận định là nguồn phát thải bụi mịn lớn nhất hiện nay.
Bộ Giao thông Vận tải sớm ban hành và áp dụng quy định về quy định quy chuẩn, tiêu chuẩn khí thải với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi giao thông xanh, giảm phát thải, tiến tới không phát thải, sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường, khuyến khích sử dụng giao thông công cộng.
Bộ trưởng cũng đề xuất, có thể nghiên cứu đề xuất các biện pháp kỹ thuật cần thiết như tăng cường phun sương hoặc rửa đường thí điểm, có thể dưới hình thức tự động, trong khung thời gian từ 00 giờ đêm đến 6h sáng để xử lý tình huống trong thời gian xảy ra ô nhiễm không khí nghiêm trọng, báo động. Bộ trưởng cũng mong rằng, từ các đề xuất sẽ được chuyển hoá thành hành động cụ thể và thiết thực, hướng đến một “bầu trời xanh, không khí sạch” cho các đô thị lớn trên cả nước./.